Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Phó Giáo sư Toán học 29 tuổi - Phạm Hoàng Hiệp: "Tôi muốn mình thông minh hơn"


15-11-2011

PGS Phạm hoàng Hiệp hiện đang công tác ở nước ngoài. Báo KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện. HNUE xin trân trọng giới thiệu với quý Thầy, Cô giáo và các bạn.

- "Tôi tự thấy mình không khác gì so với lúc chưa được phong hàm PGS. Thực ra, ở Việt Nam hiện có rất nhiều người trẻ xứng đáng được phong hàm nếu xét về chuyên môn nhưng họ chưa có điều kiện", PGS Phạm Hoàng Hiệp (29 tuổi), giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với KH&ĐS.

Tôi còn phải cố gắng nhiều
 
Cảm giác của anh thế nào khi được phong học hàm PGS?
 
Cũng như mọi người, tôi thấy vui vì cố gắng của mình đã được ghi nhận. Nhưng tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Vậy con đường đến với toán học của anh thế nào?
 
Tôi bắt đầu thực sự học toán vào cuối năm lớp 9, tôi đọc một quyển sách về số học mà bố tôi mua cho trước đó rất lâu. Sau khi đọc hết quyển sách, tôi thực sự cảm thấy toán học rất thú vị. Sau đó tôi nghĩ rằng học Trường ĐH Sư phạm thì vừa có thể nghiên cứu, vừa có thể giảng dạy. Tôi cho rằng chỉ những gì người ta thấy dễ hiểu, đơn giản và trực giác được thì họ mới thấy nó thú vị và sử dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm cho toán học trở lên đơn giản, dễ hiểu.
 

Và để thành công trong toán học có khó không?
 
Vừa khó vừa dễ. Nếu có đam mê thực sự thì không gì là khó cả.
 
Anh có tự nhận mình là người thành công?
 
Tôi không dám nói như vậy, nhưng tôi tự tin là tôi có đam mê.
 
Nếu được thay đổi điều gì đó về bản thân mình, anh sẽ thay đổi điều gì?
 
Tôi muốn mình thông minh hơn.
 
Nếu không được làm toán thì anh sẽ làm gì?
 
Tôi sẽ chọn vật lý hoặc y học. Tôi tự thấy tôi sinh ra đã có sẵn những đam mê dành cho khoa học.
 
Được phong hàm PGS, anh có thấy mình khác với trước đây khi chưa được phong hàm không?
 
Tôi không thấy có gì khác nhưng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong nghiên cứu.
 
Tôi cho rằng toán học ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của đất nước thông qua chương trình giáo dục. Đặc biệt, toán học ở các cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ảnh hưởng đến tư duy của tất cả mọi người trong xã hội. Nếu chúng ta làm cho chương trình toán học trực quan, gắn với thực tiễn, dễ hiểu, đơn giản. Khi đó mọi học sinh đều có tư duy tốt thì họ sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển. Tất nhiên để làm được điều này cần những nhà nghiên cứu toán học, quan tâm đến giáo dục

Vì khó khăn mà người giỏi nhất đều ở nước ngoài

 Toán học Việt Nam luôn giành được kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế nhưng nền toán học vẫn chưa thể phát triển như mong muốn, anh có suy nghĩ gì?
 
Theo tôi, một phần là do lỗi của hệ thống giáo dục. Mọi người quá chú ý vào thành tích thi học sinh giỏi nên mới nghĩ rằng nền giáo dục chuyên đào tạo "gà chọi" và quên đi những thành tố giáo dục khác. Quan điểm của tôi thì nên có những trường chuyên trong đó các lớp được tổ chức theo các môn liên quan với nhau, nên tổ chức các kì thi học sinh giỏi mà bài thi gồm các môn liên quan đến nhau như vậy.
 
Và theo anh thì nguyên nhân của việc Toán học chưa phát triển như mong đợi là vì sao?
 
Có rất nhiều nhà toán học giỏi và nổi tiếng trên thế giới xuất thân từ các kì thi quốc tế như Ngô Bảo Châu, Dương Hồng Phong, Vũ Hà Văn, Phạm Hữu Tiệp, Đinh Tiến Cường, Nguyễn Tiến Zũng... Nền toán học vẫn chưa thể phát triển như mong muốn là vì chúng ta còn khó khăn nhiều thứ nên các nhà toán học giỏi nhất đều đang làm việc ở nước ngoài.
 
Phải chăng là do cơ chế chính sách đãi ngộ người tài và sử dụng nhân tài trong nước chưa hợp lý?
 
Tôi nghĩ vậy. Theo tôi chúng ta cần mạnh dạn hơn nữa trong việc sử dụng những tri thức trẻ và du học sinh từ nước ngoài vào các lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học công nghệ.
 
Toán học giúp ích cho anh trong cuộc sống đời thường?
 
Nó giúp tôi thỉnh thoảng ra nước ngoài có thể tiết kiệm tiền về cho gia đình. Trong cuộc sống, nó cũng giúp tôi có tư duy rõ ràng, mạch lạc hơn.
 
Thế còn kỳ vọng của anh về nền toán học của Việt Nam?
 
Ước mong của tôi là nền khoa học Việt Nam phát triển và ứng dụng vào cuộc sống giúp cho mọi người có một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc.
 
Tôi chọn kiến thức thay vì bằng cấp
 
Quan niệm coi trọng bằng cấp, học hàm học vị của người Việt Nam khá phổ biến. Nhiều khi coi trọng nó hơn những kiến thức cần có. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
 
Trong xã hội hiện nay, thông tin trên mạng lan truyền rất nhanh, người ta có thể dễ dàng tìm hiểu những thông tin khác ngoài bằng cấp như kết quả khoa học hay những công việc mà họ đã đóng góp cho xã hội. Vì vậy người ta sẽ phải chú trọng vào kiến thức hơn là bằng cấp. Nhưng xã hội Việt Nam lại quá coi trọng bằng cấp nên nhiều khi cũng có những cái khó và nảy sinh nhiều bất cập.
 
Có khi nào anh thấy khó xử vì mình có bằng cấp, học hàm cao hơn những đồng nghiệp nhiều tuổi hơn không?
 
Tôi thích một xã hội hòa đồng thân thiện. Với văn hoá Việt Nam, tôi cho rằng điều quan trọng là mình phải tôn trọng người lớn tuổi hơn, đặc biệt là người bằng tuổi cha chú mình.
 
Anh có cảm thấy mình "trẻ quá" so với học hàm PGS?
 
Tôi không nghĩ mình là quá trẻ để nhận học hàm PGS. Ở Việt Nam, tôi biết có nhiều người trẻ như vậy xứng đáng là PGS nếu xét về chuyên môn.
 
Nếu được lựa chọn là một người rất giỏi chuyên môn nhưng không có chức vụ, với một người có chức vụ nhưng chuyên môn lại bình thường, anh chọn là người nào?
 
Tôi cho rằng quan trọng là công việc mình làm có hiệu quả hay không. Những người lãnh đạo làm việc có hiệu quả cho đất nước thì rất đáng trân trọng. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn, tôi chọn là người rất giỏi chuyên môn.
 
Nhưng thực tế là có quyền thì mới dễ có tiền, anh nghĩ sao?
 
Với tôi quan trọng là được sống và làm việc mình thích, có đam mê. Tiền không phải là mục đích hướng đến của tôi, chỉ là một công cụ của cuộc sống.
 
Có thể tiền không có nhiều ý nghĩa với anh nhưng nó sẽ cứu giúp rất nhiều số phận, đôi khi trong đó có cả những người thân, anh em họ hàng của anh?
 
Tôi không bàn về giá trị của đồng tiền nói chung, tôi chỉ nói dựa trên quan điểm cá nhân của mình. Tất nhiên không ai có thể phủ nhận vai trò của tiền trong cuộc sống.
 
Với sự nghiệp khoa học thì dường như mọi thứ mới chỉ bắt đầu, những dự định sắp tới của anh là gì?
 
Tôi muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực khác nhau trong toán học. Khi đã lớn tuổi, tôi sẽ cố gắng viết lại tất cả những gì tôi hiểu một cách đơn giản nhất với hy vọng giúp cho những ai muốn tìm hiểu về toán ở Việt Nam.
 
Xin cảm ơn và chúc anh luôn thành công!
 
Tô Lan (thực hiện)

Theo: bee.net.vn
 

 

15-11-2011