Trong không khí cả nước và Thủ đô Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, sáng 21/12/2012, Trường ĐHSP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Đến dự lễ kỷ niệm có PGS. TS Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Nguyễn Văn Vận - Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Công tác Chính trị, ThS Lê Xuân Quang - Bí thư Đoàn trường, TS Nguyễn Bá Cường - Phó trưởng khoa Triết học, Đảng uỷ viên phụ trách công tác thanh niên nhà trường, các thầy cô giáo, các đồng chí uỷ viên BCH Đoàn trường, các Bí thư Liên chi đoàn và các em sinh viên.
Đặc biệt, nhà trường vui mừng được đón tiếp những vị khách quý: Thầy Nguyễn Nghĩa Dân - nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, chính trị viên Tiểu đoàn tự vệ trường, thầy Đào Liên - nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Tự vệ, cô Nguyễn Thị Bích Hà - nguyên Trưởng đài quan sát ĐHSP Hà Nội, thầy Đỗ Đức Tín, thầy Bùi Văn Ba, thầy Nguyễn Tiến Mâu, bác Lê Thống - nguyên biệt phái viên quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Các thầy cô là nhân chứng sống, những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại trường ĐHSP Hà Nội trong những ngày lịch sử năm 1972.
Tại buổi lễ, thầy và trò trường ĐHSP Hà Nội đã được nghe các thầy, cô hồi tưởng lại, chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm của những ngày chiến đấu đầy gian khổ nhưng tinh thần luôn lạc quan, vững vàng. Một Tiểu đoàn tự vệ, một phân đội súng cao xạ, một tổ đài quan sát của trường ĐHSP những năm chiến tranh lần lượt hiện ra trước mắt người nghe.
Từ trái qua: Bác Lê Thống, thầy Đào Liên, thầy Đỗ Đức Tín (đang kể chuyện bắn hạ máy bay F4 của Mỹ ngày 8/7/1972), thầy Nguyễn Nghĩa Dân, thầy Nguyễn Tiến Mâu, cô Nguyễn Thị Bích Hà và thầy Bùi Văn Ba.
Ngày ấy, Trường có 1 tiểu đoàn Tự vệ với quân số biên chế hơn 290 cán bộ và sinh viên, chia thành 3 đại đội (Đại đội khoa Văn, Đại đội khoa Tâm lý giáo dục, Đại đội Hiệu bộ) và 3 trung đội (khoa Địa lý, khoa Cấp II và khoa Sử), được trang bị vũ khí, súng đạn, khí tài. Trường ĐHSP Hà Nội vinh dự là một trong 3 đơn vị có Tiểu đoàn tự vệ của Thủ đô thời bấy giờ. Đây là lực lượng nòng cốt được tập dượt, huấn luyện để chiến đấu. Tự vệ trường có nhiệm vụ trực tiếp đánh trả máy bay địch, bảo đảm quan sát vùng trời khu vực Từ Liêm và phía Tây Hà Nội, tuần tra canh gác, đánh địch mặt đất (nhảy dù, biệt kích), phòng cháy, chữa cháy, giải quyết hậu quả trận đánh ở Trường (nếu có) và cơ động ứng cứu theo yêu cầu của Huyện đội Từ Liêm, đào hầm hào, công sự, tham gia lao động sản xuất (trống lúa, trồng rau, chăn nuôi,…) và hoàn thành công tác đào tạo. Khi nhà trường phải đi sơn tán lần 2 (trước khi B52 của Mỹ dội xuống dữ dội vào tháng 12/1972), một số tự vệ ở lại giữ trường, số khác phân ra theo từng khoa ở những nơi Trường sơ tán.
Phân đội súng cao xạ được thành lập với nhiệm vụ trực tiếp đánh trả máy bay địch. Các thầy giáo khoa Văn là những người được phân công trực tiếp sử dụng súng chiến đấu. Có thể kể đến những cái tên thân thuộc đã gắn với một thời lịch sử: thầy Hoàng Thung - Đại đội phó Tự vệ khoa Văn - trực tiếp chỉ huy phân đội súng cao xạ chiến đấu, thầy Nguyễn Thanh Hùng, Đỗ Đức Tín, Thành Thế Thái Bình, Bùi Văn Ba, Lê Tiến Sơn, Lê Văn Sơn, Nguyễn Quang Minh, Lê Ngọc Trà… Trong thời gian đầu mới thành lập, những “tay súng” là cán bộ, sinh viên hầu như chưa có kinh nghiệm tham gia chiến đấu thực tế nên còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Tuy nhiên, tinh thần không ngại khó và sự say mê chiến đấu đã giúp phân đội từ cái bỡ ngỡ lúc đầu sau 2, 3 tháng được huấn luyện, tập dượt đã tham gia chiến đấu và lập được thành tích. Cụ thể từ 5/1972 đến 31/12/1972 phân đội đã nổ súng bắn máy bay 12 lần. Đào 2 ụ súng máy cao xạ, hoàn thành hệ thống giao thông hào vững chắc. Đặc biệt trong trận chiến đấu ngày 8/7/1972 phân đội góp phần bắn rơi máy bay trinh sát trên bầu trời Từ Liêm, được Ban Chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm xác nhận. Phân đội đã được tặng 1 Bằng khen của Bộ Tư lệnh kết hợp với Đại đội quyết thắng và 4 thư khen (2 của Bộ Tư lệnh Thủ đô, 2 của Huyện đội Từ Liêm).
Tổ đài quan sát của trường - thường được biết đến với cái tên thân thương “Con mắt phía Tây thành phố”. Đài quan sát phòng không được thành lập theo yêu cầu của Ban chỉ huy quân sự Từ Liêm từ tháng 8 năm 1972. Đài quan sát có nhiệm vụ quan sát phía Tây Hà Nội (bao gồm khu vực quận Cầu giấy - Tây Hồ và huyện Từ Liêm hiện nay), ngày đêm trực chiến. Anh Đào Văn Nậy - sinh viên năm thứ tư (Quảng Bình) là người đầu tiên trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ của đài quan sát. Sau đó, anh Nậy đi thực tập, nhóm các cô Bích Hà, Thuý Hương, Mai Thanh và Minh Sớm tiếp quản. Có lúc quân số trực đài có 4 nam và 4 nữ, nhưng sau do thiếu lực lượng nên 4 nam được điều động đi chiến đấu. Trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh B52, với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng vì tổ quốc hy sinh, 4 cô gái tổ đài đã gan dạ trực chiến dưới làn bom đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, báo tin chính xác về cho Huyện và Thành phố, góp phần không nhỏ giúp quân và dân Thủ đô đánh máy bay Mỹ. Đài đã được Bộ tư lệnh cấp Bằng khen 2 lần. Đài trưởng - cô Bích Hà cũng được tặng 2 bằng khen, một của Bộ Tư lệnh và 1 của Bộ Giáo dục.
Kể về những kỷ niệm xưa, ai cũng bồi hồi và xúc động. Thầy Nguyễn Tiến Mâu - người mặc áo đen, đội mũ sắt, tay cầm ống nghe đứng trên đài quan sát (ảnh trên) thành thật chia sẻ: Điều làm thầy ấn tượng nhất và nhớ nhất trong những ngày chiến tranh tàn khốc đó chính là tình cảm thầy trò, tình đồng chí, đồng đội. Chính những tình cảm quý giá, sự động viên, chia sẻ của thầy trò, đồng đội trong những ngày tháng đó đã giúp các thầy cô và anh chị vượt lên tất cả, không run sợ trước cái chết, lập nên những thành tích, góp phần vào chiến thắng của Thủ đô.
Phòng CTCT