Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế, mở rộng các lĩnh vực chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật học tập (Learning Disabilities), các cán bộ tổ Bộ môn Giáo dục trẻ khiếm thị và GD trẻ khuyết tật học tập và Nhóm nghiên cứu mạnh tiềm năng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xin phép lãnh đạo Nhà trường, chủ động kết nối, mời chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và làm việc tại Khoa.
Chuyên gia lần này đến từ Đại học Maryland (University of Maryland) – Hoa Kỳ: GS. Susan De La Paz, người đi đầu trong lĩnh vực phát triển kĩ năng đọc, viết cho học sinh khuyết tật học tập, Thiết kế Phổ quát cho việc học (UDL) và Phương pháp Thiết kế nghiên cứu đơn mẫu (Single Case Research Design - SCRD).
Trong thời gian từ ngày 6/2/2025 đến ngày 4/3/2025, giáo sư đã tiến hành chuỗi 8 buổi seminar vào sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần về Phương pháp Thiết kế nghiên cứu đơn mẫu. Các ngày 08-09/2/2025 là khóa tập huấn về Thiết kế Phổ quát cho việc học (UDL) phiên bản 3.0, các ngày 15/2 và 02/3/2025 là khóa tập huần về kĩ năng đọc PALS và kĩ năng viết tự điều chỉnh – SRDR.
Các buổi seminar đã thu hút sự tham gia nghiêm túc và liên tục của hơn 15 học viên. Chuỗi seminar cũng thu hút giảng viên, cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội quan tâm và tham dự. Chuỗi seminar đã giúp trang bị kĩ năng thiết kế nghiên cứu thực nghiệm khám phá theo Thiết kế SCRD chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng công bố cho các kết quả nghiên cứu.
Trong khi đó, các khóa tập huấn đã trang bị cho các giảng viên, các giáo viên tại các cơ sở giáo dục, học viên, sinh viên của Khoa những chiến lược can thiệp giáo dục tích cực tại Hoa Kỳ về kĩ năng đọc và viết để áp dụng vào Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT hiện nay. Những chiến lược này có thể áp dụng trong các lớp học đại trả, lớp học hoà nhập và các lớp can thiệp cá nhân HS có nhu cầu đặc biệt. Không những vậy, các lớp tập huấn còn giúp người học có thêm nguồn động lực để áp dụng chiến lược và tiến hành những nghiên cứu thực nghiệm.
Kết thúc 6 tuần làm việc, GS Susan đã để lại những ấn tượng sâu sắc về sự làm việc khoa học, chuyên nghiệp, miệt mài và sự thích ứng cao về mặt văn hóa. GS đã khơi gợi nhiều ý tưởng mới mẻ mà chuẩn mực, giúp chuẩn bị các điều kiện quan trọng để các nghiên cứu trong tương lai được diễn ra dễ dàng và chuẩn mực hơn với các tiêu chuẩn của công bố quốc tế hiện nay.
Cán bộ, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt mong muốn và lên kế hoạch để tiến hành nghiên cứu và tiếp tục được làm việc với GS trong thời gian tới đây.
Người viết: TS. Nguyễn Thị Cẩm Hường-Khoa GDĐB
Dưới đây là một vài hình ảnh của các hoạt động: