Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân là một trong những cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam. Cả cuộc đời mình, ông dồn hết tâm trí vào việc “trồng người” và cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Năm 1956, ông về công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là một trong những “khai quốc công thần” thành lập khoa Tâm lý - Giáo dục. Năm 1965, khoa Tâm lý - Giáo dục chính thức được thành lập; NGND.GS Nguyễn Lân là chủ nhiệm khoa đầu tiên và đây cũng là nơi ông làm việc và cống hiến không mệt mỏi cho đến khi nghỉ hưu. Trong cuộc đời mình, NGND.GS Nguyễn Lân không chỉ tham gia quản lý và dạy học ở khoa Tâm lý- Giáo dục; ông còn là một nhà Văn, nhà Sử học, nhà Từ điển học và một nhà hoạt động chính trị xã hội.
Đến tham dự với Hội thảo, có GS.TS. Phạm Vũ Luận – Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; đồng chí Nguyễn Tiến Võ - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Nguyễn Công Tạn - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; GS. Viện sĩ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; về phía trường ĐHSP Hà Nội, có PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lí các cấp, các cựu học sinh, sinh viên, các phương tiện thông tin truyền thông báo chí, đài phát thanh và truyền hình TW và địa phương và đại diện gia đình GS Nguyễn Lân.
Hội thảo khoa học lần này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu trường ĐHSP Hà Nội, sự phối hợp tổ chức chặt chẽ giữa khoa Tâm lý- Giáo dục với các khoa Ngữ văn, khoa Sinh học, sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Khuyến học Trung ương.... Tham gia viết báo cáo khoa học cho Hội thảo là các nhà khoa học, các nhà quản lí tới từ nhiều đơn vị trong và ngoài trường, từ Trung ương đến địa phương, các cựu học sinh, sinh viên được Giáo sư giảng dạy. Các bài viết tập trung tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, đánh giá các công trình khoa học của GS Nguyễn Lân cũng như bày tỏ những cảm xúc, tình cảm của các thế hệ học trò dành cho ông. Với khoảng thời gian cho phép, Hội thảo được nghe 7 báo cáo trong các báo cáo khoa học in trong kỷ yếu có dung lượng hơn 220 trang nhằm đánh giá những cống hiến của ông về các lĩnh vực khoa học giáo dục, văn học, sử học, từ điển học và những đóng góp của ông trong quá trình tham gia hoạt động xã hội; cũng như những phẩm chất nhân cách của NGND.GS Nguyễn Lân.
Bàn về cuộc đời và sự nghiệp của NGND. GS Nguyễn Lân, các tác giả GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc, NGND.GS Nguyễn Đình Chú, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, NGND.GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Hà Minh Đức; GS.TS Nguyễn Văn Khang, GS.TS Nguyễn Quang Uẩn, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà Sử học Dương Trung Quốc... đều đưa ra những đánh giá trùng hợp về ý chí bền bỉ trong rèn luyện thể chất và tinh thần của GS. Nguyễn Lân trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ; đúng như nhà văn Ma Văn Kháng đã viết: “Làm một con người, trước hết hãy tạo cho mình một hấp lực, bằng sự tỏa sáng từ nội lực và tâm hồn mình”. Nhân mừng thọ thầy 95 tuổi (1.1.2000), nhà thơ Tố Hữu với vần thơ mộc mạc, chân thật từ đáy lòng của học trò cũ:
Năm 2000 đến tuổi rồng bay
Thọ 95 kính chúc thầy
Dạy chữ sáng ngời thời đại mới
Trồng người cao đẹp đức tài nay
Bụi trần danh lợi không vương vấn
Lẽ sống tình thương chẳng mượn vay
Trăm tuổi chỉ còn năm năm nữa
Đời vui ăn quả nhớ ơn cây.
Các bài báo được in trong kỷ yếu nói chung cũng như các báo cáo tại Hội thảo đều tập trung phân tích, đánh giá về cuộc đời hoạt động và cống hiến của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân nhằm vinh danh tên tuổi và tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục. Với tấm lòng thành kính và tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục trong suốt cả cuộc đời thì những công trình khoa học giáo dục của ông vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự hơn bao giờ hết, nhất là lúc toàn ngành đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay.
Hội thảo khoa học: “NGND.GS Nguyễn Lân - Cuộc đời và sự nghiệp” lần này đã để lại ấn tượng vô cùng đẹp đẽ cho các thế hệ hậu sinh về một người thầy suốt cuộc đời chỉ vì một mục tiêu phấn đấu cho sự nghiệp "trồng người" của dân tộc Việt Nam như Bác Hồ đã từng mong muốn.
Dưới đây là một số hình ảnh về Hội thảo:
GS.TS Phạm Vũ Luận - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam
NGND.GS Nguyễn Đình Chú
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐHSP Hà Nội
GS Nguyễn Lân Dũng - Đại diện gia đình phát biểu
Ngài Rémy Lambert - Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp đến dự Hội thảo
Cùng đông đảo các nhà khoa học đến tham dự Hội thảo
Thế hệ trẻ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của NGND.GS Nguyễn Lân cũng đến để tìm hiểu về Cuộc đời và sự nghiệp của Ông.
Nguồn: Khoa Tâm lý Giáo dục
Publish: Phòng HC-TH