Ngày 09, 10 tháng 12 năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng hành cùng Đại học Bayreuth, Đại học Cologne (Đức), Đại học Huddersfield (Anh), Đại học New South Wales (Úc), Đại học Sư phạm quốc lập Đài Loan tổ chức Hội thảo lần thứ ba với Chủ để: “Chuyển đổi số trong giáo dục: nhận thức, hành động và triển vọng” (Digital transformation in education: perception, action and prospect). Hội thảo cũng nhận được sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF – VinBigdata), Trung tâm giáo dục và công nghệ số, Quảng văn và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba được tổ chức kể từ năm 2019 nhằm tạo diễn đàn quốc tế chia sẻ các nhận thức, quan điểm về các vấn đề cập nhật trong lý thuyết, thực tiễn phát triển của khoa học giáo dục cũng như xây dựng thương hiệu quốc tế về ”khoa học giáo dục” của Trường ĐHSP Hà Nội. Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội ) chi sẻ, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong giáo dục cũng như dự báo triển vọng cho tương lai; đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và quản trị nhà trường cũng như trong nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá các môn học (ở tất cả các cấp học); đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng bối cảnh chuyển đổi số. Hội thảo góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Các tham luận tham gia trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh tại hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề như sau:

- Những nhận thức và quan điểm về chuyển đổi số trong giáo dục trên thế giới;

- Xu hướng, cơ hội, thách thức và giải pháp cho đổi mới giáo dục trong kỉ nguyên số: nội dung, phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại; năng lực của học sinh và giáo viên; kỹ năng chuyển đổi số, năng lực số và năng lực sư phạm số;

- Giáo dục thông minh, trường học thông minh, công nghệ giáo dục;

- Nhà trường hiện đại trong chuyển đổi số và mục tiêu đào tạo Công dân toàn cầu: xây dựng chương trình nhà trường nhằm phát triển năng lực học sinh; sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; tính quốc tế, liên văn hoá và liên ngành trong giảng dạy; xây dựng trường học vì sự phát triển bền vững;

- Quản lý giáo dục và chính sách phát triển đội ngũ giáo viên nhìn từ góc độ chuyển đổi số;

- Chuyển đổi số trong tâm lí học ứng dụng (Tâm lí học lâm sàng, tâm lí học trường học…);

- Giáo dục STEAM (Science, Technology, Engineering, Arts, and Mathematics) từ bậc mầm non đến THPT;

- Triển vọng của chuyển đổi số trong giáo dục.

Tham gia Hội thảo có sự có mặt của nhiều chuyên gia, học giả đến từ các trường đại học lớn trên thế giới như GS.TS Timothy Teo (h-index 32, Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Trung Văn Hong kong); GS.TS Chun Yen Chang (Giám đốc trung tâm khoa học giáo dục, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, h-index: 23); PGS.TS. Shit Fun Chew (Phó trưởng khoa Khoa học Tự nhiên, Viện Giáo dục Quốc gia NIES, Singapore, h-index: 45);, GS.TS Samia Khan (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Dundee, h-index 18); PGS.TS Tony Loughland (Trưởng khoa Giáo dục, Đại học New South Wales, h-index 16); TS. Wayne Bailey (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục & Phát triển, Đại học Huddersfield h-index 6); TS Jan Sprinob (Điều phối trưởng Dự án quốc tế hóa giáo dục đại học, Đại học Cologne)….… Hội thảo đã quy tụ được gần 300 nhà khoa học đến từ 11 quốc gia gồm Anh, Bỉ, Campuchia, Colombia, Đài Loan, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Việt Nam… Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo của nhiều Trường sư phạm, hoặc có đào tạo ngành sư phạm như Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Tây Bắc…

7 báo cáo tại phiên toàn thể đến từ Đại học New South Wales (Úc), Huddersfield (Anh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học British Colombia (Canada), Đại học Cologne (Đức), Đại học Trung văn Hongkong (Trung Quốc)… đã khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của chuyển đổi số trong giáo dục kể từ khi đại dịch COVID – 19 bùng nổ và nhận định đây là cú hích quan trọng cho sự thay đổi lớn của giáo dục toàn cầu. Các học giả cũng đã bàn luận về vai trò của AI trong giáo dục phổ thông, đại học, những thách thức và cơ hội cần nắm bắt từ việc ứng dụng AI. Chuyển đổi số trong giáo dục cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cho công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng như hiện đại hóa mô hình, cách thức, nội dung hoạt động của các trường đào tạo giáo viên.

Hơn 30 báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ 11 quốc gia cũng được thảo luận sôi nổi tại các phiên song song trong khuôn khổ hội thảo đã cung cấp các góc nhìn, các cách tiếp cận đa dạng đối với chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, AI trong dạy và học tại nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Những ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng đã cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam hiện tại.

Hội thảo khoa học quốc tế ILITE là nỗ lực quy tụ, kết nối các học giả trong ngoài nước cùng chung tay góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỉ về giáo dục, phát triển bền vững và hợp tác toàn cầu vì sự phát triển chung của nhân loại. TS Wayne Bailey (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục & Phát triển, Đại học Huddersfield) và PGS.TS Tony Loughland (Trưởng khoa Giáo dục, Đại học New South Wales) đồng tình rằng Hội thảo là cơ hội thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học của Anh, Úc với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Thành công của Hội thảo cũng chứng tỏ vị thế của Trường ĐHSP Hà Nội trong nền giáo dục Việt Nam và khu vực. Hội thảo cũng đã nhận được sự tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan ban ngành có liên quan.

Bài: Phòng KHCN

Ảnh: Trần Quốc Bảo, Đội Truyền thông Đoàn trường

Một số hình ảnh tại sự kiện:

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền và PGS.TS Nguyễn Văn Trào tặng quà lưu niệm cho các đối tác đồng hành của Hội thảo

Các học giả tham gia Hội thảo

Báo cáo tại phiên Higher Education in the Digital Era