Chiều ngày 9/4/2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai với các trường đại học đối tác về kỳ thi SPT 2025 – kỳ thi đánh giá năng lực độc lập của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học chính quy. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 20 trường đại học, học viện trên cả nước, đánh dấu bước phát triển mới của kỳ thi trong những đổi mới tuyển sinh đại học.
Tham dự hội nghị, về phía các cơ sở giáo dục đại học đối tác có sự hiện diện của nhiều đại biểu, lãnh đạo các trường, học viện đã và đang sử dụng kết quả kỳ thi SPT trong tuyển sinh đại học chính quy. Trong đó có các đại biểu đến tham dự trực tiếp chương trình: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Lục Mạnh Hiển – Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định; PGS.TS. Hoàng Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Hạ Long; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội; PGS.TS. Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Vinh; GS.TS. Trần Trung – Giám đốc, Học viện Dân tộc; TS. Nguyễn Văn Thái – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng; TS. Hoàng Vĩnh Phú – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh; TS. Nguyễn Thành Công – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Công đoàn; TS. Hoàng Thị Kim Huệ – Phó trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục; ThS. Bùi Quang Trung – Phó Trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; ThS. Phạm Thị Kim Thư – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thăng Long; ThS. An Vũ Tùng Lâm – Đại diện Phòng Đào tạo, Học viện phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị cũng ghi nhận sự tham dự trực tuyến của nhiều đại biểu từ các điểm cầu trên cả nước.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tham dự hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Trần Bá Trình – Trưởng phòng Đào tạo; TS. Trần Cường – Phó trưởng phòng Đào tạo; TS. Lê Như Thục – Phó trưởng phòng Đào tạo; PGS.TS. Ngô Hoàng Long – Phó trưởng khoa Toán Tin, cùng các phòng, ban chức năng và các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức và triển khai kỳ thi SPT.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh ý nghĩa của kỳ thi SPT trong việc đồng hành cùng hoạt động kiểm tra, đánh giá tại các trường phổ thông. Qua nhiều năm tổ chức, kỳ thi đã chứng minh tính hiệu quả trong công tác tuyển chọn đầu vào, góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Thầy cũng khẳng định kỳ thi SPT mở ra thêm cơ hội cho thí sinh trong quá trình xét tuyển đại học. Từ năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mong muốn các trường đại học, cao đẳng đồng hành cùng triển khai kỳ thi này một cách kiên trì, nhất quán. Mục tiêu là tạo ra sự thuận lợi tối đa cho cả thí sinh và các trường sử dụng kết quả trong tuyển sinh.
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Kỳ thi SPT được Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức lần đầu năm 2022, với định hướng đánh giá năng lực thực chất của thí sinh thông qua hệ thống đề thi chuẩn hóa, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi được thiết kế theo mô hình tích hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận, chú trọng khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề của học sinh. Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Từ năm 2026, dự kiến sẽ bổ sung các môn Tin học và Giáo dục kinh tế - pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu xét tuyển của các ngành mới.
Từ một kỳ thi được tổ chức thử nghiệm, SPT đã nhanh chóng khẳng định được vị trí trong bản đồ tuyển sinh đại học khi thu hút ngày càng đông đảo thí sinh tham dự và được nhiều cơ sở giáo dục đại học công nhận. Năm 2022, kỳ thi ghi nhận hơn 2.300 thí sinh đăng ký; đến năm 2024, con số này đã tăng gần năm lần, với hơn 11.500 thí sinh và hơn 27.000 lượt môn thi. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐHSP Hà Nội qua kỳ thi SPT cũng tăng đều qua các năm, chiếm 13,03% tổng số sinh viên nhập học năm 2024.
Không chỉ dừng lại ở số lượng, chất lượng đầu vào của thí sinh qua kỳ thi SPT cũng được minh chứng rõ ràng bằng kết quả học tập trong các năm đầu đại học. Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên đạt học lực Giỏi và Xuất sắc sau năm thứ nhất và năm thứ hai của nhóm trúng tuyển theo phương thức SPT luôn ở mức cao, chỉ sau nhóm học sinh giỏi quốc gia và học sinh trường chuyên. Đây là minh chứng cho thấy SPT không chỉ đánh giá đúng năng lực học sinh, mà còn tạo nền tảng cho quá trình đào tạo đại học hiệu quả.
Đại diện các trường đối tác, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội khẳng định kỳ thi SPT sẽ tiếp tục là một trong những phương thức được sử dụng rộng rãi trong công tác tuyển sinh đại học trong thời gian tới. Theo thầy, kỳ thi này mở ra cơ hội để tuyển được những sinh viên có chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cam kết tiếp tục chia sẻ đầy đủ thông tin với các trường đối tác, bao gồm danh sách thí sinh đăng ký, quá trình tổ chức thi, phương án quy đổi điểm và hướng dẫn cách sử dụng kết quả kỳ thi trong xét tuyển. Bắt đầu từ năm 2026, thầy cũng bày tỏ mong muốn mạng lưới đối tác tham gia sâu hơn vào công tác truyền thông và tuyển sinh, trong đó có việc thành lập ban chỉ đạo chung, cùng chuẩn bị nội dung và tổ chức đánh giá năng lực.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội phát biểu tại chương trình
Một trong những điểm nhấn của hội nghị lần này là việc mở rộng mạnh mẽ mạng lưới các trường đối tác sử dụng kết quả kỳ thi SPT. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 24 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước chính thức công nhận kết quả kỳ thi SPT trong xét tuyển, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Trường Đại học Y Dược Thái Bình; Học viện Quản lý Giáo dục; Học viện Phụ nữ Việt Nam; Học viện Dân tộc; Trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội; Trường Đại học Tây Bắc; Trường Đại học Hải Phòng; Trường Đại học Hạ Long; Trường Đại học Hoa Lư; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Tây Nguyên; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Thăng Long. (Danh sách này tiếp tục được cập nhật tại địa chỉ: https://bit.ly/3ljMDcpN)
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức công bố phương án quy đổi điểm xét tuyển từ kết quả kỳ thi SPT 2025, nhằm đảm bảo sự tương thích và công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Theo đó, PGS.TS. Ngô Hoàng Long – Phó trưởng khoa Toán – Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHSP Hà Nội sẽ gửi kết quả thi SPT (điểm từng bài thi) và điểm xét tuyển theo thang điểm 30 (ĐX3) cho tất cả các tổ hợp môn mà thí sinh đã đăng ký, đến các trường đối tác. Trong đó, điểm gốc (ĐG-SPT) của thí sinh – là tổng điểm các môn thi SPT trong tổ hợp xét tuyển – sẽ được quy đổi sang Điểm xét 3 (ĐX3) theo thang điểm 30, căn cứ trên dữ liệu đối sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kết quả học tập của các khóa tuyển sinh trước đó.
Việc quy đổi tuân thủ ba nguyên tắc: dựa trên tương quan so sánh dữ liệu điểm thi của tổ hợp tương ứng giữa hai kỳ thi SPT và Tốt nghiệp THPT; không làm thay đổi thứ tự xếp hạng theo ĐG-SPT giữa các thí sinh; có tính đến tương quan kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển bằng hai phương thức thi SPT và thi Tốt nghiệp THPT những năm trước đây.
Hội đồng tuyển sinh của Trường sẽ thiết lập hàm quy đổi điểm liên tục, đơn điệu, trên cơ sở các mốc điểm đã được đối sánh thống kê giữa hai kỳ thi. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển tương ứng theo từng phương thức, trong đó điểm chuẩn theo SPT được xác định dựa trên điểm gốc ứng với mức điểm xét tuyển tối ưu thấp nhất (ĐXTƯmin) của ngành.
Minh họa cách thức sắp xếp để xác định các điểm mốc quy đổi
Đối với các trường đối tác, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ chuyển giao toàn bộ điểm thi và các tổ hợp điểm quy đổi ĐX3 của thí sinh đăng ký sử dụng kết quả SPT. Các đơn vị này có thể tích hợp điểm thi SPT cùng với các phương thức khác để xét tuyển một cách linh hoạt, minh bạch và phù hợp với đặc thù từng ngành đào tạo.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhận định hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu được tổ chức vào năm 2018 và đến nay vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đánh giá cao những đóng góp của Trường ĐHSP Hà Nội trong nhiều hoạt động chuyên môn của Bộ GD&ĐT thời gian qua, đặc biệt là tư vấn cấu trúc định dạng kỳ thi, xây dựng phương án quy đổi điểm thi tốt nghiệp và tuyển sinh – những yếu tố góp phần đảm bảo công bằng trong giáo dục và tuyển chọn sinh viên. Về kỳ thi SPT, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà nêu rõ hai điểm nổi bật được Bộ ghi nhận: Trường ĐHSP Hà Nội đã thiết kế kỳ thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời có tác động tích cực đến quá trình dạy – học tại phổ thông. Học sinh không cần ôn luyện riêng mà vẫn yên tâm tham dự kỳ thi với kiến thức được học chính khóa; Kỳ thi SPT tổ chức theo từng môn, phù hợp với định hướng học theo môn – thi theo môn. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đề xuất trong thời gian tới, việc thiết kế đề thi, chấm điểm và trả điểm nên “hồi quy theo từng môn” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đối tác khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển theo những cách thức linh hoạt, phù hợp với mục tiêu đào tạo riêng của từng đơn vị.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị
Để hỗ trợ tối đa cho công tác tuyển sinh tại các đơn vị đối tác, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã hoàn thiện hệ thống dữ liệu chia sẻ, cấp tài khoản truy cập riêng cho từng trường, đảm bảo công khai – minh bạch – bảo mật trong việc tra cứu, thống kê và xét tuyển. Các trường có thể theo dõi hồ sơ thí sinh theo thời gian thực, truy cập dữ liệu kết quả thi SPT và điểm quy đổi (ĐX3) phục vụ xét tuyển nội bộ.
SPT đã và đang trở thành một phương thức tuyển sinh hiện đại, linh hoạt, khoa học và đầy tiềm năng. Với sự đầu tư bài bản, quy trình tổ chức nghiêm túc và mạng lưới phối hợp rộng khắp, kỳ thi SPT không chỉ khẳng định vai trò trong tuyển sinh đại học, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy cải tiến kiểm tra – đánh giá trong giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Tin bài: Phòng HCĐN
* Một số tin bài khác về Hội nghị triển khai với các trường đối tác về kỳ thi SPT’25 từ các trang báo: