Trong 3 ngày (từ ngày 27/09 đến ngày 29/09/2023), Khoa Giáo dục Mầm non – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công Khóa tập huấn “Học qua chơi của trẻ mầm non”.

         Đây là một trong chuỗi hoạt động năm 2023 được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018- 2025 của Bộ GDĐT (Đề án 33). Khóa tập huấn đã thu hút sự tham gia của các học viên là giảng viên của các trường đại học và cao đẳng trong cả nước như Tiền Giang, Bến Tre, Huế, Ninh Bình, Lai Châu, Thái Nguyên…

Bà Đinh Thị Hồng Kiên – Chuyên viên chính Cục nhà giáo và CBQLGD, Thư kí Ban chỉ đạo Đề án 33 phát biểu tại khóa tập huấn

PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục mầm non nhấn mạnh: “Học qua chơi là phương pháp học đặc thù của trẻ lứa tuổi mầm non. Để phù hợp với đặc điểm này, mọi hoạt động học tập ở cơ sở giáo dục mầm non đều cần được tổ chức dưới hình thức chơi. Chơi là học tập nghiêm túc ở trẻ mầm non, hoạt động này mang lại niềm vui, cơ hội khám phá thế giới xung quanh và niềm yêu thích học tâp, khám phá một cách tự nhiên. Học qua chơi cũng chính là phương pháp giáo dục đang được áp dụng rộng rãi tại các trường mầm non trong nước và quốc tế”.

Khóa tập huấn tập trung vào các nội dung chính bao gồm: (1) Chơi của trẻ mầm non; (2) Học của trẻ mầm non; (3) Tổ chức học qua chơi cho trẻ mầm non. Từ đó, học viên có được những hiểu biết về học qua chơi của trẻ để có thể áp dụng vào công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong bối cảnh mới.

Báo cáo viên và học viên tham gia khóa tập huấn

Đến với khóa tập huấn, các học viên được thăm quan và dự các hoạt động tại trường mầm non Ánh Sao – Nghĩa Tân – Cầu Giấy. Đồng thời, các học viên được trao đổi, thảo luận về dựa trên các nội dung thực hành quan sát học qua chơi ở trường mầm non, từ đó tìm kiếm các biện pháp thực tế để cải thiện chất lượng giáo dục mầm non

Học viên thăm quan và dự giờ tại lớp học trường mầm non Ánh Sao

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đều đánh giá cao sự phù hợp, thiết thực về nội dung; sự sinh động, tích cực về phương pháp, hình thức bồi dưỡng. Sau tập huấn, các cơ sở đào tạo tham dự đều có kế hoạch báo cáo lại và đề xuất áp dụng nội dung tập huấn phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Các học viên cũng thể hiện mong muốn Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn nhằm tạo cơ hội học tập nâng cao chuyên môn cho giảng viên các trường đào tạo giáo viên mầm non.

Tin bài và ảnh: Khoa Giáo dục Mầm non