Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

THẦY LÊ TRÍ VIỄN - MỘT TRÍ THỨC DẤN THÂN, NGUỜI GIEO MẦM BAO THẾ HỆ


14-02-2012

Khi nghe tin Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn ra đi, người học trò thành danh GS.NGND Phan Trọng Luận viết: "Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vinh danh cho thế hệ trí thức dấn thân, kiên trì đi theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến cho đến ngày nay... Thầy ra đi nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng các thế hệ học sinh, sinh viên từ những ngày “ban đầu dân quốc ấy ” cho đến ngày nay và chắc hẳn cả về sau này".

THẦY LÊ TRÍ VIỄN

- MỘT TRÍ THỨC DẤN THÂN, NGUỜI GIEO MẦM BAO THẾ HỆ

         

                                                          GS, NGND Phan Trọng Luận

 

Trong tâm tưởng, tôi nghĩ thế nào rồi cũng có một bài viết về thầy Lê Trí Viễn, thầy dạy tôi ở chuyên khoa hồi năm 1948 ở Hà Tĩnh, cách đây 65 năm. Các thầy hoc phổ thông của tôi như các thầy Vũ Thuần Nho, Nguyễn Huy Tý, Nguyễn Thúc Tư, Trần Hậu Toàn, Hoàng Đức Thi.. đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng. Hầu như chỉ còn lại Thầy Viễn là thầy học thời phổ thông của tôi. Kỷ niệm 60 năm Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi chỉ mới viết thoảng qua một ý về Thầy và đinh ninh sẽ có bài kĩ hơn. Qua thông tin của PGS Lê Lưu Oanh, con gái của Thầy, cứ nghĩ Thầy còn khoẻ mạnh tuy đã vào tuổi đại thọ, thành ra cứ lần lữa... Năm ngoái vào Sàigòn đi thăm Thầy đúng hôm trời mưa to nên kẹt đường không được gặp Thầy. Lại tự an ủi vài hôm nữa vào Sài gòn sẽ đến thăm Thầy. Ai ngờ Thầy đã ra đi… Thành ra con lỡ hẹn với lòng mình… Thầy ơi!

Với bạn trẻ ngày nay, cái thời buổi những năm 50 của thế kỷ truớc, chắc hẳn đã quá xa vời nhưng với tôi tất cả còn nguyên vẹn trong ký ức. Ký ức thời mới mười tám đôi mươi của cậu học sinh phổ thông. Hồi đó chiến tranh chống Pháp đã lan rộng khắp Bắc Nam. Khu IV cũ, Thanh Nghệ Tĩnh nhất là Hà Tĩnh vẫn còn khá yên ổn “thanh bình” như nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạo ấy trong buổi nói chuyện với đồng bào Đông Thái (nay là Tùng Ảnh - Đức Thọ) ở sân vận động. Làng Đông Thái của tôi một làng khoa bảng, một vùng đất có sông La thơ mộng với những cô gái dệt lụa đẹp nổi tiếng, là nơi nghỉ chân của cán bộ từ Bình Trị Thiên, từ miền Nam ra Bắc và từ Bắc vào công tác ở Bình Trị Thiên hay xa hơn và cũng là địa bàn được chọn đóng của nhiều cơ quan Khu IV. Trường chuyên khoa Khải Định (Huế) sau đổi thành Huỳnh Thúc Kháng cũng về đóng ở làng tôi, Làng tôi là nơi hội ngộ của nhiều trí thức về giáng dạy chuyên khoa, thành một cái nôi của trí thức kháng chiến Khu IV. Thầy Hoàng Cang làm Hiệu trưởng, các thầy Trần Đình Gián dạy Địa lý, Thầy Nguyễn Cảnh Toàn dạy Toán, Thầy Hà Thúc Chính dạy tiếng Anh, Thầy Vương Tử Ba dạy Văn, thầy Nguyễn Văn Định dạy Triết và thầy Nguyễn Văn Đàn dạy văn học Pháp... Thầy Lê Trí Viễn giáo viên Trường Lê Khiết Khu V cũng đựơc điều ra phụ trách giảng dạy văn học Việt Nam. Thế là thầy đã chính thức nhập vào hàng ngũ thế hệ trí thức đầu tiên của chế độ ta. Từ thưở “ban đầu dân quốc” ấy cho đến nay năm 2012 năm Thầy đi vào cõi vĩnh hằng, người trí thức, nhà giáo tiêu biểu ấy suốt 73 năm đã một lòng một dạ sống cùng nhân dân xây dựng nền văn học và giáo dục cách mạng. Cùng trang lứa đồng nghiệp với Thầy hồi ấy không phải ai cũng trụ được gian khổ thiếu thốn như Thầy. Có người đã đi vào tề sang Mỹ có người vào vùng tạm chiếm làm giáo chức, có người đã sang Pháp, sang Canada. Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vinh danh cho thế hệ trí thức dấn thân, kiên trì đi theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến cho đến ngày nay.

Cơ duyên cho tôi được gặp Thầy từ dạo ấy. Thầy hồi đó chắc cũng mới ngoài tuổi ba mươi, trò mới mười tám đôi mươi. Lần đầu tiên tôi gặp Thầy trong một hoàn cảnh cũng đặc biệt. Số là dạo đó trong những ngày đầu kháng chiến tài liệu sách vở không có gì. Thầy giáo lên lớp chủ yếu dạy theo trí nhớ mà thôi. Chắc hẳn đi bộ từ khu V ra Hà Tĩnh, thầy giáo trẻ cũng làm sao mang theo được tài liệu cần thiết. Không biết do đâu Thầy đã tìm đến nhà tôi. Lần đầu tiên tôi gặp một thầy giáo người miền Trung vóc nhỏ, thoăn thoắt đi lại vui vẻ trò chuyện với tôi - cậu học trò nhỏ phổ thông. Bấy giờ nhà tôi có một tủ sách không nhiều nhưng cũng khá phong phú về văn thơ báo chí do cha tôi sưu tập từ khi ông ra tù. Tôi thấy thầy say sưa tìm kiếm trong tủ sách và thầy muốn hỏi mua tập Nam Phong và mượn mấy cuốn. Thầy không ngờ rằng chính động thái của thầy hôm đó đã khơi dậy đã gieo trong tôi - cậu học sinh phổ thông làng quê ý niệm về sự quý giá của sách báo và ý thức giữ gìn tủ sách gia đình mà sau này đã là vốn quý cho tôi trên con đường học hành. Một năm sau học hết phổ thông, tôi theo học chuyên khoa không phải trường Huỳnh Thúc Kháng mà là trường Nguyễn Văn Tố cũng do các thầy chuyên khoa giảng dạy. Bấy giờ tình hình kháng chiến đã gay go hơn, địch rập rình mở rộng vào khu IV. Trường chuyên khoa chuyển lên chộ Bộng, vùng núi Hương Sơn. Giảng đường chính là lớp học bình dân học vụ gồm mấy tấm ván đặt trên các giá tre. Xung quanh lớp học là các đồi cọ rậm rạp, ẩm thấp, đầy sên vắt. Bài học đầu tiên năm ấy là giờ giảng văn tế Khóc Trương Quỳnh Như. Cũng lần đầu tiên, tôi nhận ra sức hút kì diệu của văn chương cổ Việt Nam và sức lôi cuốn kì lạ của thầy giáo giảng văn. Thầy đọc, thầy ngâm, thầy bình, thầy nhỏ lệ, thầy giúp chúng tôi giao cảm đựơc nỗi đau của con người bất hạnh ẩn sau những câu chữ tưởng như lạnh lùng. Bản thân tôi không ngờ được rằng chính những giờ giảng văn ngày ấy của thầy giáo trẻ giọng miền Nam đã gieo vào lòng tôi niềm say mê văn chương và sức hấp dẫn của nghề gỉ ảng dạy văn thơ để rồi mấy năm sau nối nghiệp thầy đến nay cũng đã trọn 60 năm.

Sau đó Thầy lại được điều trở về khu V làm Hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Khiết. Rồi năm 1954, Hoà bình lập lại thầy ra Hà Nội cùng Nhóm Lê Quý Đôn tham gia biên soạn bộ Giáo trình Văn học Việt Nam đầu tiên. Bộ sách đã thành cẩm nang cho các trường đại học trong nhiều năm. Mấy năm sau, Thầy về Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.Và bao thế hệ đã trưởng thành từ những bài giảng của thầy. Nhiều học trò của thầy tên tuổi đã được ghi danh như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm,v.v.. Cứ thế lớp lớp các thế hệ tiếp nối nhau được nghe thầy giảng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên, Nhị độ mai, Ngóng xuân (Nguyễn Đình Chiểu),... Niềm say mê văn chương, tài hoa và nghệ thuật bình văn thơ của thầy giáo đã gieo vào tâm trí sinh viên sư phạm những ấn tượng không phai mờ. Nhiều xúc cảm văn chương và kinh nghiệm thâm nhập bài văn bài thơ đã trở thành hành trang quý giá trên con đường hành nghề cho bao thế hệ sinh viên sư phạm Hà Nội và về sau ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mấy chục năm vừa giảng dạy vừa làm quản lý Khoa, Thầy vẫn không sao nhãng nghề viết văn. Công trình Thầy để lại hơn 6.000 trang đã được Nhà nước xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2002.

Từ thế hệ chúng tôi cách đây 60 năm đến những thế hệ về sau, Thầy là người đã gieo mầm và tạo nguồn cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy văn chương khắp hai miền Nam Bắc, từ những ngày kháng chiến chống Pháp cho đến những ngày hoà bình lập lại. 73 năm gắn bó với nhà trường, với văn chương, ngoài những công trình khoa học quý giá, Thầy đã để lại trong tâm trí nhiều thế hệ học sinh lòng kính trọng và biết hơn vô cùng sâu sắc cùng nhiều bài học thấm thía về lẽ sống của ngườì trí thức dấn thân cùng nhân dân, về tấm gương tự học từ một cậu học sinh nghèo xứ Quảng, một viên chức nhỏ thành một nhà văn hoá tên tuổi của chế độ mới. Thầy ra đi nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng các thế hệ học sinh, sinh viên từ những ngày “ban đầu dân quốc ấy ” cho đến ngày nay và chắc hẳn cả về sau này.

 

                                                          Buổi sáng nghe tin Thầy đã ra đi

                                                                      5- 2- 2012

14-02-2012