Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống nước Cộng hoà Mali, Môđibô Câyta đến thăm trường ĐHSP Hà Nội. Trong chuyến thăm đó, Người đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các thầy giáo, cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên Nhà trường. Dưới đây là toàn văn bài nói chuyện của Bác trong lần về thăm đó. Xin trân trọng giới thiệu.
Vì bận nhiều việc, Bác ít đến thăm nhà trường, Bác tự phê bình trước các cô giáo, thày giáo, các cháu học sinh, các đồng chí cán bộ, công nhân viên. Các cô, các chú phải cảm ơn Tổng thống Câyta, vì hôm nay có Tổng thống đến thăm trường, Bác không thể không đến được. Nhân dịp này, Bác có lời cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô và Tân Tây Lan đến giúp đỡ các cô giáo, thầy giáo và giúp các cháu học tập.
Bây giờ Bác nói mấy ưu điểm của trường:
- Một là tất cả mọi người, cô giáo, thày giáo, các cán bộ, công nhân viên nhà trường cũng như các cháu học sinh đều phải có tinh thần khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Đó là một điều tốt.
- Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.
- Một ưu điểm nữa là phong trào thi đua “hai tốt” ở đây làm khá. Bác nói rằng khá, chứ chưa phải trăm phần trăm làm tốt đâu nhé!
Hiện nay, có mấy trăm cô giáo, thầy giáo thanh niên xung phong đi miền núi, để đưa cái hiểu biết văn hoá lên cho đồng bào miền núi cao. Bác chỉ nói hai ví dụ:
Một cháu là giáo viên lên đây, không biết tiếng nói và chưa hiểu phong tục tập quán của địa phương. Không có trường và không có học trò. Xóm này nằm cách xóm kia rất xa, đi lại khó khăn. Cháu gái ấy đã nói rằng: Đảng và nhà trường đã phái lên đây, thì mình quyết phải làm tròn nhiệm vụ. Cháu đó đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào, do đấy mà tuyên truyền cho bố mẹ các cháu bé, vừa học tiếng địa phương. Làm như thế dần dần từng bước, cháu ấy đã xây dựng nên nhà trường hẳn hoi. Đây là một thày giáo anh hùng.
Lại có một cháu trai, lên vùng rẻo cao. Trong bản có một cháu bé muốn học, nhưng vì bị bại chân không đi được. Thầy giáo hằng ngày tới nhà cõng cháu đó đến trường học. Đây là một thày giáo anh hùng.
Hiện nay có hàng vạn học sinh tốt nghiệp lớp 7, lớp 10 đã xung phong đi tham gia sản xuất ở các công trường, ở miền núi; có 797 cháu cấp I, cấp II, cấp III học giỏi được giải thưởng. Trong phong trào “Làm nghìn việc tốt” có 40 vạn cháu thiếu nhi có nhiều thành tích.
Những kết quả tốt đo đều là công lao của nhà trường, của các cô giáo, thày giáo. Vì vậy, Bác có thể nói Bác đối với nhà trường, đối với nền giáo dục của ta, tuy chưa phải là trăm phần trăm mãn nguyện, nhưng càng ngày Bác càng bằng lòng hơn: năm nay bằng lòng hơn năm ngoái và sang năm chắc sẽ bằng lòng hơn năm nay.
Nhân đây, Bác kể một câu chuyện để so sánh. Quốc hội Mỹ có một ban trông nom trẻ con, ban ấy báo cáo rằng năm 1963 hơn 1/5 trẻ con Mỹ từ 7 đến 10 tuổi đã phạm tội: ăn trộm, ăn cắp, thậm chí giết người cũng có, v.v.. Vậy thử hỏi: Mỹ văn minh hơn hay ta văn minh hơn? Ta có hơn 40 vạn cháu ngoan mà Mỹ có 1/5 trẻ em phạm tội. Ta có thể nói: ta văn minh hơn!
Lần trước đến thăm trường, Bác có nói 2 điểm: một là vệ sinh, hai là trồng cây. Về vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác bảo nên trồng cây nhiều. Nhưng hiện nay cây sống ít. Do là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt, ở trường này, cả thày và trò có gần 4 nghìn rưởi người. Nếu mỗi năm một người trồng một cây là được gần 5.000 cây. Hai năm sẽ được gần 1 vạn cây. Nhưng trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít. Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp.
Đã hứa với Bác thì phải làm, làm thì phải có tổ chức. Vệ sinh cũng như trồng cây, có tổ chức thì nhất định làm được tốt.
Bây giờ đến mấy việc Bác muốn nhắc nhở các đồng chí cán bộ và các cháu học sinh:
1. Trước hết là phải đoàn kết
Đoàn kết thật sự, giữa thày và thầy, giữa thày và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng.
2. Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào vì các cháu biết cả rồi. Học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.
3. Cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm.
4. Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà, yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thày giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thày giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thày giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thày giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thày giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thày giáo thì phải sửa chữa.
5. Một điểm nữa là các cháu gái chưa được giúp đỡ tốt. Các cháu trai, cháu gái chưa thực sự coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà. Trái lại, còn có ý ganh tị, bắt bẻ, sợ bạn học sinh gái hơn mình thì mất thể diện “anh hùng nam tử”. Cháu nào còn rơi rớt tư tưởng, tác phong ấy, thì cần phải sửa chữa.
Cô giáo, thày giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì phải hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng.
6. Trong việc học tập cũng như mọi công việc, đảng viên và đoàn viên của nhà trường cần phải xung phong gương mẫu, phải giúp đỡ anh em, chị em cùng tiến bộ. ở đây có ngót 4.000 học sinh, 1/4 là cháu gái. Như thế là có tiến bộ nhưng đương còn ít. Ngày nay ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nghề dạy học và nghề làm thuốc thì phụ nữ làm nhiều hơn.
Có 100 học sinh đồng bào thiểu số, Bác thấy vậy còn ít, cần dần dần có thêm.
Có 800 các cháu miền Nam, như vậy là rất tốt, dần dần phải thêm nữa. Bởi vì chúng ta gắn liền nhiệm vụ ủng hộ miền Nam với việc xây dựng miền Bắc. Vì vậy, ở miền Bắc, trong mọi việc, việc dạy và học cũng thế. Mọi người phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt. ở đây cũng như các ngành khác, phải đào tạo cán bộ cho miền Nam để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu.
Cuối cùng, Bác mong các cô, các chú và các cháu nhớ làm được những điều kể trên. Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước.
(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 4/2004)