Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ LÊ LÀNG TRUNG LỄ

Chuyên mục: Nhân vật-Sự kiện 17.08.2021   6077


Cẩm Bình

Lời Ban Biên soạn

Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thiêm (1918 - 1991) là một nhà toán học tiên phong, kiệt xuất của nước ta ở thế kỷ XX. Năm 1949, từ giã Paris hoa lệ, giáo sư về nước tham gia kháng chiến và trở thành nhân vật đầu đàn của nền giáo dục đại học Việt Nam cách mạng. Từ 1951 – 1956, Giáo sư là Giám đốc ĐHSP Khoa học. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường ĐHSP Hà Nội, chúng tôi xin phép được lược in bài viết có nhan đề trên đây của nhà báo Cẩm Bình (in trong sách “Nửa thế kỷ những gương mặt nhà giáo”, NXB Giáo dục 1995) về Giáo sư, tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm, từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo đường quốc lộ số 8, tôi tìm về Trung lễ. Nắng mùa thu trải dài trên những cánh đồng đang gặt dở. Tôi dừng lại rất lâu ngắm nhà thờ họ Lê, thắp nén hương lên bàn thờ Tổ Mẫu. Người trông coi nhà thờ của dòng họ rót cho tôi bát nước chè xanh nóng bỏng. Mùi hương trầm thơm nức hoà lẫn mùi chè tươi quyến rũ. Ông kể cho tôi nghe về thời thơ ấu của cậu út Lê Văn Thiêm:

- Ở nhà vẫn gọi ông với cái tên quen thuộc “cậu Thêm”. Ông bà Lê Văn Nhiêu sinh hạ được 15 người con. Trước Thêm, có người tên là út Châu, những tưởng đẻ đến út Châu là hết, ai ngờ sau mấy năm, bà lại mang thai. Cậu con trai cuối này được đặt luôn tên là Thêm, đúng với nghĩa “đẻ thêm”. Cậu Thêm cũng như những người con khác trong gia đình, sớm phải sống tự lập. Gia đình thuộc tầng lớp trung nông, nhưng nhà đông con nên mọi người đều phải lao động từ sớm. 7, 8 tuổi Thêm đã biết chăn trâu, cắt cỏ, giúp đỡ bố mẹ. Bấy giờ Thêm đã tỏ ra là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn. Vừa làm, vừa học. Thêm không đến lớp vỡ lòng như các bạn cùng lứa, cậu theo học người anh thứ 9 Lê Văn Nựu. 13 tuổi Thêm mồ côi mẹ, Thêm theo người anh trai thứ Lê Văn Kỷ, lúc này đã là thầy thuốc ở Quy Nhơn, để được tiếp tục đi học. Anh Nựu cũng cùng đi với Thêm.

Ông Nựu kể cho tôi nghe về những ngày hai anh em theo anh Kỷ ở Quy Nhơn rồi theo ra Huế:

“Đó là những năm 1933 - 1937 sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị khủng bố và bần cùng hóa đến tột độ. Tôi và Thêm phải sống nhờ vào một suất lương y sĩ của người anh. Học sinh trường Collège de Quy Nhơn ngày ấy phần lớn là người tử xứ. Bên cạnh các thầy người Việt có một số thầy người Pháp. Khi Thêm học tiểu học, tôi học Cao đẳng tiểu học (cấp 2 bây giờ) . Bắt đầu từ thời kỳ này Thêm đổi thành Thiêm. Thiêm học rất thông minh. Những bài toán tôi mang về Thiêm đều giải được kể cả những bài các bạn học giỏi trong lớp tôi tốn khá nhiều thời gian mới giải được, tôi đưa cho Thiêm, chỉ trong chốc lát Thiêm đã đem cho tôi xem kết quả với vài ba cách giải khác nhau. Năm Thiêm học lớp thứ tư bậc cao đẳng tiểu học (lớp 9 ngày nay), Hiệu trưởng nhà trường là giáo sư Casimir Michel cử nhân toán học đại học Pari, một nhà giáo yêu nghề, Michel quan tâm đến việc học, nhất là học toán của học sinh. Thiêm đã trở thành học trò cưng của ông. Kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học năm 1937, Lê Văn Thiêm tuy đỗ không vào diện nhất nhì của lớp, trái lại điểm tổng kết các môn của Thiêm xếp thứ 6. Giáo sư Miche với tư cách là Hiệu trưởng và Chủ tịch hội đồng trường đã quyết định xếp Lê Văn Thiêm vào đầu danh sách khen thưởng với lý do “Anh ấy sẽ tiến xa hơn tôi”. Rất cảm kích trước sự ưu ái của thầy dành cho mình và để khỏi phụ lòng người thầy tri kỷ, ba tháng sau Thiêm đã thi đỗ tú tài phần thứ nhất (tương đương lớp 11 ngày nay), thay vì phải đèn sách 2 năm như mọi người, năm học cuối cùng Thiêm ra Hà Nội để thi lấy bằng tú tài toàn phần”.

Cuộc đời sinh viên của Lê Văn Thiêm bắt đầu từ năm học 1938 - 1939 tại Trường đại học Đông Dương. Ngày ấy Đại học Đông Dương là phân hiệu của Đại học Paris nhưng lúc ấy chỉ có khoa Y là tương đối hoàn chỉnh. Không còn con đường nào khác, Lê Văn Thiêm đành phải ghi tên vào học lý, hoá, sinh (P.C.B) để chuẩn bị vào học Y khoa. Năm sau, 1939, anh tốt nghiệp P.C.B với kết quả cao, anh được nhận học bổng sang Pháp học.

Từ bỏ con đường Y khoa, Lê Văn Thiêm được vào học Ecole Normale Supérieure để chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ toán học. Nhưng ước mơ chưa thành thì tình hình chính trị ở Pháp lộn xộn, chưa đầy 2 năm học ở Pháp, Lê Văn Thiêm cùng năm người Việt Nam yêu nước khác đang ở Pháp quyết định trốn sang Đức để xin học. Với ý định theo học một số chuyên ngành như: vũ khí, pháo binh, hoá học... Nhưng chính phủ Hitler từ chối, vì vậy các bạn anh đành phải về Pháp, riêng Lê Văn Thiêm nhờ tìm được thầy giáo hướng dẫn làm luận án tiến sĩ nên được ở lại. Ở đây, anh lại bắt đầu học một ngoại ngữ mới, vừa học vừa nghiên cứu chuyên môn, 1944 anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về toán giải tích phức.

Một lần nữa người thanh niên Việt Nam này lại phải chứng kiến cảnh chiến tranh thế giới lần thứ 2. Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Berlin, cảnh các sư đoàn Đức phát xít đầu hàng, biết không thể ở lại Đức để tiếp tục học tập nghiên cứu, anh tìm đường về Pháp. Tại đây anh lại bảo vệ tiếp luận án tiến sĩ khoa học. Những người bạn Pháp cùng sống với Lê Văn Thiêm như Max Fouvielle, Robert Carol, Gérard Debreu... đều rất yêu mến anh, họ mô tả anh là một người khiêm tốn, ít nói nhưng rất nhiệt tình. Ngoài việc nghiên cứu toán học anh còn tham gia các hoạt động của nhóm những người Việt Nam yêu nước. Anh luôn hướng về Tổ quốc với tất cả tình cảm và tấm lòng của một đứa con xa mẹ. Mùa đông năm 1942, anh rời Paris sang Thuy Sĩ. Ở đó, anh đã làm việc với Nevanlinna về các hàm số phân hình. Những kiến thức anh thu nhận ở đó đã là những ý tưởng mà anh thiết tha suốt cả cuộc đời. Đặc biệt ở đây, anh đã thu thập nội dung của bản luận án được bảo vệ tại Paris năm 1948 dưới sự hướng dẫn của Georges Vilron, khi đó là chuyên gia giỏi nhất về hàm số giải tích biến số phức ở Pháp. Sau đó, những năm 1948 -1949, Lê Văn Thiêm lại được mời làm giáo sư Trường Đại học Bách khoa Zurich (Thụy Sĩ). Ở Pháp cũng như Thuỵ Sĩ, nhiều công trình khoa học của anh đã được công bố. Trong luận án tiến sĩ của mình, anh đã giải quyết được một bài toán khó tồn tại trong nhiều năm chưa ai tìm ra phương pháp giải, đó là bài toán ngược của phân phối giá trị các hàm phân hình. Hai bài toán đầu tiên của anh đãng trên tạp chí Comment Math Hevl số (23-1949) và Ann Sci Ecole (số 7-1950) đã mở đầu cho một hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết hàm biến phức và được phổ biến rộng rãi trong các sách chuyên khảo nổi tiếng ở nước ngoài. Đúng như dự đoán của ông hiệu trưởng Michel ở trường Cao đẳng tiểu học Huế ngày nào, anh đã tiến xa hơn thầy giáo của mình. Trong Đại hội Văn hoá kháng chiến toàn quốc năm 1948, tổ chức tại Thanh Hoá, giáo sư Tạ Quang Bửu vui mừng giới thiệu công trình khoa học của tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam và khẳng định:

“Anh thanh niên chưa đầy 30 tuồi này đã nghiễm nhiên đứng vào hàng ngũ bậc thầy của chúng tôi!”

Những năm tháng sống nơi đất khách quê người, anh thanh niên mang dòng máu và khí phách của dòng họ Lê làng Trung Lễ vẫn luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam với nỗi mong muốn thiết tha được góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng dân tộc. Anh hăng hái tham gia mọi hoạt động ủng hộ các phong trào kháng chiến trong nước. Với tư cách thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hoà, giáo sư Lê Văn Thiêm tham dự Đại hội Hoà bình thế giới tại Stockholm. Sau sự kiện này, Giáo sư bị chính quyền sở tại trục xuất về Pháp vì tội “thân cộng”.

Trong nước, vào giai đoạn này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào thời kỳ quyết liệt, Giáo sư Lê Văn Thiêm quyết định trở về nước, từ bỏ con đường công danh đầy triển vọng đã mở ra trước mắt. Những người bạn thân thiết của giáo sư, mỗi lần nhắc đến Lê Văn Thiêm đều không quên kể về chuyến trở về lịch sử của nhà toán học trẻ tuổi và đầy nghị lực ấy:

- Vào một ngày cuối năm 1949, Lê Văn Thiêm mang hầu hết số tiền lương ít ỏi của mình ra sân bay mua vé từ Paris đi Băng Cốc (Thái Lan). Xuống đến sân bay, giáo sư gặp một người Mỹ, người này tha thiết mời ông sang Mỹ để giảng dạy cho các trường Đại học ở bên đó, với hứa hẹn trả lương thật hậu. Nhưng Lê Văn Thiêm từ chối. Và ông đã tìm cách bí mật đi bộ băng rừng, lội suối qua Campuchia về miền Tây Nam Bộ, hoà mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Những năm gian khổ sống trong cảnh thiếu thốn, ngay cả những giáo trình toán cơ bản nhất cho giảng dạy đại học cũng chưa có. Nhưng bù lại, ở đây anh gặp được những con người tuyệt vời, cùng chí hướng như ông Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa. Chính bộ ba này đã cùng nhau nhen nhóm ngọn lửa đầu tiên của nền khoa học Việt Nam, giữa lúc đất nước còn mịt mù khói lửa chiến tranh, khi chưa thoát khỏi chế độ thực dân, 95 % dân bị mù chữ. Được giao làm Hiệu trưởng trường Đại học khoa học cơ bản, rồi Hiệu trưởng trường Sư phạm cao cấp (1951 - 1954) và Giám đốc Đại học Sư phạm khoa học (1954 - 1956), Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 - 1970), giáo sư Lê Văn Thiêm đã thực sự là người có công rất lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Ở cương vị hiệu trưởng một trường đại học hay một cán bộ chuyên môn đầu ngành, giáo sư luôn đi sát với mọi công việc. Các thế hệ sinh viên khoa toán cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm cuối thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 còn nhắc mãi kỷ niệm khó quên về những chuyến đi về các vùng bom đạn ác liệt ở Thanh Hoá, Nghệ An, Thầy Thiêm đã cùng họ thực hiện những đề tài ứng dụng toán học phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những ngày “ba cùng” với đồng bào vùng bom đạn, thiếu thốn mọi bề và cái chết lúc nào cũng rình rập bên cạnh, nhưng hầu như chưa bao giờ thầy để lộ một nét bi quan, chán nản. Trái lại lòng yêu nước, thương dân của một người đã từng sống ở nơi giàu sang, phú quý nhất, trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ này càng thể hiện rõ nét.

Những Công trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào cuộc sống do giáo sư trực tiếp chỉ đạo như tính toán nổ mìn buồng mỏ đá Núi Voi (1964), lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966), tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét hệ thống kênh nhà Lê ở Thanh Hoá (1966 - 1967)... cũng là những bài học đầu tiên mà thấy Thiêm muốn hướng cho các thế hệ học trò của mình biết gắn lý thuyết với thực tiễn. Những năm tháng thầy Lê Văn Thiêm còn dạy ở các trường đại học, nhiều sinh viên mong muốn có được giờ giảng của thầy: bởi vì bên cạnh tiếng tăm lừng lẫy của thầy còn cả những “kho” chuyện truyền miệng về một người thầy mẫu mực, chịu thương, chịu khó và rất mực ân cần. Người ta kể cho nhau nghe nhiều huyền thoại về thầy Thiêm và ông đã thực sự trở thành thần tượng về toán học của các Nhà khoa học Việt Nam. Từng lời nói, cử chỉ của ông đã gây ấn tượng sâu sắc những giây phút đăm chiêu hay cả những đãng trí của ông cũng được lớp trẻ ngưỡng mộ, thậm chí có người bắt chước. Học trò nhiều thế hệ noi gương ông đi vào con đường khoa học và không ít người đã thành công. Điều đáng quý nữa ở thầy Thiêm là sống rất thật, nghĩ rất thật và nói cũng rất thật. Ông đánh giá, nhận xét học trò, đồng nghiệp của mình một cách vô tư, cởi mở. Mọi người càng quý ông hơn ở cái đức tính nhìn người, nhìn đời một cách trong sáng, độ lượng từ con người ấy toát lên lòng vị tha, đức tin vào con người và ước vọng làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Các thế hệ học trò của ông đã trưởng thành và làm nòng cốt cho nền khoa học Việt Nam gần nửa thế kỷ qua như: Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, đặc biệt là các thế hệ những nhà toán toán học như Giáo sư Đoàn Quỳnh; Giáo sư Nguyễn Đình Trí, Giáo sư Nguyễn Thừa Hợp, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thao; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Hữu Đường, Tiến sĩ Đinh Nho Chương, Tiến sĩ Văn Như Cương. Tiến sĩ Ngô Văn Lược, Tiến sĩ Hà Huy Khoái, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, Tiến sĩ Trần Văn Nhung...

Giáo sư Lê Văn Thiêm cũng đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản như toán học, vật lý, cơ học. Từ năm 1960 - 1980 Giáo sư Lê Văn Thiêm được cử làm Trưởng ban khoa học cơ bản, Uỷ ban khoa học Nhà nước, rồi Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, Giáo sư đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển toán học nước nhà. Ông là người đầu tiên sáng lập ra Hội toán học Việt Nam và cũng là người đầu tiên mạnh dạn đi vào toán ứng dụng, vận dụng các kiến thức và phương pháp của giải tích phức vào các vấn đề tính dòng chảy, nổ mìn định hướng,… phục vụ sản xuất và chiến đấu trong điều kiện thiếu mọi thứ cho nghiên cứu.

Những năm làm quản lý các trường đại học, Giáo sư Lê Văn Thiêm không những là nhà nghiên cứu, mà còn là một nhà hoạt động xã hội có uy tín. Ông là đại biểu Quốc hội khoá II và khoá III. Với những công lao đóng góp to lớn đó, Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất...

Đã ba năm rồi kể từ ngày Giáo sư Lê Văn Thiêm đi xa (ngày 3/7/1991), những người ruột thịt và cả những người thân, đồng nghiệp, bạn bè, đều không muốn có cuộc ra đi ấy như lời nhận xét của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu:

“Nhà toán học Việt Nam Lê Văn Thiêm, một nhà khoa học lỗi lạc, một người thầy trung thực, tận tụy và giàu lòng nhân ái, chỉ cống hiến toàn bộ tài năng, tâm hồn  và sức lực cho khoa học Việt Nam.

Giáo sư là vĩnh biệt chúng ta, song tâm hồn trong sáng vì những đóng góp lớn lao của ông vẫn sống mãi trong sự nghiệp xây dựng nền khoa học Việt Nam hiện đại”.

Tôi muốn xin phép gia đình Giáo sư Lê Văn Thiêm trích bức thư của Cố vấn Phạm Văn Đồng gửi cho vợ Giáo sư, để thay cho phần kết:

“Anh Lê Văn Thiêm qua đời càng làm nổi bật tầm vóc và sự cống hiến của một nhà khoa học và người Chiến sĩ Cộng sản Lê Văn Thiêm. Đó là điều từ đáy lòng tôi muốn nói với chị và nói với hương hồn của người đã khuất, đồng thời có thể nói với mọi người”.

Hà Nội, Mùa thu 1994

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Tin cùng chuyên mục: