Còn nhớ năm 1960 từ nước ngoài trở về Khoa, tôi được tiếp xúc với thế hệ nhà giáo lão làng sinh thành trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ trước, kể từ thầy Nguyễn Lương Ngọc (1910), nhà thơ Vũ Đình Liên(1913), Anh Huỳnh Lý (1914), Anh Trương Chính (1916), Anh Lê Trí Viễn (1919). v. v… và hiển nhiên không thể quên Anh Bùi Văn Nguyên (1918). Nếu nhìn theo con mắt truyền thống thì thế hệ này nói chung, Anh Nguyên nói riêng đều có đầy đủ cả ba mặt lập đức, lập công, lập ngôn, mà ở đây chỉ nói những điều tôi trực tiếp cảm nhận được.
Xin nói về mặt lập công trước, đây là thế hệ vốn đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục trong thời kháng chiến chống Pháp, và về sau trở thành những viên đá tảng làm nền móng cho khoa ta trở thành một trung tâm đào tạo từ Cử nhân đến Tiến sĩ Ngữ Văn. Hồi sơ kiến thì tôi mới 24, Anh Nguyên đã 42, như thề là bậc cha chú rồi, nhưng rồi có nghe Anh Nguyên cũng vốn có học Anh Viễn, như thế thì tạm gọi là đồng môn, xưng hô theo tình huynh đệ cũng được. Nhưng sau đó mới biết Anh Nguyên còn lớn tuổi hơn Anh Viễn, lại từng làm Hiệu trưởng Trường cấp III Phan Đình Phùng, tôi liền liên tưởng đến Anh Đức Nam cùng tuổi Thìn với anh trai tôi (sinh năm 1928) hơn tôi tám tuổi mà đã từng là thầy học của Nguyễn Khắc Phi (sinh năm 1934) hơn tôi hai tuổi. Như thế nếu tôi học ở phía Bắc, thì chắc là học trò của Anh Nam, huống chi là với Anh Nguyên! Tất nhiên đây chỉ là giả thiết, nhưng không phải chỉ có thế.
Tốt nghiệp ở nước ngoài về dạy đại học trong nước, tôi liền tự phát hiện thật ra mình chưa có trình độ đại học về văn họcViệt nam, thậm chí còn có thể nói là cũng chưa thật có trình độ trung học về văn học nước nhà. Bởi vì thời Trung học, tôi chỉ say mê làm Toán, rất ghét và rất dốt Văn. Như thế phải lo học, tất nhiên là học ở nhiều nguồn, nhưng ưu tiên theo phương châm “học tại chỗ”. Dạo ấy ngay từ năm 1961, bộ Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam của Đại học Sư phạm lần lượt công bố hoàn chỉnh trọn bộ trước Đại học Tổng hợp nhiều, với hai tập đầu là Văn học dân gian Việt nam, Văn học Việt Nam thế kỷ XI-XVIII mà trong những lần tái bản về sau đều ghi Anh Nguyên chủ biên. Tất nhiên “học tại chỗ”không phải chỉ học Anh Nguyên, và học Anh Nguyên cũng không phải chỉ ở hai công trình nói trên, mà tất cả đều còn lưu lại chứng tích. Luận án Tiến sĩ khoa học Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt nam, về một mặt nào có thể xem như một báo cáo kết quả học tập của tôi về văn học nước nhà (chỉ riêng phần trung đại) trong đó có trích dẫn ý kiến của các anh chị Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Phan Sĩ Tấn. v. v… Có trích dẫn, nghĩa là ít nhiều có kế thừa, nhưng cũng có khi kèm theo sự trao đổi lại thêm ở một khía cạnh nào đó. Riêng Anh Nguyên, tôi lại trích dẫn trong công trình Văn chương Nguyễn Trãi (Nxb Đai học. . , H. 1984) ở mục “Quan niệm văn chương vì nghĩa lớn, vì chí lớn của đấng anh hùng vì dân vì nước”. Khác với Anh Khánh, theo cách đặt vấn đề của Anh Nguyên thì trong quan niệm văn chương của Nguyễn Trãi có mối quan hệ giữa văn và đạo, nhưng không bị ràng buộc trong cái khung Văn dĩ tải đạo. Quả vậy, trong quan niệm văn học của Nho gia, thì quan hệ giữa Văn với đạo là bất biến, nhưng là đa biến về các kiểu quan hệ: Văn dĩ minh đạo, Văn dĩ hoằng đạo, Văn dĩ quán đạo.v.v…, còn Văn dĩ tải đạo chỉ là đặc sản của Tống Nho mà thôi. Cách nhìn của Anh Nguyên đã thêm một luận cứ giúp cho tôi càng tự tin để xác tín rằng không phải ngay từ thời Lý Trần Lê mà cho mãi đến thời Nguyễn thì vua quan và Nho sĩ nước ta mới quán triệt quan điểm Văn dĩ tải đạo, tất nhiên là với những mức độ và sắc thái thuần nhất khác nhau…
Nói chuyện lập công thì tự nhiên đã chuyển sang chuyện lập ngôn, bởi vì thực chất giảng dạy đại học là nghiên cứu khoa học. Anh Nguyên đã để lại cho đời một khối lương công trình đồ sộ, kể cả riêng và chung có đến 25 cuốn như chúng ta đều biết, và như đã được khái quát vào ba lĩnh vực chính là Văn học, Văn hóa dân gian, Hán Nôm, về cơ bản là đúng, nhưng dường như còn sót một điều gì đó. Chúng tôi muốn nhắc đến cuốn sách thứ 26 là một công trình riêng của tác giả: Kinh Dịch Phục Hy - Đạo người trung chính thức thời (Nxb Khoa học xã hội, H. 1997). Không biết đây có phải là công trình cuối đời không, nhưng được manh nha vào lúc đầu đời, ấy là vào thời trước cách mạng, năm 1944, nhân đọc bản dịch Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, tác giả đã bắt đầu sưu tập tư liệu rồi. Đánh giá công trình này không hề có chút dễ dàng, ở đây chúng tôi chỉ xin phát biểu qua một vài cảm nghĩ còn hời hợt. Công trình này đã đánh dấu thêm một lĩnh vực nghiên cứu khác của GS Bùi Văn Nguyên là triết học cổ điển phương Đông, một lĩnh vực nghiên cứu tuy công bố kết quả muộn nhất, nhưng lại được manh nha sớm nhất như trên đã nói… Tất nhiên lĩnh vực nghiên cứu này lại có liên hệ lô-gic với các lĩnh vực khác ở chỗ đã nghiên cứu văn học cổ điển Việt nam, văn hóa dân gian Việt Nam thì không thể không nghiên cưú triết học cổ điển phương Đông. Mới nói đến đây đã hé lộ ra cái tác phong khoa học “truy nguyên”(lật từ nguồn) của Gs Bùi Văn Nguyên. Và sự “truy nguyên”còn được tiếp diễn thêm hai cấp độ nữa. Đó là nghiên cứu triêt học cổ điển Trung hoa, thì phải bắt đầu từ Kinh Dịch. Nhưng thông thường moị người, trong đó có tôi chỉ dựa vào Chu Dịch (sách Dịch của nhà Chu), tự bằng lòng và rất cả tin với việc thất truyền của Liên sơn Dịch (sách Dịch của nhà Hạ) và Quy tàng Dịch (sách Dịch của nhà Thương). Bỏ qua những bước đó anh Nguyên càng đi ngược lên Hy Dịch (sách Dịch vốn là Tiên thiên bát quái đồ thời Phục Hy). Cái học phong “truy nguyên”triệt để này của Giáo sư Bùi Văn Nguyên như còn để lại một nụ cười châm biếm mãi mãi với cái lối hóng hớt trên ngọn của các loại đề tài giàu chất “tư duy dự án “hiện nay. Riêng tôi cũng có chút ân hận vì cuối thế kỷ trước khi chủ trì Trung tâm Trung quốc học cũng mở đầu bằng việc nghiên cứu Kinh Dịch và cũng đã công bố một công trình tập thể Nghiên cứu Chu Dịch - Khoa học xã hội và tự nhiên, gồm ba mươi bài, khoa ta đóng góp 10 bài. Hai muơi bài bên ngoài trong đó có cả những bài nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Phương như Kinh Dịch và mã di truyền, Về bốn chất acid amin mới từ Kinh Dịch, hoặc của nhà văn Ông Văn Tùng nhưChu Dịch, tiền thân của máy tính điện tử. v. v…Kể ra cũng đã hết sức cố gắng tập họp lực lượng, nhưng cũng chính vì thế mà càng không khỏi ân hận vì trong những năm tháng ấy tôi không hề hay biết gì Khoa ta còn ẩn cư một nhà Dịch học tầm cỡ. Anh Nguyên là như vậy! Như cứ lặng lẽ miệt mài trên một “chòi cao”ở phố cổ trong kinh thành Thăng Long thuở nào vậy! Nhân đây xin nói luôn một việc, vừa nghe kể lại, cũng có khi trực diện, trực thính là Anh Nguyên thỉnh thoảng hay hỏi hoặc bàn về số Pi, về vi phân, tích phân, về đạo hàm (dérivée), nguyên hàm (primitive). v. v, . . Chắc không phải Anh đã đột chuyển sang ngành Toán, mà có lẽ đó là chẳng qua là những kiến thức công cụ phải nắm bắt, nhưng rồi được chưng cất thành cái gì (dường như có chút ít bóng dáng trong công trình cuối đời), và chảy về đâu, vẫn còn là một dấu hỏi? Dù sao qua đây cũng thấy bằng việc làm của Anh Nguyên đã vô hình trung mở rộng khái niệm “nghiên cứu liên ngành” trên một cấp độ tổng quát giữa khoa học xã hội với khoa học tự nhiên .
Lập công, lập ngôn đã như thế thì ắt hẳn là người có đức, Bởi vì đức thật ra có hai điều cơ bản là phải lao động hết mình, không những không xâm hại mà cống hiến tận lực cho công viêc chung, không những không xâm hại, mà còn giúp đỡ người khác theo khả năng và điều kiện của mình. Dù chỉ có hai điều cơ bản, nhưng nói dễ chứ làm khó, rất khó, nhưng Anh Nguyên hoàn toàn thoả mãn được những yêu cầu đó. Cứ xem lúc binh sinh tuy chưa thụ hưỏng được sự ghi nhận và tôn vinh đúng mức và thích đáng, nhưng không hề ảnh hưởng gì đến sự lao tâm khổ tứ đầy quyết tâm và quyết chí của Anh thì đủ rõ. Tất nhiên đức độ là một phạm trù mở, phong phú, trên đức còn có mỹ đức. Không hiền hòa nhã nhặn được như Anh Trác, không vui vẻ, chan hòa thân tình được như Anh Lý, Anh Nguyên để lai một ấn tượng là người rất khó tính, đầy lý trí, sống rất nguyên tắc. Ấn tượng này là có cơ sở với những căn cứ dồi dào. Tuy nhiên, tôi cũng có những căn cứ ngược lại. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận qua quan hệ cá nhân, có thể không có mấy giá trị khái quát, nhưng chí it cũng đủ nói lên rằng sự khó tính, tính nguyên tắc ở Anh Nguyên là không thuần chất, không cực đoan một chiều.
Trước hết tôi thấy Anh Nguyên, tuy vậy, cũng có nhiều lúc vui tính ra phết. Anh thường trổ tài chơi chữ Hán Nôm rất lắt léo. Tôi còn nhớ một hôm ở nơi sơ tán, cơm chiều xong, cùng nhau lững thững dạo bước trên bờ đê Quần ngọc, Anh Nguyên bỗng nói: “Lũ chúng ta vinh quang thật, đã lâu không thấy miếng thịt nào, chứ đâu phải như lũ chúng nó, mỗi miếng ăn là một miếng nhục”, thế là được một phen cười thoải mái! Bây giờ hình dung lại Anh Nguyên, thì bên cạnh cái dáng dấp của một “ông đồ mô-đéc” của quê choa, là hình ảnh một lão niên cũng có lúc cười ha hả, khanh khách, rồi nếu không xen kẽ thi cũng kết thúc bằng từ Mourrir (theo nghĩa mở rộng tùy ngữ cảnh tiéng Việt: chết thật, chết thôi, chết đến nơi, đáng chết, sướng đến chết, rồi cũng chết thôi, …). Thí dụ thời sơ tán, mỗi lần xuống lớp đến thẳng bếp chị Dinh, thấy toàn loại bánh mỳ nắp hầm, Anh liền nói: “Mệt bở hơi tai, đói lả ra rồi, mà còn gợi chuyện xuống hầm trú ẩn thế này, cứ như sắp mourrir đến nơi”. Hồi ấy tôi nghĩ một ngươi đang sung sức hăng say việc đời như vậy mà sao lúc nào cũng nghĩ đến chuyện chết nhỉ? Tất nhiên là vui miệng thôi, nhưng có lẽ trong cõi vô thức thẳm sâu của Anh Nguyên chất chứa một cảm quan nhân sinh hữu hạn. Đã thế, hoặc đúng thế, thì được sinh ra ở đời, cứ làm việc cho đời, rồi hưởng ngay niềm vui và hạnh phúc trong quá trình và kết quả của những việc làm ấy, thế là đủ, tự cân bằng, không thiệt thòi đâu cả, cần gì mà cũng không thể đua chen danh lợi làm gì, vì đến lúc nằm xuống thì tất cả thành phù du hư vô cả thôi! Nghe hơi triết lý nhân sinh quá, đây đang nói chuyện vui cơ mà! Vậy thì xin quay lai nói thêm, đã vui, thì phải tếu thêm mới đâm đà, lại phải thêm chút tục nữa mới “nổi vị”. Cái cườì của Anh Nguyên đều có đủ ba sắc thái đó. Anh Hà Minh Đức kể rằng khi thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trong lần ra mắt tại số 9 Hai Bà Trưng, gặp gỡ các nhà giáo đầu ngành, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu có nhấn mạnh việc quán triệt đường lối giáo dục của Đảng, quan điểm giáo dục Mác - Lênin. v. v…, Anh Nguyên liền phát biểu nước ta là nước văn hiến từ ngàn xưa, nền giáo dục, đã xuất hiện những quốc sư như Chu Văn An từ sớm, từ cái thuở mà Mác, Lênin còn chưa được ở dạng tinh trùng!... Mọi người đều cười, cụ Bửu cũng đành cười theo! Tất nhiên đây chỉ là tôi nghe kể lại, còn trực kiến, trực thính thì cũng không ít chuyện vui. Bây giờ hay đùa “Nhà giáo yêu tí, Nhà giáo nhăn răng”, nhưng không biết gốc gác từ đâu, song từ lâu lắm rồi, tôi đã nghe Anh Nguyên đùa “Đang yêu tí, mà bảo nhăn răng sao đành?”. Nhưng vui nhất là chuyện này. Có lần Anh Nguyên nhắn tôi đến chơi sẽ tặng cho cuốn sách mới ra. Tôi nhớ là cuốn Văn chương Nguyễn Trãi (Nxb Đai học. . , H. 1984). Đến nơi, vừa dở sách ra ký tặng, Anh Nguyên vừa than rằng: “Đằng đẵng mấy năm trời mà nhuận bút không bằng một lần chó cho giống”. Anh kể tiếp ở nhà bên cạnh (Hàng Ngang), mỗi lần chó giống “hành sự” còn xơi một chậu to cháo đỗ xanh, lại còn được đập thêm vào mấy quả trứng… Ngán ngẩm, anh cô kết lại cũng đầy đủ hai vế rồi, nhưng tôi trau chuốt thêm thành: “Khôn ba năm của bác thức giả. Rồ một phút của chú mộc tồn (cây còn là con cầy)”. Anh Nguyên cười ha hả, nhưng vẫn nói: “Khá! Khá! nhưng chưa hết ý, đâu có được cân đối ngang bằng, còn thua xa chứ!”. Về Khoa, tôi kể lai chuyện này, không quên nói cụ Nguyên rất khoái, nhưng còn chê! Cùng cười vang xong, Anh Hải Hà ắng giọng nói: “Phải chăng nên nôm na thêm ra thể này: Ba năm thức giả miệt mài! Không bằng một phút chú lài sortir (tạm dịch tếu là bắn pháo hoa). Một ít lâu sau gặp lại, Anh Nguyên cười nói: “Có tân biên, dị bản rồi đấy nhé!”. Tưởng Cụ có nhuận sắc gì thêm câu của tôi, hóa ra câu của Anh Hải Hà lan truyền đến tai Cụ nhanh đến thế. Chuyện anh em đối điếc, thơ thẩn, đùa tếu này, thế chớ mà có chút ít “dấu ấn thời đại” và cũng sống dai mãi đấy! Tết vừa rồi, như thường lệ tôi đến thăm Anh Hải Hà có nhắc lại mấy câu trên, cũng lại cười, nhưng có pha thêm ý vị chua chát trước hiện tình !
Anh Nguyên có khi cũng rất tình cảm. Nhưng nếu chuyện đùa tếu ở Anh Nguyên có pha lẫn chút gì hơi “ngạo đời”, thì tình cảm ở Anh tôi cứ láng máng cảm thấy hơi thiên về cái gì có bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa, phong thủy địa phương, giòng dõi họ tộc. Có lần tôi nghe Anh nói: “Mật độ tài hoa thì có lẽ phải nhường cho Bắc kỳ, nhưng đầu óc nhất phải là Nghệ Tĩnh, rồi tiếp theo mới là Nam Ngãi”. Nhưng đây mới là một khía cạnh, còn nói cho hết các sắc thái riêng biệt như trên trong tình cảm của Anh Nguyên, thì phải là một “tiểu tự sự” hoàn chỉnh về một hiện tượng nào đó. Hồi tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, Hội đồng chính thức tối thiểu phải 15 vị Giáo sư và Tiến sĩ khoa học, nhưng lấy đâu ra, cho nên phải mời rộng ra miễn là đều thuộc trong những chuyên ngành của khoa học xã hội. Nhưng cũng chính vì thế, lại quá nghiêm nhặt về người phản biện phải đủ bốn vị, chia làm hai nhóm. Căn cứ theo đề tài luận án, thì về khía cạnh Lý luận phải là hai TSKH bên ngoài về, nhưng không được cùng trong một nước, một từ Nga, một từ Đức. Còn về khía cạnh Văn học Việt Nam phải là hai Giáo sư Văn học trung đại, mà nếu cùng cơ quan thì chỉ được một mà thôi, thế thì “đánh đáo” vào GS Bùi Văn Nguyên rồi! Thú thật tôi cũng có hơi lo. Nhưng khi được Anh cho xem trước bài phản biện thì ngoài việc góp ý một số chi tiết không đáng kể, còn đa phần là khen, tôi nói: “Rất cảm ơn Anh, nhưng chỉ dám nhận mấy điều cơ bản được Anh khẳng định thôi!”. Đó là hai điẻm gắn liền nhau, mà như Anh đã nhấn mạnh và tóm lược lại như sau: “Là nhà lý luận vốn học ở nước ngoài về, nhưng rất khổ công học thêm văn học trong nước. Có học có hóa, có vay có trả, học tập nhưng biết đúc kết nâng cao… Từ những lời tựa, lời bình.v.v.., mà ít nhiều ai cũng biết, rồi dụng công sưu tập dịch thuật bổ sung thêm. Tất nhiên cứ liệu vẫn còn trong dạng trực cảm, tản mạn, kém phong phú, thế mà với cách nhìn lý thuyết, với sức luận chứng thuyết phuc, tác giả đã dựng lên được một hệ thống lớp lang về quan niêm văn chương cổ Việt nam, làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên, hóa ra ông cha ta cũng có cách lý luận riêng của mình, mà cũng gần như đầy đủ cả”. Nhưng càng ngạc nhiên hơn chính là tôi, vì người nổi tiếng nghiêm khắc chặt chẽ, hóa ra cũng rất phải chăng, dễ chịu. Do đó tự nhiên tôi có nhu cầu giải thich điều có vẻ mâu thuẫn này, mà những phiếm đàm bên lề sau đó, tôi dần dần mới hiểu ra phần nào. Anh Nguyên bảo: “Sao lại chỉ Phó thôi, phải làm Tiến sĩ hẳn hoi chứ! Ông cha ta từ xưa đã làm rồi. Mà rất có ý thức tương đương học vị với bên ngoài đấy nhé, thượng quốc có bằng gì ta có bằng nấy. Tôi cũng sẽ bảo Cao Đức Tiến dấn lên… Mà nên làm về văn học nước nhà, Tiến sĩ mà lại, mà phải được giới khoa học nước nhà thẩm định”. Hóa ra thế, thật may việc làm của mình ngẫu nhiên lọt vào tầm ngắm đầy tự tôn về giáo dục và văn học dân tộc của Anh Nguyên, Nhưng không phải chỉ có thế, còn có một chút vĩ thanh nữa. Sau bảo vệ, trên đường đi cảm ơn các thành viên Hội đồng, tôi ghé vào Anh Nguyên trước tiên, thấy Anh còn vui vẻ lắm. Bỗng Anh nói: “Thời Bắc thuộc, dân Tàu qua laị mình rất nhiều, Cậu có nghe truyền thuyết Vương Bột bị đắm thuyền ở Cửa Lò không? Khảo cứu còn cho biết một nhánh hậu duệ của Tiến sĩ Bùi Độ, Tể tướng đời Đường có đinh cư ở Hải dương, sau đó một chi nhánh vào Nghệ an, lại môt nhánh nhỏ đi tiếp vào Nam Ngãi…”. Trong không khí mơ mơ hồ hồ bán tín bán nghi của truyền thuyết, tôi như ngộ ra chuyện thực tế rằng, việc nguồn gốc cho dù có đúng thế thì Bùi tộc ở Việt Nam cũng chả mấy hiển hách. Nhưng trời xui đất khiến thế nào có hai giọt máu của tộc họ này sớm tụ lại ở Khoa Văn ngay từ thở ban đầu, trên có Bùi Văn Nguyên, dưới có Bùi Văn Ba, tuy cách ra một nấc (từ 1 - 3), nhưng cậu em vừa qua hưởng được thêm chút nghĩa tình của ông Anh là còn vì thế chăng?
Hồi tưởng lại như thế, tôi không tránh khỏi có chút ân hận vì chưa làm gì được cho Anh Nguyên, mặc dù cũng có lòng thành và cũng đã từng khởi động nhưng không đạt kết quả. Năm 2005, gia đình đăng ký xét giải thưởng cho Anh Nguyên ở bên ngành Văn hóa dân gian. Đã từng có chân trong Hội đồng Giải thưởng Hội Nhà văn và của Trường ta, có chút ít thể nghiệm về chuyện thuận nghịch trên vấn đề này của các bậc cao niên khác, tôi đã tìm gặp nói với Cao Đức Tiến: “Cụ xứng đáng và cứ mạnh dạn đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng phải theo phương châm tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ... Cuối đơn, nên ghi thêm nguyện vọng của gia đình là nếu chưa đạt, thì xin xét theo tiêu chuẫn Giải thưởng Nhà nước. Tất nhiên lần này có chủ trương chỉ đăng ký một cửa, chứ không được nước đôi như trước. Nhưng đó là yêu cầu chặt chẽ với đương sự, còn đây chỉ là nguyện vọng của gia đình, thay mặt người quá cố, thì chắc ai cũng thông cảm thôi”. Sau đó Tiến có nói lại: “Cảm ơn tấm lòng thầy, gia đình vốn cũng có trao đổi, nhưng thấy để cho thật chắc, cứ chỉ đăng ký Giải thưởng Nhà nước thôi thầy ạ!”. Điều này thì quá chắc chắn đi rồi như đã diễn ra trong thực tế, nhưng tôi vẫn cứ thấy tiếc vì chưa xứng tầm với Anh Nguyên!
Hôm nay nhân dịp tưởng niệm cả ngày sinh lẫn ngày mất của Anh Nguyên, xin được có gì kể nấy, nhớ sao nói vậy, nhằm góp thêm một nén tâm hương trước vong linh một Giáo sư đầu ngành đã góp phần đặt nền móng cho nhân cách và trí tuệ của Khoa ta.
Phương Lựu
Theo: http://vanhoanghean. com. vn