HIỆU TRƯỞNG PHẠM HUY THÔNG

GIÁO SƯ PHẠM HUY THÔNG - NHÀ TRÍ THỨC TÀI DANH -

VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

1. Trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam, vào buổi giao thời của lịch sử hay buổi bình minh của chế độ mới thường có sự nổi lên của những nhân vật đặc biệt, tài danh trên nhiều lĩnh vực, có nhiều cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa của nước nhà. Trong số đó, Phạm Huy Thông là người nổi tiếng trên ba phương diện: nhà thơ, nhà trí thức và nhà hoạt động chính trị - xã hội. Trên cương vị nhà trí thức, ông là lãnh đạo của hai cơ quan lớn về khoa học, giáo dục ở những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam mới (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đó là, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (với tư cách là Giám đốc, tức Hiệu trưởng) và Viện Khảo cổ học (với tư cách là Viện trưởng).

Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội là nơi ông làm Giám đốc, trong 11 năm (1956 - 1967). Trong hơn một thập kỉ này, sự phát triển của nhà trường gắn liền với vai trò đặc biệt của ông.

Cuối năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, để đáp ứng yêu cầu trước mắt, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tạm thời thành lập hai trường đại học mới là Trường Đại học Sư phạm Khoa học (do Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Giám đốc, chủ yếu dựa trên cơ sở Trường Sư phạm Cao cấp ra đời năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc, sau di chuyển sang Khu học xá đặt tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc, chủ yếu dựa trên nền tảng của Ban Khoa học, Trường Dự bị Đại học - Sư phạm Cao cấp, thành lập năm 1951 tại Liên khu IV).

Ngày 04/6/1956, Chính phủ ra Quyết định số 2184/TC thành lập 4 trường đại học lớn, gồm: Đại học Sư phạm[1], Đại học Tổng hợp, Đại học Y - Dược[2] và Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa[3]. Như vậy, chỉ hơn một thập kỉ kể từ khi nước nhà giành lại được độc lập, tự do, hệ thống các trường đại học ở miền Bắc đã chính thức được hoàn chỉnh. Điều đáng chú ý là bốn vị giám đốc của các trường đại học lớn đầu tiên này đều là những trí thức tài danh của đất nước, lần lượt là: Phạm Huy Thông, Ngụy Như Kontum, Hồ Đắc Di và Tạ Quang Bửu.

Giáo sư Phạm Huy Thông - hậu duệ của Phạm Tu, Phạm Ngũ Lão - từ trước đã nổi tiếng trên hai phương diện là sáng tác thơ văn (với những tác phẩm tiêu biểu như: Tiếng địch sông Ô, Tần Ngọc, Tây Thi, Tần Hồng Châu, Huyền Trân công chúa …) và hoạt động chính trị  - xã hội (là người đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ sáng lập phong trào “Đòi hòa bình ở Đông Dương”, bị chính quyền thực dân Pháp và sau đó là Chính quyền Sài Gòn giam cầm, quản thúc). Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Phạm Huy Thông - người từng là thư kí riêng của mình trong quá trình thương lượng tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946 - làm Giám đốc Trường ĐHSP Hà Nội cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người về tài năng, tâm huyết của nhà trí thức tài danh này, trong nỗ lực của Chính phủ cách mạng nhằm gây dựng ngành Giáo dục Việt Nam mới, cách mạng, đại chúng, hướng đến phục vụ đông đảo nhân dân.

Từ năm 1956 đến năm 1967, Giáo sư Phạm Huy Thông là Giám đốc Trường ĐHSP Hà Nội. Ông đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội trong những ngày đầu gian khó. Về cơ cấu tổ chức, trong giai đoạn 1956 - 1958, Trường ĐHSP và Trường Đại học Tổng hợp có chung 7 khoa: Toán, Lí, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa. Các môn như Giáo dục học, Tâm lí học, Phương pháp dạy học được dạy riêng cho sinh viên Trường ĐHSP. Đến năm học 1958 - 1959, quá trình chia tách hai Trường ĐHSP và Đại học Tổng hợp về cơ bản hoàn thành, hai trường chỉ còn chung một số bộ môn. Ngày 13/8/1958, Bộ Giáo dục ban hành Nghị định số 588/NĐ, thống nhất ba trường: Trường ĐHSP, Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương[4] và Trường Trung cấp Ngoại ngữ[5] thành một trường duy nhất. Trường ĐHSP tiếp nhận cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ công nhân viên, sinh viên của Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương tại km 8 đường Hà Nội - Sơn Tây (nay là 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy) và đội ngũ cán bộ công nhân viên, sinh viên của Trường Trung cấp Ngoại ngữ. Từ thời điểm này, Trường ĐHSP Hà Nội đóng tại xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Có thể thấy, ở thời điểm chuyển địa điểm từ số 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), sau đó là số 7 - 9 phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm)[6] về ngoại thành Hà Nội, rất nhiều việc cần phải làm, để Trường ĐHSP Hà Nội có thể vận hành, triển khai các hoạt động dạy của thầy, học của trò, đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm của người Giám đốc. Từ năm 1956 đến năm 1967, Trường ĐHSP Hà Nội bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, với vị thế, đúng như lời của Phó Thủ tướng Trường Chinh về thăm Trường ngày 11/7/1960 đã nhấn mạnh: “Ngành sư phạm là công nghiệp nặng của ngành giáo dục. Riêng Trường ĐHSP là một bộ phận chủ chốt trong toàn bộ cái “máy cái” đó của ngành giáo dục”. Quá trình xây dựng Nhà trường trong hơn một thập kỉ đó đã mang đậm dấu ấn của Giám đốc Phạm Huy Thông, thể hiện trong những lĩnh vực tiêu biểu sau:

1.1 Trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh hay chậm của một trường đại học, dù ở bất kì quốc gia nào trên thế giới, thời nào cũng vậy. Cùng với sự phát triển về quy mô, loại hình đào tạo, số lượng giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội không ngừng tăng lên qua từng năm (từ 50 người trong năm học 1958 - 1959 lên gần 400 người trong năm học 1963 - 1964). Phần lớn cán bộ của Trường được bổ sung trong giai đoạn này là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp hàng năm, bên cạnh đó còn có một số trí thức từ nước ngoài về. Trong bối cảnh nền khoa học của nước nhà còn non trẻ, trình độ chuyên môn của giảng viên còn hạn chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Nhà trường được thực hiện theo phương châm bồi dưỡng trong nước là chủ yếu, song song với việc tranh thủ sự giúp đỡ của các giáo sư có uy tín, chuyên gia từ nước bạn. Từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, nhiều cán bộ của trường được bồi dưỡng theo Chương trình cấp I/Chương trình Sau đại học (tương đương bậc cao học hiện nay) và chương trình Trên đại học (chương trình nghiên cứu sinh, tương đương chương trình cấp II, đào tạo Phó Tiến sĩ/Tiến sĩ sau này) do Ủy ban Khoa học Nhà nước thí điểm. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Phạm Huy Thông, Nhà trường xây dựng chương trình hoàn thiện hệ đại học 4 năm dành riêng cho những sinh viên tốt nghiệp hệ 2 - 3 năm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, sau đó từng bước đào tạo, bồi dưỡng theo Chương trình cấp I. Chính chương trình bổ sung này đã tạo điều kiện hình thành một thế hệ giảng viên mới được đào tạo bài bản, là đội ngũ nòng cốt của Nhà trường trong nhiều thập kỉ sau đó. Không chỉ quan tâm đặc biệt đến đào tạo đội ngũ cán bộ, GS. Phạm Huy Thông còn chỉ đạo các khoa trong trường tổ chức biên soạn giáo trình cho hầu hết các môn học. Tại Khoa Lịch sử, Ông là người trực tiếp chủ trì, tổ chức, hướng dẫn biên soạn bộ giáo trình về lịch sử thế giới từ thời Cổ đại đến thời Hiện đại. Đây là bộ giáo trình lịch sử thế giới đầu tiên ở các trường đại học ở miền Bắc. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, bộ giáo trình này đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong giảng dạy và truyền bá lịch sử thế giới - một lĩnh vực chưa được chú trọng đúng mức trong tương quan với lịch sử dân tộc.

1.2 Trong phong trào thi đua “Hai tốt”

          Từ đầu năm 1961, phong trào thi đua “Hai tốt” - dạy thật tốt, học thật tốt - bắt đầu diễn ra sôi nổi trên toàn miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc và Giám đốc Phạm Huy Thông, cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội cùng nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu để hình thành phương pháp dạy và học phù hợp, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Từ năm học 1962 - 1963, cuộc vận động “Xây dựng phong cách dạy học mới” từng bước được phổ biến từ Khoa Ngoại ngữ và Khoa Toán, rồi nhanh chóng lan rộng ra toàn trường. Năm 1963, Hội nghị Phương pháp dạy học mới của Trường ĐHSP Hà Nội đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều trường bạn. Chính từ hội nghị này và cuộc vận động “Xây dựng phong cách dạy học mới” của Nhà trường đã khơi nguồn cho phong trào “Xây dựng phong cách giảng dạy mới, học tập mới” của các trường đại học trên toàn miền Bắc trong những năm sau đó. Vấn đề trung tâm của việc xây dựng phong cách học tập mới là phát huy tinh thần “Độc lập suy nghĩ” trong quá trình nghe giảng trên lớp, tự học, tự nghiên cứu của nhiều sinh viên, tạo sự chuyển biến về tinh thần, thái độ và phương pháp học tập của họ. Gắn liền với phong trào xây dựng phong cách học tập mới là việc thực hiện phương châm “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Việc thực hiện phương châm này tại Trường ĐHSP Hà Nội là tiền đề đổi mới phương pháp học tập ở nhiều trường đại học khác tại Hà Nội khi đó.

1.3. Trong việc thực hiện nguyên lí “Học đi đôi với hành”, “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”

          Quán triệt nguyên lí giáo dục, thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông là đào tạo lớp người lao động mới phát triển toàn diện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Phạm Huy Thông, trong những năm 1956 - 1960, nhiều xưởng lao động của Trường ĐHSP Hà Nội đã hình thành, thu hút đông đảo sinh viên đến thực hành, sản xuất. Quy mô của các xưởng ngày càng mở rộng, đến năm 1961 - 1962, toàn Trường đã có 50 gian xưởng. Sau khi hệ thống xưởng lao động, vườn trường hình thành, hoạt động học tập gắn liền với sản xuất được hình thành thường xuyên theo kế hoạch đào tạo của Nhà trường. Trung bình hằng năm, mỗi sinh viên của Trường đã tham gia 30 buổi lao động tại các xưởng và vườn trường với những công việc gắn liền với chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo (sinh viên ở xưởng thạch cao làm các mô hình phục vụ cho môn sinh học, hóa học; sinh viên xưởng cơ khí học tập và sản xuất các loại đồ dùng dạy học như cặp nhiệt độ, thước, bảng, sinh viên lao động ở vườn trường học tập và chăm sóc các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả…). Trung bình mỗi năm, các xưởng lao động của Trường ĐHSP Hà Nội sản xuất được trên một trăm loại mặt hàng và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, vừa bán ra ngoài cho Bộ Giáo dục và các cơ quan, đơn vị trong ngành Giáo dục, vừa góp phần cải thiện đời sống hàng ngày của cán bộ, sinh viên. Trong thời gian này, Trường ĐHSP Hà Nội còn tổ chức trại sản xuất và chăn nuôi tại Cốt Bài, thuộc Nông trường Cửu Long ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sinh viên đã trồng lúa, ngô, khoai, sắn, nuôi cá, lợn, bò… Mỗi năm, nông trại cũng mang lại cho Trường hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, góp phần rất lớn trong nỗ lực cải thiện đời sống của cả thầy và trò, nhân viên. Mô hình học tập gắn liền với sản xuất của Trường ĐHSP Hà Nội được rất nhiều cơ quan, đơn vị bạn đến thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

1.4 Trong phong trào văn nghệ, thể thao

Văn nghệ, thể thao là những lĩnh vực hoạt động đặc biệt sôi nổi của cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1958 - 1967, gắn liền với vai trò động viên, khích lệ của Giám đốc Phạm Huy Thông - một người yêu nghệ thuật - và vai trò tổ chức của Đoàn Thanh niên, Hiệu đoàn Sinh viên. Ban Văn nghệ của Trường với các đội hợp xướng, kịch, múa, chèo…, quy tụ nhiều thành viên có năng khiếu từ các đơn vị. Các đội trong Ban Văn nghệ đều có quy mô lớn, thường xuyên tập luyện với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, có chất lượng cao. Đội Hợp xướng của Trường ĐHSP Hà Nội có quy mô lớn nhất trong khối các trường đại học ở miền Bắc lúc đó, gồm 200 thành viên cùng 20 nhạc công. Ngoài việc tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ trong Trường, đội đã phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức thành công nhiều buổi biểu diễn có quy mô lớn tại Nhà hát Nhân dân, Nhà hát Lớn Hà Nội, câu lạc bộ Lao động Hà Nội... Nhiều ca khúc, bản nhạc nổi tiếng thời kỳ này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả Thủ đô như: Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (Tô Hải), Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc), Dòng sông Hắc Long Giang cuộn sóng (nhạc Nga)… Đội kịch nói đã dàn dựng, biểu diễn tại Trường, Nhà hát Nhân dân và câu lạc bộ Lao động những vở kịch xuất sắc như: “Bắc Sơn” (Nguyễn Huy Tưởng), “Rổ cá chim” (Huỳnh Chinh), “Ông Biết”, “Chân trời” (Thành Thế Thái Bình), “Tình bạn” (kịch Liên Xô)… Đội múa cũng biểu diễn thành công những tiết mục có tiếng vang như: “Khèn Mèo”, “Hái chè bắt bướm”, “Chàm rông”… tại nhiều sân khấu lớn ở Hà Nội. Ngoài việc biểu diễn phục vụ cán bộ, sinh viên, chiến sĩ và đồng bào Thủ đô trong những ngày lễ lớn, Đội Văn nghệ của Trường còn đi phục vụ công nhân ở Nông trường Cửu Long ở Hòa Bình, Mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, Cửa Ông, Cẩm Phả, Cọc 6 tại Quảng Ninh và nhiều địa phương khác.

Trong giai đoạn này, Trường ĐHSP Hà Nội liên tục xếp vị trí đứng đầu, đoạt nhiều Huy chương Vàng trong các Hội diễn Văn nghệ của các trường đại học và hội diễn văn nghệ quần chúng. Nhiều bài hát, bài thơ của cán bộ, sinh viên trong Trường sáng tác được Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng. Đội Văn nghệ Trường cũng thường xuyên góp mặt cùng các đơn vị bạn trong Dạ hội Thanh niên Thủ đô hằng năm tổ chức ở vườn Bách Thảo, tham gia biểu diễn các tiết mục có quy mô lớn, có chất lượng nghệ thuật cao, trước sự theo dõi của hàng vạn khán giả, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế. Từ phong trào văn nghệ sôi nổi ở thời kì này đã góp phần làm xuất hiện những gương mặt sinh viên tài hoa, về sau trở thành những văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Lâm Quang Ngọc, Ma Văn Kháng, Phó Đức Phương, Dương Thụ…

Phong trào luyện tập thể dục, thể thao với các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… của cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội được phát động và duy trì sôi nổi thường xuyên. Theo quy định của Trường, từ 5 giờ sáng hàng ngày và sau giờ học buổi chiều, tất cả sinh viên phải ra sân trước nhà ở hoặt Sân vận động tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể. Đội tuyển sinh viên của Trường đã tham gia thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ và các môn điền kinh với nhiều trường bạn và đại sứ quán các nước trên địa bàn Hà Nội. Từ năm 1958 đến năm 1967, Trường ĐHSP Hà Nội liên tục đạt giải cao nhất trong các hội thi Thể thao sinh viên Thủ đô. Trường được coi là lá cờ đầu trong phong trào thể dục, thể thao của các trường đại học ở miền Bắc, được Bộ Giáo dục, Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Thể dục Thể thao tiên tiến của ngành Giáo dục.

1.5 Khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”

Từ năm 1964, trong tình hình mới của đất nước, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đặt lên hàng đầu và trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Trước những diễn biến mới, từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, đặc biệt là từ Khoa Văn, Ban Chấp hành Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kì” với ba nội dung cơ bản, trong đó, nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp[7]. Phong trào “Tam bất kì” sau đổi thành “Ba bất kì” rồi “Ba sẵn sàng” và được triển khai sâu rộng ở các cơ sở Đoàn các khoa, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà trường ủng hộ, hoan nghênh. Thành công và ý nghĩa thiết thực của phong trào “Ba sẵn sàng” tại Trường ĐHSP Hà Nội đã được Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội đánh giá cao.

Trong quá trình theo dõi công tác Đoàn ở các đơn vị cơ sở, nhận thức được tính kịp thời, sức lôi cuốn và triển vọng to lớn của phong trào “Ba sẵn sàng”, tháng 6 năm 1964, Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức một cuộc khảo sát về nội dung, hình thức tổ chức của phong trào này tại Trường ĐHSP Hà Nội. Tại buổi làm việc, với sự có mặt của Bí thư Đảng ủy Đỗ Đức Uyên, Giám đốc Phạm Huy Thông - người đang nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Ban Thường vụ Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng”. Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội đã ghi nhận, đánh giá cao phong trào này. Đến tối ngày 07/8/1964, hai ngày sau khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tiến công quy mô lớn đầu tiên vào miền Bắc, Ban Thường vụ Thành Hà Nội đã họp phiên bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung:

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm;

Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang;

Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kì việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Ngay khi phát động, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lôi cuốn hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia, trở thành cuộc vận động rộng lớn nhất, sôi nổi nhất, hào hùng nhất trong lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Thanh niên Việt Nam.

2. Sau hơn một thập kỉ xây dựng và phát triển (1956 - 1967), Trường ĐHSP Hà Nội đã có sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trường đại học lớn nhất và kiểu mẫu nhất trong số các trường đại học ở miền Bắc. Trong giai đoạn này, dù điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song Trường ĐHSP Hà Nội lại là nơi được rất nhiều cơ quan, đơn vị bạn, đoàn khách quốc tế và các đoàn đại biểu miền Nam đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên… đến thăm thường xuyên và làm việc với cán bộ, sinh viên Nhà trường. Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên, trong đó có sự kiện ngày 21/10/1964, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường cùng ngài Modibo Keita - Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Mali. Sau khi nêu lên những thành tựu, ưu điểm, cùng một số hạn chế còn tồn tại của Nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thực sự, giữa thầy và thầy, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể Nhà trường cần phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết thật sự một trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng… Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn đấu thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm, mà còn là trường mô phạm của cả nước”[8].

Nhà nước cũng ghi nhận và đánh giá cao đối với quá trình phấn đấu và cống hiến của Trường ĐHSP Hà Nội. Năm 1960, Trường là đơn vị đầu tiên trong khối các trường đại học được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1962, tại Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II, Trường được công nhận là 1 trong 25 đơn vị thi đua xuất sắc nhất của cả nước, đồng thời là Đơn vị Tiên tiến xuất sắc nhất trong các trường đại học ở miền Bắc, là trường đại học đầu tiên trong cả nước được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1965, Trường được Bộ Giáo dục tặng Cờ thưởng dành cho Đơn vị thi đua xuất sắc nhất ngành Giáo dục trong việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965).

Những thành tựu, cống hiến của Trường ĐHSP Hà Nội cho ngành Giáo dục Việt Nam nói riêng, sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung từ năm 1956 đến năm 1967 gắn liền với vai trò của lãnh đạo Nhà trường, mà tiêu biểu là GS. Phạm Huy Thông - người thầy lớn, người bạn lớn của nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên, công nhân viên Nhà trường. Trên cương vị Giám đốc, Phạm Huy Thông là người trực tiếp lãnh đạo Nhà trường về mọi mặt công tác, đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức và lãnh đạo Nhà trường trên các lĩnh vực quan trọng như: đào tạo, xây dựng và bồi dưỡng cán bộ, đối ngoại, cải thiện đời sống, phát triển phong trào thanh niên, sinh viên. Từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX, do kiêm nhiệm nhiều cương vị khác, thời gian dành cho công việc của Nhà trường không còn nhiều, song GS. Phạm Huy Thông vẫn được coi là thủ lĩnh tinh thần, là nhạc trưởng của Trường ĐHSP Hà Nội, trong một giai đoạn mà nhiều thế hệ sau này đã coi là hoàng kim trong quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006, Lịch sử Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1995, 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 - 1995), NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Hiến Chương, 2012, Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1951 - 2011), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 14 (1963 - 1965), 2011, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả, 2001, Đại học Sư phạm Hà Nội một nửa thế kỉ, Nhà in Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

6. Văn Tùng và các tác giả, 2000, Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Thanh niên Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội.

7. Đào Tố Uyên và các tác giả, 60 năm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1951 - 2011, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

PGS.TS. Đào Tuấn Thành

 


Source: 
05-10-2021
Tags