TỌA ĐÀM CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC VÀ DẠY HỌC

Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Để thành công cần tạo ra cơ hội và động lực, giúp người dạy, người học thay đổi tư duy và thích ứng tốt.

Với mong muốn đem lại một cái nhìn tổng thể, giúp các nhà giáo tương lai, các sinh viên sư phạm tiếp cận được các xu hướng giáo dục mới thông qua các giải pháp công nghệ và ứng dụng CNTT vào tổ chức giảng dạy, đổi mới nội dung và các hình thức kiểm tra, đánh giá, đẩy mạnh công tác đào tạo trong tương lai; được sự đồng ý của Đảng ủy, BGH Nhà trường, Đoàn thanh niên trường ĐHSP HN phối hợp với Thành Đoàn - Hội sinh viên Thành phố Hà Nội và các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục và dạy học”.

Tham gia chương trình tọa đàm có sự hiện diện của các quý vị đại biểu: đ/c Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội; đ/c Hoàng Minh Tâm – Phó chủ tịch thường trực HSV VN TP. Hà Nội, Trưởng ban TNTH Thành Đoàn HN; về phía trường ĐHSPHN có PGS. TS Nguyễn Văn Hiền – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đ/c Đinh Minh Hằng – Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội; các khách mời tọa đàm bao gồm TS Nguyễn Thành Nam – Nguyên tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Nhà sáng lập tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX; TS Lưu Thị Kim Nhung – Trưởng khoa Tiếng Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục và công nghệ số – trường ĐHSP HN cùng hơn 500 đoàn viên, thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo dõi trực tiếp chương trình qua Zoom.  

Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Thành Nam và TS Lưu Thị Kim Nhung chia sẻ cách hiểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và dạy học.

TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ về FUNiX, một mô hình chuyển đổi số được biết đến là trường đầu tiên tại Việt Nam có chương trình đại học trực tuyến và “10 nguyên tắc” hoạt động trong đó bao gồm: tiết kiệm thời gian, giải đáp kịp thời, học đến đâu cấp chứng chỉ đến đó, tiếp thu các bài giảng từ các nhà giáo nổi tiếng trên thế giới, đa dạng các hình thức đánh giá…

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền trao đổi về việc giảng dạy và học tập trực tuyến của nhà trường đã được tiến hành trước tình hình dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh học online đối với giáo dục Việt Nam không chỉ là giải pháp tình thế mà được đánh giá là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Ngay cả khi hoạt động dạy học trực tiếp trở lại thì học online cũng sẽ trở thành một phần trong việc dạy và học.

TS Lưu Thị Kim Nhung chia sẻ về việc đáp ứng của các cơ sở giáo dục với chuyển đổi số hiện nay. TS Nhung cho rằng hầu hết các trường sư phạm đều có những giải pháp để thích ứng với chuyển đổi số bao gồm việc lựa chọn, đầu tư các nền tảng trực tuyến và nâng cao vai trò chủ động của người giáo viên trong việc vận dụng chuyển đổi số vào công việc giảng dạy thường xuyên của mình.

Đại diện cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền đã có nhiều chia sẻ về đóng góp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; một trong những công tác đó là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Nhà trường là một trong bảy trường tham gia dự án ETEP; thực hiện bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán thường xuyên liên tục, từ môđun 1 đến môđun 4 cho đến thời điểm hiện nay. Ngoài ra, nhà trường có vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống học liệu đưa lên hệ thống LMS của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận những phản hồi tốt của giáo viên qua các năm. Không những thế, trong thời gian gần đây, nhà trường tiến hành hỗ trợ trực tuyến qua chuỗi chương trình “Kết nối và Đồng hành” nhằm giải quyết những khó khăn mà giáo viên phổ thông gặp phải vào các khung giờ phù hợp. Trường cũng phát triển nhiều chương trình bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông 2018 như bồi dưỡng giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý, môn Tin học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không ngừng cập nhật tài liệu, chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của các thầy cô nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS Nguyễn Thành Nam cho rằng các điều kiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Người học ở Việt Nam rất ham học, cầu thị, thích nghi với công nghệ số nhanh chóng. Ngoài ra, có nhiều cách để học tập trực tuyến trở lên hấp dẫn hơn, có khả năng chia sẻ với nhiều người hơn. TS Nam tin rằng trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục trên nền tảng phát triển chuyển đổi số.

Các chuyên gia cũng giải đáp nhiều câu hỏi đến từ sinh viên tham gia chương trình như: vấn đề thương mại hóa sản phẩm giáo dục, sự thay đổi của phương pháp dạy và học, mối quan hệ giữa mô hình dạy học chuyển đổi số và mô hình dạy học truyền thống; các kĩ năng mà sinh viên cần có để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Chương trình đã mang đến cho các bạn sinh viên những hiểu biết căn bản và hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và dạy học và đặc biệt trong môi trường sư phạm. Thông qua chương trình, các bạn sinh viên cũng được tiếp thêm động lực, định hướng cho bản thân trong việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ; chuẩn bị cho mình những hành trang thật tốt trong quá trình hướng tới chuyển đổi số trong giáo dục và dạy học.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

Giới thiệu về hội thảo

Các khách mời và Đoàn viên, thanh niên tham dự hội thảo

Đ/c Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội phát biểu

PGS. TS Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về công tác chuyển đổi số tại Trường ĐHSP Hà Nội

TS Nguyễn Thành Nam – Nguyên tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Nhà sáng lập tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX trao đổi trong toạ đàm

TS Lưu Thị Kim Nhung – Trưởng khoa Tiếng Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục và công nghệ số – trường ĐHSP Hà Nội trả lời câu hỏi của Đoàn viên, thanh niên

 

Bài và Ảnh: Đoàn Thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội


Source: 
28-10-2021
Tags