Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Mỗi ngày một chân dung Nhà giáo tiêu biểu: Hãy tiếp bước nhà nghiên cứu văn học lão thành - Bùi Trương Chính


06-07-2011
"Nhà nghệ sĩ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc mình một cách ích kỷ và khốn nạn". "Tôi thích văn chương tranh đấu, tôi đặt nó trên văn chương tâm lý vì tôi thấy rằng văn chương cũng là khí giới mầu nhiệm để cải tạo xã hội. Nhưng tôi không thiên vị. Đành rằng nghệ thuật phụng sự nhân sinh nhưng nghệ thuật phải cho ra hồn nghệ thuật đã. Nếu nghệ thuật kém cỏi thì những tư tưởng rất hay của tác giả cũng không có một ảnh hưởng nào hết" (Trương Chính).

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Bùi Trương Chính

Xin cho phép tôi được gọi người đã khuất bằng anh, cách xưng hô thân mật mà tôi vẫn sử dụng trong những lần cuối gặp anh tại nhà riêng nhỏ nhắn xinh xắn tại khu tập thể Láng Hạ, Hà Nội.

Có thể gọi anh là người thầy theo nghĩa rộng cũng như nghĩa hẹp. Trong lĩnh vực văn học, có thể gọi anh là nhà văn, nhà phê bình, nhà dịch thuật, nhà khảo cứu, nhà từ điển học, nhà văn học so sánh,... song có lẽ danh hiệu đúng nhất là nhà nghiên cứu. Về phương diện dịch, giới thiệu, nghiên cứu văn học Trung Quốc, sau Đặng Thai Mai, anh xứng đáng được xếp vào vị trí "Á quân" song gọi anh là nhà Trung Quốc học cũng không đủ vì thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của anh còn nổi bật hơn với những bài viết, tiểu luận, chuyên khảo về ca dao, tục ngữ, ngụ ngôn, về Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, về Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Trương Tửu, Thạch Lam, về Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh,...
Người thầy, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đáng kính đó là Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Bùi Trương Chính, bút danh Trương Chính. Anh sinh ngày 16-7-1916, quê ở xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông cụ thân sinh là Bùi Lê Lương, năm 1930 làm Lý trưởng song lại có những hành vi biểu hiện sự đồng tình với các chiến sĩ cộng sản ở địa phương nên đã bị bắt giam sáu tháng. Chắc rằng nghĩa cử đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự hình thành thái độ chính trị tiến bộ của chàng thanh niên trẻ tuổi.
Không chỉ hiếm có một học giả quán xuyến được một phạm vi nghiên cứu rộng như anh mà cũng hiếm có một nhà nghiên cứu viết được bền bỉ, lâu dài như anh. Kể từ bài báo đầu tay viết lúc 20 tuổi, cho đến công trình công bố cuối cùng – Giải thích các từ gần âm, gần nghĩa dễ nhầm lẫn, công trình vừa được tái bản lần thứ năm – anh đã có một quá trình cầm bút trọn 65 năm !
Ngay từ lúc mới xuất hiện trên văn đàn, anh đã tỏ ra là một cây bút sắc sảo, có bản lĩnh. Cuốn Dưới mắt tôi, tập hợp các bài phê bình 25 tác phẩm của 13 nhà văn đã được xuất bản năm 1939, lúc anh mới 23 tuổi ! Tất cả các nhà văn được anh nhận xét, phê bình đều hơn tuổi anh. Nhan đề Dưới mắt tôi – "Sao lại Dưới mắt tôi mà không là Trước mắt tôi hoặc Qua mắt tôi" ? – nói như GS Phong Lê, tuy có "phảng phất đôi chút khinh bạc và cao ngạo" (Văn nghệ, số 42 - 2004) song hàm chứa đầy niềm tin và bản lĩnh. Theo dõi hơn nửa thế kỷ cầm bút của anh, ta thấy thái độ đó thật nhất quán. Vượt ngưỡng tuổi 80, trong cuốn sách tư liệu Nhà văn Việt Nam hiện đại (1997), anh thẳng thắn tâm sự : "Là một nhà phê bình và nghiên cứu văn học, tôi chú ý nhất tính trung thực, nói thật những cảm nghĩ của mình, không phụ hoạ ai, không nói theo ai, không có ý kiến gì thì không viết... Nhưng chính vì thế mà không được lòng ai, ít được ai chú ý, bị người ta lảng tránh hoặc e dè. Dù biết vậy, nhưng tôi không hề thay đổi hay ân hận...". "Trung ngôn nghịch nhĩ", người xưa từng nói thế song anh Trương Chính ơi, chính sự trung thực, thẳng thắn đó của anh sẽ ngày càng được xã hội khẳng định.
Sự trung thực, thẳng thắn của anh không phải xuất phát từ những ý nghĩ chủ quan, nhất thời mà ngay từ đầu đã được đặt trên một cơ sở khá vững chắc. Thú thực là tôi đã ngạc nhiên đến sững sờ khi đọc đến những dòng sau đây trong cuốn Dưới mắt tôi : "Nhà nghệ sĩ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc mình một cách ích kỷ và khốn nạn". "Tôi thích văn chương tranh đấu, tôi đặt nó trên văn chương tâm lý vì tôi thấy rằng văn chương cũng là khí giới mầu nhiệm để cải tạo xã hội. Nhưng tôi không thiên vị. Đành rằng nghệ thuật phụng sự nhân sinh nhưng nghệ thuật phải cho ra hồn nghệ thuật đã. Nếu nghệ thuật kém cỏi thì những tư tưởng rất hay của tác giả cũng không có một ảnh hưởng nào hết".
Những câu có tính chất châm ngôn trên đây làm cho tôi sực nhớ tới một câu rất đơn giản nhưng thực sự là bất hủ của Lỗ Tấn trong bài nói chuyện ở trường võ bị Hoàng Phố : "Cách mạng sở dĩ cần văn học vì văn học là văn học". Mỗi ngành, mỗi nghề phải phục vụ cách mạng, phục vụ sự nghiệp chung bằng và qua đặc trưng của chính nó. Đúng như GS Nguyễn Hải Hà đã lý giải : "Những quan niệm đúng đắn đó của ông đã giúp ông dễ dàng đến với cách mạng và nền văn học mới".
Năm 1957, khi tôi được giữ lại trường thì cũng là lúc anh chuyển từ Ban Tu thư trung ương – tiền thân của Nhà xuất bản Giáo dục hiện nay – về trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày nào tôi cũng gặp anh đúng tám tiếng. Chi tiết ấy tưởng bình thường song rất có ý nghĩa. Tôi, anh Hải Hà, các anh chị phiên dịch Hồng Dân Hoa, Hoàng Mộng Huyền, cánh thanh niên trong tổ công đoàn muốn nới lỏng kỷ luật lao động một tí, kể cả anh Trần Văn Tấn cùng tuổi với anh
Trương Chính cũng vậy, song nhất định anh Trương Chính không chịu. Rốt cuộc là phe đa số chúng tôi phải thua vì anh đã giữ đúng "lập trường". GS Hải Hà nhận định : "có thể thấy ở đôi chỗ ông hơi cứng, thiếu uyển chuyển" (Văn nghệ, số báo đã dẫn). Đó là một ý kiến chuẩn xác. Tôi muốn nói thêm : "không chỉ trong nhận định về văn học mà cả trong nhận định về con người, về sự việc". Xin nhắc lại, chỉ là "đôi chỗ" thôi ! Cánh trẻ chúng tôi thường gọi đùa anh là "vua lập trường". Có lần anh cũng đùa lại : "Các cậu thấy đấy, trong tám giờ chính quyền ngồi ở cơ quan, mình chỉ làm việc cơ quan giao. Sách báo mình ra ào ào, đừng bảo là mình ăn cắp giờ của nhà nước đấy nhé !".
Năm 1959, Đại học Sư phạm Vinh, trường đại học địa phương đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa được thành lập. Cần có một cán bộ giảng dạy văn học Trung Quốc vào đó, tổ văn học nước ngoài cử anh
Ngô Xuân Anh, học trước tôi một khoá, trước năm 1945 đã là giáo viên Trường Trung học Đào Duy Từ (Thanh Hoá). Tôi là người ít tuổi nhất, thua các anh cán bộ giảng dạy trong nhóm văn học Trung Quốc đến hàng chục tuổi nên được ưu tiên ở lại Hà Nội. Vả lại, vợ anh Anh đang dạy Trường cấp hai Vinh, còn người yêu của tôi thì vừa vào học năm thứ nhất Đại học Tổng hợp ! Nhưng... trước khi vào Vinh mấy ngày, anh Anh bị lao phổi, bệnh tình hết sức trầm trọng. Thế là tôi đi thay – đi một cách vui vẻ, hồn nhiên – rồi ở luôn trong đó hơn mười bảy năm, mãi đến tháng 9 - 1976 mới trở về Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy vậy, tôi vẫn thường được cử đi công tác Hà Nội, vẫn được gặp anh, được anh giúp đỡ, được bạn bè thỉnh thoảng kể chuyện vui về anh. Khi còn ở thành phố, giữa anh và cánh trẻ vẫn có đôi chút cách biệt. Anh không xuề xoà và đa cảm như anh Huỳnh Lý, không thủ thỉ, nhỏ nhẹ như anh Đỗ Đức Hiểu, không dân dã như anh Bùi Văn Nguyên, không tài hoa phóng khoáng như anh Nguyễn Đức Nam, không hiền từ như anh Nguyễn Trác, không hồn nhiên như thầy Hoàng Xuân Nhị,... Cánh trẻ vẫn thấy ở anh một nét gì đó nghiêm khắc và lạnh lùng và do đó hơi khó gần. Những ngày sơ tán ở Yên Mỹ, Hưng Yên đã làm cho thầy trò, các thế hệ cán bộ giảng dạy, các loại cán bộ của nhà trường xích lại gần nhau. Có thể nói chỉ sau một thời gian ngắn, anh em cán bộ Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một cái nhìn mới về anh. Lên lớp giảng dạy, anh vẫn có lệ dành mấy phút động viên sinh viên thường xuyên rèn luyện cơ thể. Đầu tuần, cuối tuần, trên tuyến quốc lộ 5, ngồi trên chiếc xe Junior màu xanh lá cây, anh vẫn trò chuyện râm ran với bọn trẻ để quên đường dài. Gần sáu mươi tuổi, anh vẫn thích nhá cơm cháy của tập đoàn ; Cô Dinh, chị nuôi xinh đẹp nhất của bếp Khoa Văn, vẫn thường ưu tiên dành cho ông anh những mảng cháy giòn tan. Ông chủ nhà anh Phan Hữu Nghệ mổ lợn rất giỏi, chỉ một loáng là mọi việc đã xong. Anh thích sang quan sát thao tác của ông ấy. Có lần quá thích thú, anh bình phẩm : "thạo ngang Bào Đinh mổ trâu và chắc là nhanh hơn mình viết văn !".
Anh Trương Chính là con người như thế đó. Thế mà giờ đây, anh đã mãi mãi đi xa...
Ngày 21-10-2004, đúng một tuần sau khi tờ Văn nghệ đăng bài điếu văn đọc trong lễ tang tiễn biệt anh do tôi chấp bút, nghiên cứu sinh thứ tám của tôi là Nguyễn Thị Thu Phương đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ về đề tài Phong cách thơ từ Tô Đông Pha tại cơ sở đào tạo Viện Văn học.
Trong khi trình bày luận án, để làm nổi bật quan niệm mới mẻ của
Tô Đông Pha về không gian và thời gian, Thu Phương đã so sánh một bài thơ của ông với bài Đăng U Châu đài ca (Bài ca lúc lên đài U Châu) sau đây của nhà thơ Trần Tử Ngang đời Đường :
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ !
(Người trước chẳng thấy ai - Người sau thì chưa thấy - Gẫm trời đất thật vô cùng - Riêng lòng đau mà lệ chảy ! -Tương Như dịch). Với từ ngữ hết sức giản dị, bài thơ này đã gây một âm vang sâu rộng và có sức ám ảnh kỳ lạ đối với bao thế hệ. Trong không khí của buổi bảo vệ hôm đó, bài thơ như có một ma lực khiến tôi liên tưởng miên man. Năm 1957, toàn bộ cán bộ giảng dạy Văn học Trung Quốc chỉ có năm người : bốn bậc đàn anh và tôi. Tiếp theo thầy Đặng Thai Mai, các anh Ngô Xuân Anh, Trần Văn Tấn, Bùi Trương Chính đã lần lượt ra đi, đúng y như câu đầu của Trần Tử Ngang : "Tiền bất kiến cổ nhân !". Song, nhìn về phía sau, tôi đã thấy xuất hiện đội ngũ kế cận do chính mình đào tạo. Bồi hồi, sung sướng, chỉ cần thay ba chữ, tôi đã "tập cổ" bài Đăng U Châu đài ca để kết thúc lời phát biểu trong buổi bảo vệ luận án :
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu dĩ kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Cộng hân nhiên nhi thế hạ !
(Trước chẳng còn thấy người xưa - Sau đã thấy người đi tới - Gẫm trời đất rộng mênh mang - Cùng sướng vui mà lệ chảy !)
Một uỷ viên Hội đồng chấm luận án hỏi tôi : Sao vẫn để nguyên chữ "thế" ? Tôi đáp: Có thế mới đúng thi pháp thơ Đường ! Dùng cái "cười" để nói lên niềm vui thì có gì là lạ ? Đỗ Phủ chẳng đã dùng hình ảnh "nước mắt tuôn đẫm cả áo xiêm" để nói lên niềm vui khi nghe tin thủ đô, quê nhà mới được thu phục đó sao ? Ta cũng chẳng thường nói "mừng chảy nước mắt" đó sao ? Anh Trương Chính vừa đi xa, dùng chữ "thế" lại đạt cả yêu cầu "lưỡng nghĩa" !
Trong niềm tiếc thương và tin yêu, dựng lại đôi nét về chân dung của anh Bùi Trương Chính cho Văn học và Tuổi trẻ, tạp chí của các thế hệ "lai giả", cho phép tôi nhắc lại bài thơ "tập cổ" nói trên để kết thúc bài viết của mình.
(In trong Văn học và tuổi trẻ, số 1 - 2004)
Theo: Nguyễn Khắc Phi tuyển tập


 


 


 


 

NXB Giáo Dục - 1998


 

06-07-2011