Hồi ấy chúng tôi thật may mắn được là học trò của những thầy nổi tiếng: Vũ Đình Liên, Đoàn Nồng, Nguyễn Văn Vận, Phạm Văn Bỉnh, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Văn Hinh… - những thầy chưa có (không có) bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Tôi không được học thầy Quát nhiều, chỉ rất ít giờ, nhưng ấn tượng mãi: Uyên thâm, sâu sắc, nhỏ nhẹ. Thầy chỉ bảo, hướng dẫn, nêu vấn đề nhiều hơn là dạy (hiểu theo nghĩa thông thường). Có lẽ vì thế mà người học rất hứng thú. Chỉ tiếc được học thầy ít quá.
Thầy Nguyễn Quát, trước khi làm thầy giáo đã từng là một ông quan - quan Tri phủ. Ông quan lúc ấy còn rất trẻ. Yêu nước, cảm tình với những người được gọi là Cộng sản. Tôi được nhiều đồng nghiệp, đồng môn của thầy kể rằng ông Tri phủ Quát rất thanh liêm, rất thương dân, nhiều lần “bật đèn xanh” cho cộng sản trốn thoát. Rồi ông quan ấy đi theo cách mạng, đi dạy học, làm quan quản lí giáo dục ở quê hương Hà Tĩnh. Rồi về khoa tiếng Pháp ĐHSP Hà Nội từ những ngày đầu tiên.
Có lần thầy Nguyên, đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương (Đảng CSVN ngày nay), cựu tù chính trị, nói với chúng tôi : “ Thầy Quát là một patriotique sans parti (một người yêu nước không đảng phái), một người mẫu mực”.
Nhớ hồi ấy, tháng 8/1971, trước ngày ra chiến trường, tôi cùng một số bạn được khoa “chọn mặt” để coi giữ, bảo quản thư viện khoa khi trận lụt lịch sử nhấn chìm cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó có thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, nơi khoa Pháp chúng tôi sơ tán.
“Đội trưởng” coi giữ thư viện, phụ trách chúng tôi chính là “nhà Ngữ pháp học” Nguyễn Quát. Mấy ngày liền thầy trò chống trả với nước. Người không còn chỗ nào khô, nhưng nhiều tấn sách, từ điển, giáo trình thì không ướt. Thầy trò đóng sách vào bao tải, chuyển lên chỗ cao nhất (một cái sàn tự tạo) sát mái nhà. Cứ quần quật như thế cả ngày cả đêm. Cơm không có ăn. Mì, lương khô phải dùng rất dè xẻn. Cả nước uống cũng thế. Rất may đến ngày thứ tư thì nước bắt đầu rút, chỉ còn ngang bụng. Khi toàn bộ thư viện đã an toàn thì cả thầy cả trò đói, mệt, mắt nổ đom đóm.
Sáng dậy (nhưng có ngủ đâu mà dậy?), thầy Quát tập hợp chúng tôi, nói: Thư viện an toàn rồi. Không còn gì ăn nữa. Bây giờ thầy vào xóm liên hệ, gửi chính quyền và nhân dân cái kho sách này. Sau đó thầy trò ta rút quân. Khoảng gần một tiếng sau, thầy quay lại, áo quần ướt sũng, môi tím ngắt vì rét…
Thầy và chúng tôi lội trong nước tiến về Hà Nội. Vừa đi thầy vừa kể rất nhiều chuyện, động viên mọi người để quên đói, quên mệt. Chiếc xe đạp cà tàng của thầy được chúng tôi thay nhau vác. Thỉnh thoảng thầy lại “tranh phần”. Thầy bảo: “Cho thầy vác một quãng, các con mệt rồi”. Không ai nghe. Nhưng thầy không chịu. Thầy lại bảo: “Đường còn dài. Thầy nói các con phải nghe chứ”. Thế là chúng tôi phải ngoan ngoãn vâng lời.
Đến giữa chiều, thầy trò ra được cầu Đuống. Nước sông đục ngầu, chảy cuồn cuộn tràn qua cầu như muốn kéo phăng cây cầu sắt dài, to cao lừng lững đi bất cứ lúc nào. Thầy nói như ra lệnh: “Đi, tiếp tục!” Sông Đuống hôm ấy dữ dằn quá. Nhìn về đê Cống Thôn bị vỡ, nước ngập mênh mông trắng xóa mà nghẹn ngào. Sông Đuống lúc này không còn:
......cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc…
(thơ Hoàng Cầm)
Qua được cầu, thầy trò thở phào. Đường về Hà Nội không ngập nữa. Tìm mãi mới mượn được cái bơm để bơm xe cho thầy. Chúng tôi nói: “Thầy lên xe về trước, chúng con chạy theo thầy”. Thầy ái ngại…Chiếc xe cà khổ không thể đèo ai được. Nói mãi thầy mới chịu lên xe. Chúng tôi chạy theo thầy một đoạn cốt để thầy vui. Rồi bóng thầy nhỏ dần, nhỏ dần trong nắng chiều vàng như mật ong dưới bầu trời xanh trong của Hà Nội sau trận hồng thủy.
Giờ đây, thầy đã về với Tổ tiên, nhưng cái bóng dáng ấy cứ ám ảnh, quay quắt mãi trong tôi…Thầy Nguyễn Quát, một nhân cách thật khó phai mờ trong lòng tất cả những ai đã từng là học trò của Người.
Dinh Viet Binh
Theo: dantri.com.vn