PGS.TS TRẦN VĂN TOÀN:
=======================================
Trong Hội thảo khoa học quốc tế : « Giao lưu văn hóa Việt-Pháp : Thành tựu và triển vọng » (Échanges culturels Franco-vietnamiens : réalisations et perspectives ) diễn ra vào ngày 16-17/4/2018 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS TRẦN VĂN TOÀN sẽ thuyết trình báo cáo về chủ đề : « TƯƠNG TÁC QUYỀN LỰC/ TRI THỨC TRONG BỐI CẢNH THUỘC ĐỊA (Trường hợp Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư)" (Interaction des pouvoirs dans la perspective coloniale (cas de Quốc văn giáo khoa thưet Luân lý giáo khoa thư).
Tóm tắt: Theo Foucault quyền lực và tri thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: “[Q]uyền lực và tri thức bao hàm một cách trực tiếp lẫn nhau; không có quan hệ quyền lực bên ngoài sự thiết lập có tính chất tương ứng của một trường tri thức và cũng không có bất kì một tri thức nào không bao hàm và thiết lập đồng thời với những quan hệ quyền lực” ([P]ower and knowledge directly imply one another; that there is no power relation without the correlative constitution of a field of knowledge, nor any knowledge that does not presuppose and constitute at the same time power relations.)[1]
Sara Mills – một chuyên gia về Foucault - khi bình luận về lí thuyết diễn ngôn của Foucault có một lưu ý thú vị về mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức:
“[Ở] đâu có sự mất cân bằng về quan hệ quyền lực giữa các nhóm người hoặc giữa các thiết chế/ nhà nước thì ở đó sẽ có một sự sản xuất về tri thức” ([w]here there are imbalances of power relations between groups of people or between institutions/states, there will be a production of knowledge.)[2]
Đây chính là những gợi mở lí thuyết của Foucault cho những nghiên cứu về diễn ngôn thuộc địa sau này. Như E.W. Said đã chỉ ra trong Đông phương luận (Orientalism): chính trên tương quan bất bình đẳng về quyền lực giữa phương Tây và phương Đông đã hình thành một hệ thống các diễn ngôn viết về phương Đông được thực hiện bởi các học giả, nhà văn, thương gia, chính khách phương Tây kéo dài trong suốt nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, dù giành được sự đánh giá rất cao thì Orientalism vẫn luôn bị đặt trước một chất vấn: phải chăng trong khi nhấn mạnh quyền lực của chủ thể thực dân (the coloniser) Said đã bỏ qua sự phản ứng, kháng cự của chủ thể thuộc địa (the colonised). Trong cách hình dung của Said, trong văn cảnh thuộc địa chỉ vang lên duy nhất tiếng nói của chủ thể thực dân. Tiếng nói của các dân tộc thuộc địa là hoàn toàn vắng bóng.
Sẽ là gần với thực tế hơn khi chúng ta hình dung về một không gian thuộc địa ở đó trong mọi diễn ngôn luôn có sự đan xen và tương tác quyền lực giữa tiếng nói/ tri thức của thực dân và tiếng nói/ tri thức của các dân tộc thuộc địa. Không chỉ có chủ thể thực dân kiến tạo những tri thức/ diễn ngôn về thuộc địa. Các chủ thể thuộc địa cũng giành lấy quyền tự kiến tạo về chính mình qua đó kháng cự với quyền lực thực dân. Cố nhiên, trong thực tế, đây là một quan hệ quyền lực với rất nhiều những thương thoả (negotiation) tế nhị và phức tạp.
Tiểu luận này sẽ làm sáng tỏ vấn đề lý thuyết về tương quan quyền lực/tri thức trên qua việc phân tích sự ra đời và nội dung biên soạn Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) của tập thể tác giả: Trần Trọng Kim – Nguyễn Văn Ngọc – Đặng Đình Phúc – Đỗ Thận.
Từ khoá: quyền lực/ tri thức, diễn ngôn, hậu thuộc địa (postcolonialism), quốc ngữ, văn học Việt Nam hiện đại.
Résumé: Pour Foucault les pouvoirs et les connaissances s’enchevêtrent les uns aux autres. Sara Mills en présentant la théorie foucaldienne a bien marqué ce rapport: “[w]here there are imbalances of power relations between groups of people or between institutions/states, there will be a production of knowledge” (Les connaissances se constituent où il y a le rapport déséquilibre entre les pouvoirs des peuples ou des nations). Cette suggestion, insistée par E.W. Said dans l’Orientalisme que ce sont les discours sur l’Orient qui sont écrits par les Occidentaux au cours des siècles. Néanmoins, on peut se demander si, en soulignant les pouvoirs des colonialistes (the coloniser), Said a mis dans la parenthèse la résistance des colonisés (the colonised). Il nous semble que pour Said, il n’y a que la voix colonisatrice dans la perspective coloniale, alors que la voix des colonisés est sourdine.Nous proposons alors les discours, colonialistes et colonisés, occupant et occupés, dominants et dominés, se voient croisées dans l’espace colonial à travers les négociations, subtiles et compliquées. Nous analyserons ce dialogue à travers la rédaction de Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) [Manuel national des lettres du Việt Nam]et Luân lý giáo khoa thư (LLGKT) [Manuel national des morales] des auteurs Trần Trọng Kim – Nguyễn Văn Ngọc – Đặng Đình Phúc – Đỗ Thận, paru dans les années 1930.
Mots clés: pouvoirs/connaissances, discours, postcolonialsme, lettres nationales, littérature vietnamienne moderne, Manuel national des lettres du Việt Nam, Manuel national des morales.