HIỆU TRƯỞNG PHẠM QUÝ TƯ (1980 - 1989)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Quý Tư là Hiệu trưởng thứ 7 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Thầy Hiệu trưởng Phạm Quý Tư đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và những danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1987), danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1988), Huân chương Lao Động hạng Nhất (2002), danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2002), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2008),...

          Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Quý Tư là Hiệu trưởng thứ 7 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy sinh ngày 02/08/1935 tại Nam Định. Quê hương Nam Định là một trong những nơi lừng danh với truyền thống hiếu học, học giỏi và vượt khó vươn lên. Đây cũng là một trong những miền quê có nhiều người đỗ tiến sỹ được lưu danh bảng vàng, với nhiều dòng họ nổi tiếng có truyền thống rèn đức luyện tài, đời đời đều có các thế hệ học hành thi cử đỗ đạt làm quan giúp nước giúp dân. Gia đình Thầy Phạm Quý Tư cũng là một gia đình trí thức có truyền thống hiếu học, lối sống thanh bạch và coi trọng đạo đức ở quê hương Nam Định. Thân phụ Thầy đỗ Tú tài Nho học. Anh ruột của Thầy là ông Phạm Đồng Điện nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh em khác trong gia đình Thầy cũng là những trí thức vừa thành công trong cuộc sống - công việc, vừa luôn giữ vững truyền thống gia đình và quê hương, được các bạn bè yêu thương và nể phục.

Thẻ sinh viên của Thầy Phạm Quý Tư (do Thầy cung cấp)

          Vốn là sinh viên khoa Vật lý (1954 - 1956). Năm 1956, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thầy Phạm Quý Tư được giữ lại làm giảng viên. Từ năm 1962 đến năm 1965, Thầy được cử đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, Thầy trở về nước và công tác tại Đại học Sư phạm Vinh (1965 - 1978). Từ năm 1965 đến năm 1971, Thầy đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý. Từ năm 1975 đến năm 1978, Thầy giữ cương vị Quyền Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Vinh. Từ năm 1978 đến năm 1979, Thầy chuyển công tác về Bộ Giáo dục, đảm nhận chức vụ Phó Cục trưởng Cục Đào tạo và Bồi dưỡng. Từ năm 1980 đến năm 1989, Thầy được cử làm Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm  Hà Nội. Sau năm 1989, Thầy sang giảng dạy tại Trường Đại học An-giê-ri trong thời gian 2 năm.

          Thầy Phạm Quý Tư luôn được các bạn bè quý mến và tôn trọng, lớp lớp các học trò như chúng tôi kính phục và tự hào được là học trò của Thầy, bởi Thầy là một tấm gương sáng bởi phong cách sống và làm việc, đạo đức và nhân cách có một nét gì đó rất đặc biệt. Có lẽ đó là nét đặc trưng của truyền thống gia đình và quê hương. Mặc dù đã kinh qua những cương vị quản lý cấp cao nhưng Thầy luôn ân cần, thân thiện với bạn bè và học sinh, giản dị và thanh bạch trong cuộc sống, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ các thế hệ học trò cũng như các thế hệ giáo viên trẻ trong cuộc sống và công việc. Thế nhưng trong công việc Thầy lại là người nghiêm túc và cẩn trọng, nghiêm khắc với bản thân và học trò, luôn rèn giũa chúng tôi cả về nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ giảng dạy và đạo đức tác phong của thầy - trò. Tôi thường thấy Thầy ân cần chỉnh lại tư thế, cử chỉ, tác phong nói chuyện... cho các sinh viên cũng như các giáo viên trẻ khi Thầy bất ngờ đi ngang qua. Thầy cũng nổi tiếng nguyên tắc và chí tình trong xử phạt sự gian dối, thế nên môn học Thầy dạy thật trật tự và nghiêm túc, môn của Thầy khi thi dù không có Thầy trông nhưng chúng tôi luôn như thấy có Thầy bên cạnh ân cần, ai cũng muốn làm bài tốt để đạt điểm cao rồi đến khoe với Thầy, không thấy bạn nào quay ngang ngó dọc cả.

          Với giọng nói trầm và rõ, cách diễn đạt thong thả nhưng chắc chắn, cách chọn từ cẩn trọng và chỉn chu vừa đảm bảo ý nghĩa khoa học sâu sắc, vừa phù hợp với đối tượng và kết hợp với thực tiễn nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như cuộc sống đã làm nên những bài giảng hấp dẫn của Thầy. Những môn học rất khó của chuyên ngành Vật lý lý thuyết như Cơ học lượng tử, Lý thuyết nhóm, Toán cho vật lý qua sự nhiệt tình giảng dạy của Thầy đã làm bao thế hệ học trò say mê. Những bài giảng đó đã góp phần làm nên thương hiệu của Khoa Vật lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

          Thầy có những đóng góp đồ sộ trong công việc nghiên cứu khoa học, số lượng sách Thầy đã viết vô cùng phong phú về chủ đề cũng như đa dạng về loại hình đào tạo. Từ các sách Giáo khoa Vật lý cho Trung học phổ thông, sách bồi dưỡng chuyên đề học sinh giỏi cho các đội tuyển, đến các giáo trình đào tạo Cao đẳng, Đại học và Sau Đại học, ngoài ra còn các sách hướng dẫn cho giáo viên và nhiều sách tham khảo khác. Đây chính là những tâm huyết thầy để lại cho các học trò và là nguồn tài liệu quý giá được dùng rộng rãi trong các trường phổ thông, các trường Cao đẳng và Đại học trong cả nước. Trong công tác hướng dẫn khoa học và bồi dưỡng cán bộ trẻ, Thầy là người nghiêm túc và tận tình. Mỗi khóa luận Đại học và luận văn Thạc sỹ được thầy hướng dẫn, Thầy và trò chúng tôi làm việc và tranh luận sôi nổi, Thầy chỉnh sửa cho chúng tôi từng câu từng chữ, tính lại từng công thức, phân tích rõ ý nghĩa của kết quả mà thầy và trò đã đạt được. Sau những đợt nghiên cứu căng thẳng, các học trò lại quây quần bên Thầy để nghe Thầy kể những câu chuyện bốn phương, những câu chuyện về phong cách và tấm gương làm việc của các nhà khoa học trên thế giới, xen vào đó là những lời hỏi thăm ân cần về cuộc sống riêng, những lời động viên khích lệ các học trò vươn lên học tập, nghiên cứu và làm việc tốt hơn.

          Ngoài những đóng góp cho khối Đại học và Sau Đại học của Nhà trường, Thầy Tư còn tâm huyết với công việc bồi dưỡng cho các Đội tuyển Học sinh giỏi Vật lý quốc gia, Đội tuyển Olympic Vật lý. Qua sự bồi dưỡng và rèn luyện của Thầy, các đội tuyển Học sinh giỏi đã giành được nhiều giải thưởng và Huy chương trên các đấu trường quốc tế. Với riêng những đóng góp này, trong nhiều năm liên tục thầy đã nhận được các bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

           Một trong những đóng góp to lớn đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của Thầy là trên cương vị quản lý. Trong những năm khó khăn của thời kỳ bao cấp nói chung và của ngành Sư phạm nói riêng, qua hai nhiệm kỳ làm Hiệu trưởng Nhà trường, Thầy đã từng bước xây dựng Nhà trường ngày càng lớn mạnh, củng cố và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chăm lo cho đời sống giáo viên, đưa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiến lên thành trường đại học danh tiếng của nước nhà, là ngọn cờ đầu trong các trường đại học sư phạm của cả nước. Các thế hệ giáo viên và học trò luôn nhắc đến Thầy Hiệu trưởng cũ với một lòng kính trọng đặc biệt.

          Với những đóng góp to lớn đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Quý Tư đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và những danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1987), danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1988), Huân chương Lao Động hạng Nhất (2002), danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2002), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2008),... nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo,...Thầy là niềm tự hào của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, của Khoa Vật lý, của các thế hệ giảng viên và sinh viên trong Nhà trường. Học trò chúng tôi hướng về Thầy bằng một tấm lòng trân trọng và biết ơn, một thầy Hiệu trưởng, một Thầy giáo, một con người mẫu mực.

TS. Nguyễn Chính Cương


Source: 
05-10-2021
Tags