HIỆU TRƯỞNG NGUYỄN CẢNH TOÀN

GIÁO SƯ NGUYỄN CẢNH TOÀN – NGƯỜI THẦY MẪU MỰC

CỦA NHIỀU THẾ HỆ HỌC TRÒ

Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Cảnh Toàn là một nhà toán học tài năng của đất nước. Ông còn là một nhà sư phạm lớn, một nhà quản lý giáo dục đầy tâm huyết. Ông nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên là Thứ trưởng BGD&ĐT, nguyên là Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng biên tập báo Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm.

         Sau giải phóng Thủ đô (1954), các trường Đại học của Việt Nam mới được thành lập. Dư luận chung cho rằng, trong tình hình đó, chưa thể tiến hành nghiên cứu khoa học được vì thiếu đủ mọi thứ: người hướng dẫn, trình độ, thông tin, thiết bị. Có người bảo: “Dạy chưa nên nói chi nghiên cứu khoa học”. Riêng ông, ông không nghĩ như vậy. Với phong cách học tập thông minh, sáng tạo ngay từ lúc còn học phổ thông và khi làm công tác giảng dạy, ông đã tự đề xuất và hoàn thành đề tài nghiên cứu “Về các đường và mặt bậc hai trong hình học elliptic”. Ông lặng lẽ làm, không ai biết ngoài Giáo sư Lê Văn Thiêm lúc đó là Chủ nhiệm khoa Toán - Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuối năm 1956, ông trình bày công trình này trước Khoa. Lúc đó chưa ai đánh giá được hết giá trị của nó, bản thân ông cũng không biết những điều mình tìm ra có thật sự là mới đối với thế giới không vì thiếu thông tin. Năm sau, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm thực tập sinh. Giáo sư hướng dẫn, sau hai tháng đọc công trình của ông khẳng định nó xứng đáng là một luận án phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ). Ông đã bảo vệ thành công luận án vào ngày 24/6/1958 tại trường ĐHTH Moscow. Đó là luận án tiến sĩ đầu tiên của người Việt Nam được nghiên cứu ở trong nước và bảo vệ ở Liên Xô. Những khám phá của ông trong công trình đầu tay này về sau đã mở đường cho sự ra đời của một phương pháp rất độc đáo trong nghiên cứu các phép đối hợp toàn phương.

          Những năm sau đó ông đã phát hiện ra Lý thuyết đối hợp bộ n. Luận án tiến sĩ khoa học “Lý thuyết đối hợp bộ n” đã được ông hoàn thành ở trong nước và bảo vệ thành công ở Liên Xô ngày 28/6/1963.

          Không gian mà ông xây dựng nên trong luận án tiến sĩ khoa học còn có vẻ đẹp riêng mà ông nhận thấy ngày càng rõ khi ông nghiên cứu sâu thêm về nó. Ông tin rằng lớp không gian đó chỉ là ví dụ đầu tiên của một lớp không gian rộng lớn với một lý thuyết tổng quát. Từ nhận xét rằng nếu cắt không gian n chiều mới đó bằng mặt phẳng m chiều (m<n) thì lại được một không gian m chiều tương tự, ông đã cắt không gian mới đó bằng nhiều mặt phẳng cụ thể khác nhau để có được nhiều ví dụ cụ thể về lớp không gian mới, hy vọng từ nhiều ví dụ như vậy có thể quy nạp lên lý thuyết tổng quát. Sau sáu năm lao động vất vả, đến năm 1969 ông đã thành công. Ông gọi hình học của lớp không gian mới đó là Hình học siêu phi Euclide. Kết quả này đã được ông thông báo tại Hội nghị Toán học quốc tế tại Nice (Pháp) năm 1970.

         Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là một trong số những nhà toán học đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa (và có lẽ cũng là một trong số ít các nhà toán học mang quốc tịch Việt Nam nghiên cứu toán học thuần túy) trước năm 1960. Lĩnh vực nghiên cứu toán học chủ yếu của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là Hình học vi phân cổ điển và Hình học phi Euclide. Những ý tưởng chính và kết quả chính của ông được hình thành, phát triển và công bố trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1969.

          Vào thập kỷ 50 và những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu Hình học vi phân ở Liên Xô (cũ) tập trung nhiều vào việc nghiên cứu Hình học vi phân cổ điển, đặc biệt là Hình học được xem xét dưới góc độ Hình học của các nhóm biến đổi. Việc nghiên cứu sâu rộng Hình học phi Euclide đã được tiến hành trong khuynh hướng chung đó. Trong xu thế này, những kết quả của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là rất mới, sâu sắc và đạt trình độ khoa học rất cao. Những kết quả đó đã đủ để hình thành ra một “nhánh con mới” trong hướng nghiên cứu này. Và nếu như những kết quả đó được đẩy mạnh thực sự lên nữa bởi những nghiên cứu tiếp theo của nhiều nhà toán học khác, nhất là những nhà toán học trẻ, thì có thể thấy được rằng những kết quả đó sẽ phát triển được thành một nhánh mới trong hướng nghiên cứu này.

         Có thể nói cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là một minh họa sinh động cho chân lý: Dạy học ở đại học phải gắn liền với nghiên cứu khoa học và sự danh giá của một trường đại học không phụ thuộc vào quy mô to nhỏ mà phụ thuộc vào uy tín của đội ngũ giáo sư, của những nhà khoa học đầu đàn của nó.

          Sau giải phóng Thủ đô (1954), nhiều trường cấp ba (nay là trường THPT) của miền Bắc mới được thành lập. Tuy nhiên, đất nước vẫn còn bị chia cắt, miền Bắc vừa xây dựng sản xuất, vừa động viên sức người sức của chi viện cho miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ năm 1964, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ cũng đã gây ra muôn vàn khó khăn cho chúng ta.

          Trong bối cảnh như thế, dư luận chung cho rằng, chưa thể tiến hành bồi dưỡng học sinh giỏi Toán được vì thiếu đủ mọi thứ: thiếu thầy có trình độ, thiếu thông tin, thiết bị. Riêng ông, ông không nghĩ như vậy. Từ năm 1962, ông cùng với các nhà Toán học hàng đầu của đất nước khi đó như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tụy… đã khởi xướng các kì thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc dành cho học sinh cấp ba và sau đó mở rộng dần ra cho học sinh cấp hai và cấp một. Biết bao thế hệ học sinh giỏi Toán đã trưởng thành từ những kì thi học sinh giỏi đó và quan trọng hơn cả, những kì thi học sinh giỏi như vậy đã góp phần tạo ra những nhà toán học tài năng cho đất nước như Giáo sư Hà Huy Khoái, Giáo sư Nguyễn Tự Cường, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giáo sư Ngô Việt Trung, Giáo sư Đinh Dũng, Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng, Giáo sư Phạm Hữu Tiệp, Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đinh Tiến Cường… Chúng tôi xin trích lại lời Giáo sư Ngô Việt Trung, giải Nhất kì thi học sinh giỏi toán lớp 10 toàn miền Bắc năm 1969: “Nhiều năm sau này, khi tôi đã có bằng tiến sĩ khoa học và đã là phó giáo sư, rồi giáo sư, vẫn có nhiều người nói “Ông này giỏi lắm vì đã thi đoạt giải Nhất thi học sinh giỏi toán miền Bắc” chứ không phải vì các thành tựu nghiên cứu toán” [3]. Những bậc “khai quốc công thần” của nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có ông, với tầm nhìn xa trông rộng, đã đặt nền móng cho nền Toán học và Giáo dục Toán học Việt Nam ngày nay như thế đấy!

         Năm 1964, ông cùng với các nhà Toán học hàng đầu của Hội Toán học Việt Nam thành lập Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Ông là Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm và đã dành tâm sức viết nhiều bài hay cho tạp chí. Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, trong đó có ông, đã có công lao to lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng toán học trẻ của đất nước, tạo ra niềm say mê học toán trong học sinh cả nước. Có thể nói, báo Toán học và Tuổi trẻ là người bạn đồng hành thân thiết của những thế hệ học sinh cấp ba trước năm 1985. Các bạn trẻ bây giờ chắc không thể hiểu được, thế hệ chúng tôi hồi đó hầu như không có tài liệu gì để đọc thêm ngoài báo Toán học và Tuổi trẻ, thậm chí đề thi học sinh giỏi Toán những năm trước cũng không biết tìm ở đâu. Giáo sư Ngô Việt Trung đã kể lại: “Cuối năm học, tôi được cử đi thi học sinh giỏi toán lớp 10 toàn miền Bắc năm 1969. Cuộc thi được tổ chức tại trường Quang Trung ở Hà Nội. Tôi còn nhớ cuối buổi có một cậu bé đứng ngoài ghi lại đề thi. Hỏi ra thì mới biết cậu bé này tên là Đỗ Bá Khang, vừa thi học sinh giỏi lớp 7 xong. Sau này, Đỗ Bá Khang đoạt giải nhất học sinh giỏi toán lớp 10 toàn miền Bắc năm 1972… Hội đồng thi năm đó cho 1 giải nhất, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Tôi bị trừ một số điểm nhưng vẫn đủ điểm cho giải nhất… Bài thi của tôi được thầy Nguyễn Cảnh Toàn đăng lại và phân tích trong báo Toán học và Tuổi trẻ sau đó” [3].

          Bên cạnh làm báo Toán học và Tuổi trẻ, ông còn viết nhiều sách cho các thầy cô dạy toán ở phổ thông và cả cho học sinh phổ thông. Cuốn sách “Phong cách học tập mới trong môn Toán” của ông đã gần như là sách gối đầu giường của nhiều giáo viên và học sinh thập niên 60, 70 của thế kỉ trước.

          Suy ngẫm lại, những CON NGƯỜI như ông là những người yêu nước, thiết tha với nhân dân nghèo khó, đã đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước, đã làm tròn trách nhiệm xã hội và đạo đức khoa học của nhà khoa học.

          Đối với chúng tôi, những thế hệ hậu sinh, những tên tuổi như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn - những “khai quốc công thần” của nền giáo dục đại học Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mãi mãi là những tượng đài trong trí não. Các Thầy đã để lại cho chúng tôi những bài học vô giá. Đó là lòng say mê nghiên cứu khoa học, là ước mơ hoài bão vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, là khát vọng xây dựng một nền toán học Việt Nam một nền giáo dục Việt Nam xứng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.

          Thế hệ chúng tôi bây giờ có thể thành đạt hơn các Thầy trong khoa học, có những người có được những công trình được cả giới toán học ghi nhận (mà Giải thưởng Fields của Giáo sư Ngô Bảo Châu năm 2010 mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam), có những người đã là Giáo sư của những trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng chúng tôi đã được các Thầy “còng lưng xuống cõng chúng tôi lên”. Bằng chính cuộc đời mình, các Thầy đã dạy cho chúng tôi hiểu rằng, đến lượt mình chúng tôi và rồi nhiều thế hệ sau này nữa vẫn phải cố hết sức “còng lưng xuống cõng nhau lên” vì một khát vọng có được một nền toán học Việt Nam, một nền giáo dục Việt Nam ngang tầm thế giới.

 

Tài liệu trích dẫn

1. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn - người Thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò, báo Tuổi trẻ số 35/2017, ngày Chủ Nhật 12/2/2017.

2. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn - người Thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò, Hội Toán Học Việt Nam, THÔNG TIN TOÁN HỌC, tháng 3 năm 2017, Tập 21 Số 1, trang 5 -7.

3. Chuyện cổ tích về học sinh giỏi toán thời chống Mỹ, ngày Thứ Hai 16/02/2015, http://news.zing.vn/chuyen-co-tich-ve-hoc-sinh-gioi-toan-thoi-chong-my-post513679.html

GS.TSKH. Đỗ Đức Thái

                                          Trưởng Khoa Toán - Tin trường ĐHSP Hà Nội

 


Source: 
05-10-2021
Tags