Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Gương mặt sinh viên ĐHSPHN: NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐẶNG ĐÌNH ĐẠI


03-10-2011

Ngày 11/10 sắp tới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tròn 60 năm phấn đấu và trưởng thành (11/10/1951 - 11/10/2011). Thế Giới Mới sẽ có loạt bài viết về “cỗ máy cái”, “lò đào tạo” số 1 của giáo dục hiện đại Việt Nam. Mở đầu, mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện với nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn khóa 1967-1970 của trường.

* Thưa thầy, nghe nói sau khi nhận sổ hưu, thầy vẫn chưa được nghỉ, vẫn đang là hiệu trưởng của 2 trường trung học phổ thông (THPT). Vậy thực hư như thế nào?
 - Ngày 16/7/2010, tôi đã nhận quyết định của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội công nhận là thành viên Hội đồng quản trị Trường THPT Tư thục Vạn Xuân - Long Biên và sau đó nhận quyết định làm hiệu trưởng của trường. Thực ra, tôi đã gắn bó với Trường Vạn Xuân từ khi thành lập và trong suốt 12 năm (1998-2010) vẫn làm công tác giáo vụ cho trường. Cuối năm 2010, Công ty SSGE thuộc Tập đoàn SSG (TP. Hồ Chí Minh) đã xây dựng tại quận Long Biên, Hà Nội Trường Phổ thông Quốc tế Wellspring rộng 8ha và hiện đại bậc nhất Hà Nội hiện nay, trường mời tôi làm Phó trưởng ban đào tạo phụ trách khối trung học cơ sở và THPT. Khi nào được thôi công nhận hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Vạn Xuân - Long Biên, tôi sẽ chuyển hẳn về Trường Wellspring.

  * Năm 1967 là năm không tổ chức kỳ thi tuyển đại học vì đang chiến tranh, việc vào Sư phạm Ngữ văn của thầy được quyết định như thế nào? Việc vào trường, khoa, có liên quan gì đến năng lực và lý lịch cá nhân của thầy?
- Theo tôi được biết, tiêu chí để chọn thứ nhất là lý lịch gia đình, thứ hai - năng lực học tập và cuối cùng mới là chỉ tiêu của từng trường. Gia đình tôi là gia đình viên chức thời Pháp, lại có 2 anh ở miền Nam, một anh ở Pháp cho nên rất khó được xét vào đại học (4 anh chị và 2 em tôi đều không được vào đại học). Tôi rất biết ơn các thầy giáo, cô giáo Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều, đặc biệt là thầy Nguyễn Đức Thuần, hiệu trưởng - trưởng ban tuyển sinh đại học của trường - đã vượt qua rào cản rất lớn của thời đó để giới thiệu tôi đi học đại học, vì lẽ trong 2 năm lớp 9 và lớp 10, tôi đều đoạt giải học sinh giỏi môn Văn TP. Hà Nội và năm 1967, tôi được chọn trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc môn Văn. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối hè 1967 lo âu và phấp phỏng, đi bộ đội cũng “không đắt”, có người bạn đã rủ đi học lái xe. Rất may cuối tháng 8/1967, nhận giấy triệu tập vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi mang quần áo, sách vở và một con dao rựa (nhà trường yêu cầu) tới nhập học tại xã Cộng Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nơi trường đang sơ tán.
 
  * Thầy hiện là trưởng ban liên lạc cựu sinh viên Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1967-1970. Liên tục từ năm 2001 đến nay, năm nào sinh viên khóa cũng họp mặt. Là người theo dõi bước tiến của cả một khóa học, thầy có nhận xét gì về những đóng góp (trong phương diện cá nhân) của mỗi thầy cô giáo về mặt mạnh của một thế hệ trí thức thời ấy?
- Cuộc họp mặt đầu tiên được tổ chức tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ năm 2001. Tiếp theo là những cuộc họp mặt ở các tỉnh có cựu sinh viên khóa 1967-1970. Theo các bạn đồng khóa cho biết, chưa có khóa nào của Đại học Sư phạm Hà Nội lại tổ chức họp mặt thường xuyên như vậy. Đó chính là niềm tự hào của hội khóa chúng tôi. Hầu hết các bạn đồng khóa đều đi dạy ở xa quê hương, chịu nhiều vất vả, thiệt thòi nhưng vẫn cống hiến hết mình. Đặc biệt có những trường hợp đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, vùng xa. Hầu hết sinh viên khóa chúng tôi khi dạy học đều là giáo viên giỏi, nhà quản lý giáo dục có uy tín và đã có một số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú: Nguyễn Duy Bộ, Phạm Xuân Ngọ (Đắc Lắc), Nguyễn Thanh Cầm (Thái Bình), Đặng Đình Đại (Hà Nội), Tô Thị Lịch (TP. Hồ Chí Minh), Lê Văn Phong (Lào Cai), Nguyễn Minh Tuệ (Bắc Ninh)... Có những bạn có học vị cao và có trọng trách với đất nước như: tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, đương kim Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nguyên Phó bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016). Mặt mạnh của chúng tôi (cũng như của lớp trí thức thời ấy) chính là được đào tạo bởi những người thầy tài năng, tâm huyết với ngành nghề và bản thân mỗi người đều có ý thức phải học cho cẩn thận để sau này trở thành những nhà giáo được học trò yêu kính, cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc. Chúng tôi còn có thế mạnh của lòng yêu nghề, gắn bó với nghề để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Sau hơn 40 năm tốt nghiệp đại học, một điểm mạnh nữa ngày càng lộ rõ, đó chính là tình cảm gắn bó, sẻ chia của một thời sinh viên gian khổ mà vui tươi vẫn theo mỗi người trong từng năm tháng...

  * Thầy đã nhận huân chương Lao động. Trong mạng Facebook có trang riêng mang tên “Hội những người ái mộ thầy Đặng Đình Đại”. Những đóng góp của hơn 40 năm “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã tạo ra sự hâm mộ này. Suốt thời gian ấy, gia đình riêng đã đồng hành với thầy theo cách nào?
- Tôi được biết trên Facebook có trang “Hội những người ái mộ thầy Đặng Đình Đại” liền vào xem và được biết trang này được lập vào ngày 30/5/2010 và đã có hàng ngàn lượt truy cập. Đây là một trong những món quà bất ngờ mà tôi nhận được từ học sinh. 40 năm đã khép lại bằng những niềm vui, niềm tự hào nhưng những vất vả khó khăn của 40 năm ấy cũng không thể không nhớ đến. Năm 1970, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi lên Cao Bằng dạy học; người yêu của tôi vừa tốt nghiệp cấp III cũng quyết định đăng ký học Sư phạm Văn với mong ước lúc tốt nghiệp cũng xin lên Cao Bằng dạy học cùng tôi. Hồi đó Hà Nội - Cao Bằng quá xa xôi, trường tôi dạy lại ở huyện Hà Quảng, sát biên giới. Tôi phải thuyết phục để cô ấy bỏ ý định lên Cao Bằng. Chúng tôi cưới nhau và có con khi chồng dạy học tại Cao Bằng, vợ dạy học tại Gia Lâm, Hà Nội... Vợ tôi đã vượt lên tất cả để dạy tốt, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp thành phố khi mới 23 tuổi. Mãi đến cuối năm 1977, tôi mới từ Cao Bằng về Hà Nội. Ngày ấy vợ chồng cùng làm bánh gia công, đưa lên Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Sáng sớm tôi đạp xe đèo hàng ngàn gói bánh kẹo lên các quầy rồi mới đi dạy học. Buổi chiều hì hục đóng gói để sẩm tối lại đèo hàng lên chợ, thu tiền, mua nguyên vật liệu... Còn nhớ đầu những năm 1990, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường đầu tiên đưa tin học vào nhà trường. Hầu như các buổi tối tôi đều cắm cúi bên máy tính và khi làm điểm cho cả trường thì máy in kim cứ rọt rẹt suốt đêm làm cả nhà mất ngủ... Cho đến hôm nay, tôi cho rằng niềm vui lớn nhất của gia đình nhà giáo chúng tôi chính là sự học hành nên người của các con: gái lớn là cử nhân ngoại thương và cử nhân luật; con gái thứ là kiến trúc sư hiện ở Úc; cậu con út đang hoàn thành thạc sĩ ở Úc. Từ năm 1999, vợ chồng tôi lên “chức” ông bà ngoại. Hai cháu ngoại Thiên Phúc (lớp 7) và Thiên Đức (lớp 4) đã giành được nhiều huy chương vàng trong các kỳ thi dance sport cấp quốc gia. Có thể nói, sự thành đạt của con, sự chăm ngoan của cháu khẳng định “dao sắc vẫn gọt được chuôi”!
 
  * Đã dạy trên miền núi, đã có mặt liên tục hơn 33 năm trong đời sống giáo dục thủ đô, đã quản lý trường công, trường dân lập, trường tư thục và mới đây là trường quốc tế; rốt lại triết lý giáo dục của thầy là gì?
- Nhà báo hỏi về triết lý giáo dục thì tôi chịu vì nghe chừng cao siêu quá; vả lại cho đến bây giờ, nghe các phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng, hình như triết lý giáo dục của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Xin khất lại!
 
  * Vâng, xin hẹn gặp lại thầy để tiếp tục từ triết lý phản biện “dao sắc vẫn gọt được chuôi”!

 

 

NGUYỄN CHƠN CHẤT thực hiện
 

 

Theo: thegioimoi.vn

03-10-2011