Cũng theo ông Tharman Shanmugaratnam, vì số lượng nhà quản lý giáo dục ở VN rất lớn nên Singapore chỉ hỗ trợ đào tạo nhóm đối tượng đặc biệt và nhóm này sẽ tiếp tục giúp đỡ các nhóm khác (training the trainers). Phương pháp này vừa mang lại hiệu quả, vừa có tác động lâu dài với nền giáo dục VN.
Ở VN có 7 vùng miền với những nét khác biệt về địa lý, văn hóa, vì vậy, chương trình đào tạo cán bộ quản lý giáo dục cũng cần có sự đa dạng và khác biệt theo từng địa phương.
Hiện nay, ngoài chương trình khung do Bộ GD-ĐT quy định, các học viện đào tạo cán bộ quản lý giáo dục của từng tỉnh, thành có khoảng 20-40% thời lượng chương trình mở để đưa những đặc thù riêng của địa phương mình vào.
Ông Tharman Shanmugaratnam góp ý: "VN không nên chọn những hiệu trưởng quá lớn tuổi. Ở Singapore, mỗi năm đều có quá trình bổ nhiệm hiệu trưởng mới dựa trên khả năng bản thân và sự tín nhiệm của đồng nghiệp. Độ tuổi trung bình của các hiệu trưởng Singapore là 42 tuổi".
Hiện nay, ở VN, hiệu trưởng các trường từ cấp mầm non đến THCS khi được bổ nhiệm khoảng 25-30 tuổi, các trường THPT là 35-40 tuổi và ĐH là 45-50 tuổi.
Bên cạnh đó, phía Singapore cũng đề nghị Bộ GD hai nước nên phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo HS tài năng. VN có thể gửi hiệu trưởng các trường chuyên sang Singapore khoảng 1 tháng để học hỏi thực tiễn từ mô hình các trường chuyên ở đây. Phía Singapore đề xuất cuối tháng 11 năm nay sẽ thảo luận chuyên sâu về vấn đề này.