Ngày 9/12 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế Nâng cao chất lượng giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật thông qua ứng dụng giáo dục STEAM
Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo được tổ chức theo hình thức phối kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tham gia của Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các trường đại học trong nước và quốc tế của Australia; Nhật Bản, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết: Giáo dục hoà nhập là tạo mọi điều kiện để trẻ khuyết tật có thể học tập ở bất kỳ môi trường giáo dục nào. Nhà trường, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ khuyết tật được học hoà nhập với các trẻ em khác.
Có nhiều cách thức và con đường khác nhau để tiến hành giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Mỗi cách thức, mô hình đều có những thế mạnh và hạn chế riêng của nó, trong đó mô hình giáo dục STEAM có nhiều ưu thế vượt trội. Giáo dục STEAM là mô hình giáo dục tích hợp trong đó các môn học truyền thống là Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật và Toán học, được cấu trúc lại thành một thể thống nhất.
Với yếu tố nghệ thuật trong giáo dục STEAM đã tạo ra nhiều thuận lợi trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Các yếu tố logic khô khan, trừu tượng trong toán học, kĩ thuật, công nghệ sẽ trở nên dễ tiếp thu hơn với sự cộng hưởng của “nghệ thuật”. Nghệ thuật sử dụng hình ảnh tri giác có thể tăng cường khả năng học tập qua việc kích thích vào các vùng nhận thức cao hơn của não bộ.
Tương tự, thao tác trên những sự vật cụ thể và tranh ảnh có thể hiệu chỉnh mạch nhận thức của học sinh khuyết tật và giúp các em hiểu được các khái niệm trừu tượng dễ dàng hơn. Đặc biệt, tổ chức lớp học STEAM rất phù hợp với đặc điểm của trẻ khuyết tật vì nó cho phép có thêm những điểm dừng và bắt đầu trong một giờ học theo một cách tự nhiên, khiến học sinh khuyết tật tránh được cảm giác bị quá tải và có thể đồng hành nhiều hơn với các bạn không khuyết tật trong lớp học.
Lớp học STEAM cho phép các kiểu dạy học linh hoạt, mềm dẻo, rất phù hợp với các nhu cầu đa dạng của người học, trong đó có người học khuyết tật. Lớp học còn tạo ra sự tôn trọng và hợp tác giữa học sinh với nhau. Cơ hội và thuận lợi của ứng dụng giáo dục STEAM trong thúc đẩy chất lượng giáo dục hòa nhập ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng trong giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng...
Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc tế "Nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật thông qua ứng dụng giáo dục STEAM” được Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tổ chức UNICEF Việt Nam đồng tổ chức nhằm bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn ứng dụng giáo dục STEAM trong giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ở các cấp học.
Hội thảo là diễn đàn để trao đổi về các giải pháp, kinh nghiệm và sáng kiến trong nước và quốc tế trong việc ứng dụng giáo dục STEAM trong giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật, đưa ra khuyến nghị chính sách nói chung và chính sách thực hiện giáo dục STEAM cho trẻ khuyết tật nói riêng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục hoà nhập.
Nội dung chính của Hội thảo bao gồm: Cơ sở lí luận về giáo dục hòa nhập và giáo dục STEAM; vận dụng giáo dục STEAM trong giáo dục hòa nhập; kinh nghiệm thế giới và thực trạng giáo dục hòa nhập ở Việt Nam hiện nay; tiếp cận và ứng dụng giáo dục STEAM trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; một số định hướng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó trưởng ban Thường trực, Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sáng kiến của Ban tổ chức hội thảo, mong hội thảo sẽ đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật.
Hội thảo đã nhận được sự đóng góp bài viết tích cực từ các chuyên gia quốc tế và trong nước của các lĩnh vực về giáo dục, giáo dục đặc biệt, y tế... và đã lựa chọn được 43 bài viết có chất lượng đăng tải trong tạp chí Khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và xuất bản 1 kỷ yếu của Hội thảo.
|
Tin bài: K.GDĐB