Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Chân dung Nhà giáo tiêu biểu: GS.TS.NGND TRẦN ĐÌNH SỬ


06-10-2011

"Trong hơn hai thập kỷ qua, phương pháp phê bình "Thi pháp học" xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống văn học nước ta như một thứ thời trang học thuật, lôi cuốn hàng loạt nhà nghiên cứu phê bình văn học thuộc các lứa tuổi khác nhau. Không mấy người biết rằng người đi tiên phong trong việc tạo ra "mốt" phê bình mới - phê bình thi pháp - ở Việt Nam là nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử" (Đỗ Minh Tuấn).

                         49 NĂM VỀ TRƯỚC, ANH ĐÃ LÀ THẦY CỦA TÔI

                                                     GS.NGƯT Nguyễn Khắc Phi

 
       Đọc tiêu đề trên, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì tôi hơn anh Sử đến 6 tuổi, lại tốt nghiệp Đại học trước 4 năm, sao anh ấy lại có thể là thầy của tôi được? Sự thực là thế đấy, vì theo đạo lí truyền thống, nhất tự  vi sư  mà! Là con nhà khoa bảng nhưng từ năm 1946 tôi đã xuống học Quốc học Vinh (bấy giờ gọi là Trường Trung học Nguyễn Công Trứ), sau về học Trường Đậu Quang Lĩnh ở Đức Thọ, lúc được về học trường huyện nhà (Hương Sơn, Hà Tĩnh), vì qua sông cách trở vẫn phải ở trọ xa nhà, nên hầu như tôi chưa được thụ giáo ông cụ về chữ Hán, ngoại trừ việc thỉnh thoảng về thăm nhà được cụ truyền khẩu cho một vài bài thơ ngắn gọn, dễ hiểu kiểu “Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà trì…” hoặc Xuân miên bất giác hiểu, Xứ xứ văn đề điểu…” hay giải thích ý nghĩa một số câu danh ngôn của các bậc hiền triết, ý nghĩa của một vài đôi câu đối hoặc bức hoành phi trên các dãy cột hay tường nhà. Nghĩ lại thật đáng tiếc! Đến năm cuối Đại học, chúng tôi mới tự động lập được một nhóm tự học tiếng Trung Quốc. Nhóm có 4 người: tôi và 3 sinh viên Miền Nam nay đều đã qua đời (anh Nguyễn Văn Hiền, đã hi sinh trên đường đi công tác B năm 1962; anh Trương Đình Nam, sau này là Phó ban Khoa giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; anh Hồ Đình Phương, sau này là Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Đắc Lắc). Giáo trình tự chọn là Bộ Chức công thức tự khóa bản, “lớp học” là các toa tàu điện hoặc hè phố dọc theo những con đường từ Khu học xá Đông Dương ở Bạch Mai đến Đại giảng đường Lê Thánh Tôn! Chúng tôi viết những chữ mới lên từng mẫu giấy nhỏ cỡ 3cm x 4cm cho vào hộp diêm không, rồi rút ra đố nhau trên đường đi học. Chuyên cần và khẩn trương, đến giữa học kì 2, chúng tôi đã học xong cả bộ 4 cuốn với khoảng 2000 đơn vị từ. Dĩ nhiên chỉ có thể xem là đã “xóa mù” về phương diện đọc và phần nào là viết, còn nói và nhất là nghe thì cơ bản vẫn thuộc diện “câm điếc”! Với vốn liêng như vậy thì hẳn là chưa thể đi du học được. Cho nên, sau 2 năm công tác tại ĐHSP Vinh, khi được cử đi học tại Bắc Đại (Đại học Tổng hợp Bắc Kinh), tôi được nghỉ dạy để ra Hà Nội trang bị thêm những kiến thức cần thiết. Bấy giờ chưa có trường chuyên tu nên để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tốt nhất là xin học dự thính ở các khoa ngoại ngữ thuộc Trường ĐHSP Hà Nội. Được sự đồng ý của Ban Chủ nhiệm Khoa Trung văn, tôi đã học theo chế độ  dự thính với một thầy có thâm niên là Chu Quý và một thầy trẻ nhất khoa vừa tốt nghiệp, đó chính là anh Trần Đình Sử. Lúc đó, anh mới 21 tuổi, thuộc vào loại cán bộ giảng dạy trẻ tuổi nhất của nền Đại học cũng còn rất non trẻ của chúng ta. Vì bận theo dự lớp triết học rồi mĩ học với chuyên gia Liên Xô, tôi chỉ có thể dự thính một số giờ, trọng tâm là tập, luyện nghe và nói. Tuy vậy, với sự quan sát của một sinh viên dự thính “đặc biệt”, của một cán bộ giảng dạy có thâm niên đại học 4 năm, ngay từ bấy giờ, tôi đã cảm nhận được phần nào triển vọng về con đường khoa học của anh, đã tiên lượng rằng bãi đáp của anh sau này không phải là ngoại ngữ. Điều thú vị là sau những tháng ngày dạy - học như vậy, “thầy trò” chúng tôi lại cùng nhau đi làm các thủ tục để chuẩn bị cho việc đi học nước ngoài vì tôi và anh có tên trong cùng một quyết định. Mặc dầu chuyến du học và cũng là lần xuất ngoại đầu tiên này của tôi không trở thành hiện thực, song những ấn tượng rõ nét về người cán bộ giảng dạy thông minh, trẻ tuổi và tài hoa ấy vẫn còn được lưu giữ mãi trong tôi và kết quả cụ thể của những giờ học dự thính ấy vẫn phát huy được kết quả lâu dài. Trong những chuyến tham quan hoặc công tác ở Trung Quốc sau này, không ít bạn Trung Quốc đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi chủ yếu là tự học mà phát âm tiếng Trung Quốc khá chuẩn. Được như thế, phải nói là có phần đóng góp của 2 anh Chu Quý và Trần Đình Sử.
         Năm 1966, sau khi Trần Đình Sử hoàn thành đợt thực tập ở Trung Quốc về nước rồi được phân công vào công tác tại Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh, người đầu tiên đón tiếp anh tại địa điểm sơ tán (xã Hà Thanh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) lại chính là tôi, người “sinh viên dự thính” của anh và cũng là người đồng hành “hụt” của anh gần 5 năm trước. Bấy giờ tôi là ủy viên chấp hành công đoàn có nhiệm vụ sắp xếp chuyện ăn ở cho anh em. Vì đã từng quen biết ít nhiều, lại gần gũi về chuyên môn, tôi bố trí anh ở luôn cùng tôi cho tiện. Người thân quen gần gũi nhất của anh bấy giờ ở ĐHSP Vinh là Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Lý, chủ nhiệm Khoa Văn, người mà anh thường gọi một cách thân thương là “chú Lý”, thân sinh của người bạn chí thiết của anh là Huỳnh Phan Lê (chỉ 3 năm sau đó, năm 1969, anh Lê đã hi sinh tại chiến trường Liên khu v). Qua hơn 10 năm cùng công tác tại ĐHSH Vinh, phần lớn thời gian lại là trong những ngày sơ tán gian khổ, chúng tôi ngày càng hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn trong mọi mặt công tác: tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, lao động, văn thể…Khi mới về Khoa, anh là cán bộ trẻ nhất, luôn có thái độ đúng mực đối với cán bộ thế hệ lớp trước. Đây là một đoạn có tính chất hồi kí của anh nhận xét về chúng tôi những ngày anh mới về ĐHSP Vinh: “Bây giờ mọi người đều biết từ Khoa Văn ĐHSP Vinh có một đội ngũ trí thức có uy tín…nhưng ít ai biết trong những năm chiến tranh chống Mĩ ác liệt, ngoài việc làm tròn các công việc được giao, họ là những người tự học rất quyết liệt. Anh Nguyễn Khắc Phi sau khi tự học nắm vững tiếng Trung đang tự học tiếng Pháp. Hồi đó tôi mới mang ở Trung Quốc về bộ giáo trình tiếng Pháp cho sinh viên khoa tiếng Pháp của họ, thế là anh Phi mượn sử dụng ngay. Anh Trần Hữu Duy thì mượn tôi bộ Cổ đại Hán ngữ của Vương Lực dày trên 1500 trang và chép lại nguyên văn làm tài liệu tự học. Anh Hiến và anh Mạnh hễ có điều kiện là ra Hà Nội lao ngay vào thư viện. Không khí đó lôi cuốn tôi.”( Trần Đình Sử. Tôi đã lớn lên từ trường Đại học Sư phạm Vinh  in trong 45 NĂM ẤY. NXB Nghệ An, 2004, trang 66-67). Những năm tháng ấy quả thật không thể nào quên! Dù hết sức gian truân, cực khổ, cuộc đời vẫn đẹp sao! Anh Sử có một giọng hát khá trầm và ấm.Chúng tôi đã từng bao lần say sưa ca hát dưới hình thức song ca, tốp ca, hợp xướng nhiều bài hát nổi tiếng như Ba Đình nắng  của Bùi Công Kì, Ca ngợi Tổ quốc của Hồ Bắc, Anh vẫn hành quân  của Huy Du, Phi đội ta xuất kích của Tường Vi…Nói đến kỉ niệm những năm tháng ở ĐHSP Vinh, có lẽ cần đến hàng chục trang, thậm chí hàng trăm trang, ở đây chỉ xin được nhắc lại  một câu chuyện mà tôi đã kể trong bài Hồi ức tản mạn viết nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường ĐHSP Vinh: “Có lần, tôi, anh Hoàng Tiến Tựu và anh Trần Đình Sử hình thành một nhóm đi chặt nứa. Chặt nứa không khó bằng chặt luồng và đẵn gỗ song rất nguy hiểm. Nếu đưa lưỡi dao cao và chém vát quá, đầu nứa sắc, nhọn có thể lao thẳng vào người. Vất vả lắm chúng tôi mới xoay được mỗi người một bó. Và cũng không kém phần vất vả khi phải lách qua cây cối rậm rạp um tùm để vác nứa về. Lưng chừng núi, chúng tôi bỗng phát hiện một lùm nứa tuyệt đẹp, thân cây thẳng và to gấp rưỡi loại chúng tôi vừa chặt. Thế là ba anh em bàn nhau bỏ ba vác nứa kia lại và bắt đầu chặt nứa mới. Chặt và bó xong thì trời đã sẩm tối. Vì không nhận kĩ phương hướng lúc đi, chúng tôi lạc đường. Dù biết rừng Thành Mĩ (Thạch Thành – Thanh Hóa) không còn dã thú vẫn thấy rờn rợn. May sao anh em sinh viên sớm phát hiện việc “biến mất” của ba thầy, hốt hoảng phân công bổ nhau đi tìm chúng tôi! Thoáng chút ân hận vì đã làm phiền sinh viên song cũng cảm thấy tự hào vì vừa có dịp thể hiện quyết tâm và vượt qua được một thử thách nhỏ!” (Nửa thế kỉ Khoa Ngữ văn Đại học Vinh. NXB Nghệ An,2009, trang 179-180)
          Sau khi cả hai chúng tôi được ra lại Hà Nội sống cùng gia đình, dù không còn ở chung trong nhà dân hay trong những căn nhà tập thể do thầy trò vào rừng tìm nguyên vật liệu và tự xây dựng, nhưng hai chúng tôi vẫn ngày càng gần gũi nhau hơn vì có những mối liên hệ mới, những quan hệ công tác mới. Chị Hòa vợ anh Sử là sinh viên lớp 9D Khoa Văn ĐHSP Vinh, học trò của tôi. Những lần tôi đến nhà, bác Trần Đình Bảo, thân sinh của anh Sử thường kể chuyện về Phương Thảo, chị ruột của tôi hồi còn làm Thư kí đoàn của cơ quan Khu ủy còn  bác thì công tác ở Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV. Hai chúng tôi đã từng là đồng tác giả của trên 30 cuốn sách, trong đó có 25 cuốn là đồng chủ biên nên đã từng bao lần ngọt bùi chia sẻ, đắng cay chung phần! Đã cùng tham dự trại viết sách, tập huấn giáo viên hàng chục lần, và cũng hàng chục lần cùng ngồi một hội đồng thẩm định Chương trình, chấm luận án Tiến sĩ…Đã cùng nhau làm việc với lãnh đạo các Viện Khoa học giáo dục Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và một số cơ quan giáo dục ở Hàn Quốc và một vài nước Đông Nam Á…  
          Cuối bài viết, tôi muốn được nói thêm 3 điều về anh và với anh.
     Lúc đầu, Bộ dự kiến cử tôi làm Tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn THPT. Tôi đã tâm sự với Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng: Tôi rất cảm ơn sự tín nhiệm của Bộ, song vừa về hưu, Bộ đã giao cho tôi làm Tổng chủ biên SGK Ngữ văn THCS và Trưởng ban xây dựng Chương trình và biên soạn Giáo trình Ngữ văn mới cho các trường Cao đẳng Sư phạm, thế là đã quá sức! Tôi đề nghị anh Sử, Bộ lập tức chấp nhận. Khi biết điều này, anh đã mấy lần trách tôi và nói: “Nếu không phải cáng đáng việc này thì tôi có thể đã viết thêm được vài chuyên luận, lại không bị phê bình, phán xét...” Tôi an ủi anh : “Thì tôi cũng như anh thôi, đằng nào cũng là phục vụ cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp văn chương. Còn đã làm thì nhất định có chỗ được, có chỗ còn phải hoàn thiện dần. Song nói gì thì nói, việc của anh làm, tôi làm, chúng ta làm, cơ bản là được”.
         Trong dịp trao đổi ý kiến với ông Văn Hiến về SGK Ngữ văn, có một ý kiến đâu đó trên Net gọi tôi và anh Sử là những “ông già hồi xuân giáo dục”, còn anh Đỗ Ngọc Thống là kẻ “chuẩn bị già”! Về tuổi tác, quả chúng tôi là những ông già và kẻ sắp già thật song về sức làm vịêc, về khả năng tư duy và nhất là tinh thần đổi mới thì đâu có đơn giản thế và do đó làm gì có chuyện “hồi xuân”! Nhân thanh minh cho anh Sử, tôi cũng xin cùng được thanh minh!
         Có người nhận xét anh Sử là một ngươi tự phụ, khó góp ý. Xin nói thật là có lúc tôi cũng thoáng nghĩ như thế song càng gần anh, tôi càng thấy nhận xét đó là không chính xác. Có lẽ cần phân biệt rạch ròi cái gọi là tự phụ, khó góp ý với hiện tượng có chủ kiến mạnh, thẳng thắn , giàu tự tin. Theo tôi, anh Sử thuộc về dạng người sau. Tôi rất thích một câu nói của người xưa: “Làm người không nên có thái độ coi thường, ngạo mạn nhưng cũng không nên không có cốt cách hiên ngang ngạo nghễ” (Tố nhân bất nghi khinh ngạo thái nhiên bất nghi vô hữu khinh ngạo cốt). Bất cứ ở thời đại nào, cuộc sống xã hội cũng cần những người có khinh ngạo cốt. Khinh ngạo thái là vấn đề phong cách , thái độ còn khinh ngạo cốt là chuyện đạo lí . Ở anh Sử, có lẽ là chưa đến mức có đầy đủ khinh ngạo cốt song dứt khoát không thể quy là có khinh ngạo thái. Không có ít nhiều khinh ngạo cốt thì không đủ bản lĩnh cần thiết để làm khoa học đích thực chứ chưa nói làm người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục- văn hóa, văn học- nghệ thuật. Đọc những dòng nhận xét của anh Sử về các cán bộ của Khoa Văn ĐHSP Vinh nêu trên, ta thấy anh là người rất chú ý học tập ưu điểm của các bạn đồng nghiệp. Quả là đôi khi, do “siêu nhạy”, có chủ kiến mạnh, anh bật lại, phản ứng rất nhanh, đôi khi căng nữa, với ý kiến, nhận định của người khác, nhưng rồi ngay sau đó, cũng do “siêu nhạy”, anh lập tức nhận ra và công khai thừa nhận chỗ chưa thỏa đáng của mình và kịp thời điều chỉnh, còn những chỗ anh cho là đúng thì anh kiên quyết bảo lưu. Khi Trung tâm Văn hóa Đông Tây giao cho tôi tổ chức dịch cuốn Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long, tôi nhờ anh dịch một số truyện. Vì tất cả các truyện trong cuốn sách này đều xen kẽ rất nhiều thơ, anh nói với tôi: “Tôi không quen dịch thơ, nhất là thơ cổ. Nếu có chỗ nào không ổn, anh cứ thẳng tay sửa cho”. Đủ thấy, anh Sử là một người thực sự cầu thị, giàu lòng tự tin nhưng cũng rất biết mình biết người, biết nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
                                                                      *
                                                                    *   *
 

 

                                                   Thuở xưa là tuổi cổ lai hi

 

 

 

                                                   Bảy chục đời nay đã thấm gì.

 

 

 

                                                   Thi pháp văn chương công mở lối

 

                                                   Nhiệt tình dạy dỗ chẳng hề suy!
       Nhân dịp anh bước sang tuổi 70, xin ghi lại vài kỉ niệm và làm mấy câu thơ nôm na chúc mừng anh!

 

NKP

 

06-10-2011