Hình ảnh cảm động ấy không ai có thể quên được và nhất là ngay sau đó, Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh đã nhấn mạnh đến tấm gương nghị lực của nữ sinh khiếm thị Đào Thu Hương - người học sinh lớp 12D của Trường THPT Lương Thế Vinh mà cách đây hơn 4 năm, khi đó Giáo sư Đinh Quang Báo là Hiệu trưởng đã đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo được đặc cách Đào Thu Hương vào thẳng Trường ĐHSP Hà Nội.
Chúng tôi gặp Thu Hương để muốn phỏng vấn ngay Tân thủ khoa cử nhân khoa học nhưng Thu Hương hẹn vào dịp khác. Cô nói không có thời gian vì Hương hiện đang theo học một lớp của Dự án nên chỉ xin nghỉ được một ca học để về Trường nhận Bằng tốt nghiệp. Trò chuyện vào cuối buổi chiều tan học, Thu Hương rất xúc động chia sẻ: "Dù không được nhìn thấy Thầy Hiệu trưởng nhưng em cứ tưởng tượng Thầy như ông tiên đang trao món quà quý giá nhất dành cho em. Đón nhận tấm Bằng và Giấy khen từ tay Thầy, em cảm nhận được niềm vui và tình cảm của Thầy. Trong lúc đó, em rất muốn được bày tỏ tình cảm và lời tri ân sâu sắc tới Giáo sư Đinh Quang Báo, Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh cùng các Thầy, Cô giáo và các bạn sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội".
Với đoàn viên sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đào Thu Hương từ lâu đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực trong học tập và rèn luyện. Đào Thu Hương sinh ngày 19/9/1985, nguyên quán: Thường Tín, Hà Tây (nay là TP. Hà Nội), sinh viên Khóa 56A SP Tiếng Anh, kết quả tốt nghiệp: 8,75.
Tấm gương nghị lực của Đào Thu Hương thực sự là niềm tự hào của sinh viên Sư phạm. Giữa những bộn bề của cuộc sống sôi động, mỗi chúng ta hãy giành chút thời gian để cùng nhìn lại “Hành trình đi tìm ánh sáng tri thức và vươn tới tương lai của Đào Thu Hương”, và chắc chắn chúng ta sẽ rút ra những điều hữu ích cho hành trình của riêng mình.
Bố mẹ phát hiện Thu Hương bị khiếm thị từ khi em được 4 tháng tuổi vì phản xạ mắt của Thu Hương không được linh hoạt như những đứa trẻ khác. Bố mẹ đã đưa Thu Hương đi chữa ở nhiều bệnh viện và bằng nhiều phương pháp nhưng không có kết quả vì mắt Thu Hương có nhiều loại bệnh mà không rõ nguyên nhân.
Đến năm 6 tuổi, Thu Hương được đi học như các bạn khác vì lúc đó thị lực của Hương vẫn còn một chút. Nhưng mắt em cứ kém dần, đến năm 10 tuổi, Thu Hương chuyển sang học ở trường dành cho học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Sau một thời gian làm quen với chữ nổi, Thu Hương phải học lại 3 năm vì khả năng viết chữ nổi của Thu Hương khi đó chưa đáp ứng để học tiếp lớp 5. Trong quá trình học tại đây, học lực của Thu Hương ngày càng tiến bộ. Từ năm lớp 6, em luôn dẫn đầu lớp với điểm tổng kết trên 9.0. Sau khi học hết lớp 9, Thu Hương được Giáo sư Văn Như Cương nhận vào trường PTDL Lương Thế Vinh và tiếp tục giữ vững thành tích của mình. Năm lớp 10, em học lớp chuyên ban A vì Thu Hương rất thích môn Toán. Hết năm học đó, sau khi cân nhắc lời khuyên của một cô giáo dạy tiếng Anh, Thu Hương đã chuyển sang học ban D để thuận lợi hơn cho nghề nghiệp tương lai của mình. Thu Hương đã 3 lần được cử đi dự lễ tuyên dương Học sinh Giỏi Thủ đô năm lớp 5, lớp 9, và lớp 10 và năm lớp 9, Thu Hương được là một trong 20 học sinh tiêu biểu nhất.
Giữa năm lớp 12 (khoảng tháng 2/2006) vì tình yêu nghề sư phạm, Thu Hương đã viết đơn xin thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy Đinh Quang Báo, Giáo sư Hiệu trưởng của Trường khi đó đã không chút ngần ngại tiếp nhận Thu Hương vào trường sau khi xem kết quả học tập của Thu Hương. Tháng 3/2006, Thu Hương nhận được quyết định tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 9/2006, cánh cổng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở rộng đón Hương để tiếp tục giúp em thắp mãi ánh sáng tri thức.
Thu Hương cho biết: “Trong suốt thời sinh viên của mình, em nhận được sự giúp đỡ tận tình và đối xử bình đẳng của các thầy cô, bạn bè trong khoa Sư phạm tiếng Anh. Điều đó càng thôi thúc em cố gắng thật nhiều trong học tập để vượt qua những khó khăn của bản thân, để giữ được những thành quả mà em đã đạt được. Và cao hơn nữa, em muốn chứng minh phần nào khả năng hòa nhập của những người khuyết tật, để những thế hệ học sinh khuyết tật sau này sẽ có nhiều cơ hội hòa nhập hơn trong học tập cũng như công việc”.
Thu Hương được Nhà trường tạo điều kiện ở lại Ký túc xá sinh viên để việc đi học được dễ dàng hơn. Thu Hương tự lập được tất cả mọi việc cá nhân của mình để làm phiền các bạn ở mức ít nhất, chỉ những gì mình không thể làm được như đi mua cơm hay đi một mình lên lớp. Trong môi trường tập thể này, Thu Hương đã có những người bạn thân, thường xuyên chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ nhau trong học tập. Đó là những năm tháng không thể nào quên đối với Thu Hương.
Máy vi tính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho Thu Hương trong quá trình học tập. Nhờ nó mà Thu Hương có thể trao đổi e-mail với thầy cô, bạn bè, nhận và trả bài qua USB trên lớp. Thu Hương luôn mong muốn được coi như tất cả các sinh viên khác, vì thế, mỗi lần dự thi các môn chung, máy tính đã giúp Thu Hương bước vào phòng thi một cách tự tin mà không cần báo trước với giám thị là trong phòng thi có thí sinh khiếm thị. Thu Hương làm bài rồi in ra đĩa CD và nộp bài cho Cán bộ coi thi của Phòng Đào tạo. Khó khăn lớn nhất với Thu Hương là hoàn toàn không có giáo trình trong suốt 4 năm đại học. Nhưng các bạn sinh viên tình nguyện đã đọc ghi âm cho Thu Hương những môn tiếng Việt vào đĩa CD, những môn tiếng Anh thì mẹ Thu Hương quét sách thành file, rồi Thu Hương dùng phần mềm đọc màn hình để đọc. Và một khối lượng lớn tài liệu tham khảo của Thu Hương lấy từ Internet.
Bên cạnh việc học tập, Thu Hương vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội như dẫn chương trình song ngữ Anh-Việt cho các chương trình hòa nhạc từ thiện, tham gia nghiệp vụ sư phạm ở cấp khoa và cấp trường và đã đoạt giải ba thiết kế đồ dùng dạy học năm 2008 với sản phẩm đĩa CD dạy nói tiếng Anh cho trẻ khiếm thị, dạy gia sư cho các em học sinh tại nhà vào cuối tuần. Tháng 3 vừa qua, Thu Hương là đại diện duy nhất của người khiếm thị Việt Nam dự khóa tập huấn bình đẳng giới và sự phát triển cho người khuyết tật tại Bangkok, Thái Lan.
Gần đây nhất, Thu Hương nhận được tin vui đặc biệt: Thu Hương được là đại diện duy nhất của Việt Nam sang dự khóa học về những khó khăn chung của người khuyết tật trẻ trên thế giới tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 8 tới.
Trước mắt, Thu Hương được tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse nhận vào làm vị trí phiên dịch. Thu Hương đã cân nhắc rất nhiều về định hướng tương lai của mình. Giáo viên là nghề phù hợp và yêu thích nhất đối với Thu Hương, nhưng Thu Hương cũng muốn thử sức mình với những công việc khác. Các thầy cô ở Trường Nguyễn Đình Chiểu luôn dõi theo từng bước trên con đường của Thu Hương, và các thầy cô cũng khuyên Thu Hương nên đi làm cho tổ chức đó vì đây là tổ chức đã giúp trường Nguyễn Đình Chiểu trong nhiều năm, và có thể Thu Hương sẽ tạo được mối quan hệ tốt giữa Nhà trường với Samaritan’s Purse. Sau này, Thu Hương mong muốn trở lại trường Nguyễn Đình Chiểu dạy cho các Thu Hương khiếm thị. Và thầy cô ở đó luôn sẵn sàng đón nhận Thu Hương về làm việc. Ngoài ra, trong vòng 1, 2 năm tới, Thu Hương rất mong muốn có cơ hội du học ở nước ngoài về chuyên ngành khuyết tật.
PV.Thành Nhân
Dao Thu Huong - Fourth-year student of the Faculty of English, HNUE
E-Mail: huongk56a@gmail.com
Yahoo ID: daothuhuong199
Skype: thuhuongcuctrang
Mời quý vị đọc bài: Người thắp sáng ước mơ từ bóng tối (báo Tiền phong, ngày 21/4/2006)
http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/44592/Thap-sang-uoc-mo-tu-bong-toi.html