HIỆU TRƯỞNG DƯƠNG TRỌNG BÁI (1975 – 1980)

GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN,

ANH HÙNG LAO ĐỘNG DƯƠNG TRỌNG BÁI

Quả thật là tôi chưa bao giờ có dịp và có ý định tìm hiểu một cách đầy đủ về gia đình và tiểu sử của Giáo sư Dương Trọng Bái. Những điều tôi biết về gia đình giáo sư đều là những chuyện lẻ tẻ và gần như có tính chất ngẫu nhiên. Qua những ngày chăm sóc mẹ tôi ở A9, Bệnh viện Bạch Mai, tôi có dịp làm quen với Giáo sư  Vũ Văn Đính, Chủ nhiệm khoa, Anh hùng Lao động của ngành Y tế. Nhà tôi dạy ở Đại học Y Hà Nội thường đến Bệnh viện C lấy bệnh phẩm, nhờ đó, tôi được biết ít nhiều về Giáo sư  Dương Thị Cương, Giám đốc bệnh viện, em gái của Giáo sư  Dương Trọng Bái, vợ của Giáo sư  Đính. Bà chị của tôi công tác lâu năm ở Trung ương Hội Phụ nữ một đôi lần kể cho tôi nghe về bản lĩnh và năng lực của một người em gái khác của giáo sư là chị Dương Thị Duyên, nguyên Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội. Rồi qua trò chuyện với Giáo sư  Đặng Thanh Lê, tôi mới biết Giáo sư   Lê Thi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, người phụ nữ đã kéo lá cờ đỏ sao vàng trong ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tên thật là Dương Thị Thoa, là em gái cận kề của giáo sư. Gần đây, tôi lại được biết giáo sư còn có một người anh là Dương Bá Bành, bác sĩ phẫu thuật giỏi, không may bị tai nạn giao thông rồi qua đời tại Pháp, một người em trai là Dương Đại Hồng, giáo viên THPT lâu năm và người em út là Dương Tự Minh, từng là Giám đốc Khách sạn Hà Nội.

Về phụ thân của Giáo sư, Nhà giáo, Liệt sĩ Dương Quảng Hàm, tôi đã biết tiếng từ lâu qua cuốn Việt Nam văn học sử yếu viết trước Cách mạng Tháng Tám, một công trình khoa học cơ bản và khoa học giáo dục nổi tiếng, công trình đặt nền móng cho bộ môn Văn học sử ở Việt Nam, một tư liệu tham khảo quý báu đối với thế hệ chúng tôi khi còn học đại học cũng như mãi về sau này. Chương trình Ngữ văn cấp THCS vừa ban bố có một số điểm mới nhưng như nhiều lần chúng tôi đã có dịp phân tích, những điểm mới đó không phải là bê nguyên xi từ nước ngoài vào mà là sự kế tục, phát triển một cách hợp lí những truyền thống tốt đẹp của nền giáo dục Việt Nam, của chương trình và SGK Việt Nam, trong đó nổi bật lên là cuốn SGK Văn học của Dương Quảng Hàm.

Chị Lê Thi cho biết, Giáo sư  Bái thường xuyên nhắc nhở các em “tôn trọng truyền thống của gia đình, danh dự của dòng họ”. Phải chăng ý thức về truyền thống yêu nước, hiếu học của gia đình, về danh dự của dòng họ Dương ở Khoái Châu - Hưng Yên, những vẻ đẹp tâm hồn ấy đã tạo nên động lực mạnh mẽ, trong sáng cho mọi hành động của Giáo sư  Dương Trọng Bái và của cả đàn em, và, những đóng góp của cả gia đình Giáo sư lại làm cho truyền thống ấy ngày thêm rạng rỡ?

Mãi đến khoảng những năm 1956 - 1958, tôi mới biết đến tên của giáo sư qua một lần tham khảo vài điểm trong SGK Vật lí cấp 3. Lần đầu tôi được gặp giáo sư là vào năm 1968, khi tôi lên thỉnh giảng cho Khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Năm 1976, khi tôi được chuyển từ Đại học Sư phạm Vinh ra Đại học Sư phạm Hà Nội thì cũng là lúc Giáo sư  Dương Trọng Bái, đang đảm nhiệm trọng trách Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, được cử về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế là tôi đã trở thành “quân” của Giáo sư. Trong những năm ở trường, tôi ít có dịp trực tiếp làm việc với giáo sư, tuy nhiên, qua một vài lần tiếp xúc, qua những buổi sinh hoạt chung ở hội trường, tôi dần cảm nhận được tính cách của giáo sư, một con người giản dị, thẳng thắn, dễ gần, dễ mến. Bởi vậy, trong lúc hầu hết mọi người gọi giáo sư là Thầy thì tôi vẫn gọi là “Anh”, một cách gọi thân mật và thân thương mà tôi vẫn giữ cho đến tận bây giờ.

Sau khi Anh được điều lên công tác ở Bộ một số năm thì tôi cũng được điều về bổ sung cho lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục. Anh là Chủ tịch Hội đồng bộ môn Vật lí phổ thông, tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn, cùng ở trong một số hội đồng chuyên môn của Bộ họp hành với nhau luôn nên tôi ngày càng hiểu và mến Anh, ngày càng tìm ra nhiều điểm tương đồng giữa Anh và tôi. Tôi nhận thấy trong các cuộc họp, mỗi khi gặp vấn đề phức tạp gây nên nhiều tranh luận, hầu như bao giờ ý kiến của tôi cũng được Anh chia sẻ, và ngược lại. Nhiều bạn đồng nghiệp gần gũi nhận xét là Anh rất thẳng thắn, đôi khi quyết liệt nữa, nhưng không bao giờ cực đoan; trước những ý kiến trái ngược nhau trong tranh luận, nếu có Anh tham gia thì rốt cuộc thế nào cũng tìm ra được kết luận và giải pháp thoả đáng. Đây tuyệt không phải là một quan điểm chiết trung, một thái độ ba phải mà thể hiện một phẩm chất đạo đức, một bản lĩnh, một trình độ. Không phải ai cũng có thể có ý kiến đúng ngay từ đầu về những vấn đề mới mẻ, phức tạp. Xuất phát từ lợi ích chung, biết lắng nghe ý kiến của nhau, thông cảm những khó khăn của nhau, đặc biệt là có thiện chí tìm cho ra cái lí của nhau thì thế nào cũng có thể đi đến nhất trí, ít ra là về những điểm cơ bản.

Mến phục anh Bái đến dường ấy song thật tình mà nói, năm 2000, khi nghe tin Anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì Đổi mới, một mặt tôi hết sức vui mừng song mặt khác, lại không khỏi có cảm giác ngỡ ngàng, nếu không nói là có chút băn khoăn; hơn thế, tôi còn mạnh dạn đoán rằng chính Anh cũng có thể có cảm nghĩ tương tự. Với anh Bái, đó hẳn là sự khiêm nhường và chân thành rất mực. Với tôi, nay nhìn lại, đó lại là một thứ phản ứng xốc nổi, một kiểu tư duy theo lối mòn. Số là trong những năm làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, với sự cộng tác của các nhà báo, nhà văn Hàm Châu, Cẩm Bình, Hoàng Minh Tường..., tôi đã tổ chức một vài bản thảo viết về các thành tích nổi bật và phẩm chất đẹp đẽ của những anh hùng lao động trong ngành Giáo dục, từ người giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên miền núi, giáo viên ở bệnh viện phong cho đến một số giáo sư nổi tiếng ở các trường đại học trọng điểm. Ở Giáo sư Dương Trọng Bái, lúc đầu tôi chỉ mới mường tượng có điều gì khang khác các gương mặt đã được giới thiệu, song chưa thể nói nên lời. Phẩm chất đẹp đẽ của người anh hùng? Điều đó có lẽ khỏi phải bàn. Thế đâu là thành tích nổi bật? Chính sự quan tâm, một thoáng trăn trở ấy đã khiến tôi tìm đọc những bài viết về Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái đăng trên các báo Nhân dân, Giáo dục và Thời đại, Phụ nữ, Tạp chí Tài hoa trẻ... Qua những bài viết này, cộng với những hiểu biết đã có, tôi dần tự xác định được rằng Giáo sư là hiện thân của một loại hình anh hùng mới của ngành Giáo dục, rằng Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là rất xứng đáng. Nhà báo Kim Dung đã khái quát một cách thần tình, ngắn gọn đặc điểm của cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của Giáo sư Dương Trọng Bái như sau: “Số phận ông dường như luôn gắn với hai chữ đầu tiên”. Quả vậy. Trừ một năm học lớp chính trị cao cấp, mấy tháng đi công tác cải cách ruộng đất, mấy tháng tham gia đoàn tiếp quản Thủ đô, giáo sư luôn luôn được điều chuyển công tác, được giao nhiệm vụ mới, không phải chỉ là “vạn sự khởi đầu nan” mà bản thân mỗi công việc Nhà nước giao phó đều là những “sự” trọng đại, khó khăn, phức tạp. Điều đáng nói hơn là đối với mọi công việc được giao, giáo sư đều hoàn thành tốt, nếu không cũng đặt được cơ sở vững chắc cho người kế nhiệm hoàn thành. Trong các anh hùng của ngành Giáo dục, quả chưa ai có một quá trình công tác đặc biệt như Giáo sư  Dương Trọng Bái.

Với tư cách là một nhà khoa học vật lí, giáo sư là một trong ba người Việt Nam đầu tiên (cùng với Giáo sư  Nguyễn Đình Tứ và Giáo sư  Hoàng Phương) được cử sang nghiên cứu Vật lí hạt nhân ở Viện Đupna (Liên Xô trước đây) và tại đây, cũng là người đầu tiên của Việt Nam tham gia nghiên cứu bốn đề tài về Năng lượng phổ hạt nhân. Khi về nước, giáo sư là người đã tham gia nghiên cứu và xây dựng thành công Bảng đơn vị đo lường hợp pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Giáo sư cũng là người tham gia xây dựng bộ Thuật ngữ tiếng Việt đầu tiên cho môn Vật lí. Việc làm này gợi cho tôi nhớ tới đóng góp lớn lao của Hoàng Xuân Hãn đối với Toán học, của Phạm Khắc Quảng và Lê Khắc Thiền với Y học qua các cuốn từ điển Danh từ toán học và Danh từ y học công bố trước 1945. Cần nhớ là không phải trước 1945 mà mãi đến trước ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, ở bậc Đại học vùng tạm chiếm, mọi môn học đều phải dạy bằng tiếng Pháp. Phó Giáo sư Nguyễn Đức Thâm bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi được gặp thầy Dương Trọng Bái là một ngày mùa thu năm 1954... Lần đầu tiên, được nghe một giảng viên người Việt Nam, thầy Dương Trọng Bái còn rất trẻ, giảng bài vật lí ở trường đại học bằng tiếng Việt Nam, tôi xúc động đến trào nước mắt”. Thật ra trước đó ba năm, tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), Giáo sư cùng Giáo sư  Nguỵ Như Kontum là hai người đầu tiên đã dạy môn Vật lí bằng tiếng Việt ở bậc Đại học và riêng Giáo sư còn là người đầu tiên xây dựng phòng thí nghiệm cho môn Vật lí ở nước ta.

Giáo sư  Dương Trọng Bái cũng là một trong những người có công đầu đối với việc giảng dạy môn Vật lí ở phổ thông. Giáo sư là người đóng vai trò chính trong việc biên soạn bộ SGK Vật lí đầu tiên ở cấp PTTH; do có chất lượng tốt, bộ sách này đã được sử dụng suốt từ năm 1955 đến 1989. Từ 1992 tức từ năm giáo sư có quyết định nghỉ hưu cho đến năm 2004, giáo sư vẫn được Bộ tín nhiệm cử làm Chủ tịch Hội đồng bộ môn Vật lí phổ thông. Với cương vị này, giáo sư đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng của chương trình và SGK Vật lí. Giáo sư  Dương Trọng Bái cũng là người có đóng góp to lớn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Không kể việc làm Chủ biên bộ sách chuyên Lí đầu tiên của quốc gia, Giáo sư đã trực tiếp bồi dưỡng và tuyển chọn đội tuyển Vật lí đi thi quốc tế, đã liên tục 8 lần dẫn đoàn đi thi quốc tế, từ lần đầu tiên năm 1981 ở Bungari cho đến năm 1990 ở Hà Lan, ngay trước khi nghỉ hưu.

Trong các bài viết đăng trên các báo trong nước cũng như các tham luận, báo cáo đọc tại các hội nghị quốc tế, giáo sư đã nêu lên một cách nổi bật, chính xác vị trí của môn học Vật lí trong nhà trường cùng những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong việc giảng dạy môn Vật lí.

Giáo sư chỉ rõ: “Vật lí học là cơ sở của mọi kĩ thuật, từ đơn giản, thủ công, đến tinh vi, tự động. Nó cũng là cơ sở của nhiều khoa học. Hoá học hiện đại vận dụng các định luật của Vật lí lượng tử để giải thích các liên kết hoá học, tính tuần hoàn của các nguyên tố. Phần lớn các quá trình sinh học cơ bản đều rút về các quá trình lí hoá. Ở phạm vi vĩ mô và siêu vĩ mô, các quá trình địa lí địa chất, chuyển động của các hành tinh, thái dương hệ và cuối cùng là sự tiến hóa của cả vũ trụ cũng tuân theo các định luật vật lí (Thuyết vũ trụ dãn nở,...)... Vai trò của Vật lí học đối với việc phát triển của khoa học, kĩ thuật và công nghệ là không thể phủ nhận, và một nước muốn chuẩn bị người lao động, chân tay hay trí óc, cho việc kiến thiết đất nước, không thể coi nhẹ việc giảng dạy Vật lí ở trường phổ thông, nhất là ở bậc Trung học là bậc trực tiếp chuẩn bị cho thanh niên ra đời hoặc học lên”. Giáo sư còn có những kiến giải sắc sảo, đích đáng về quan hệ giữa môn Vật lí và một số môn khoa học xã hội, đặc biệt là Triết học, về vai trò giáo dục nhân văn của môn Vật lí.

Giáo sư cho rằng “Vật lí là môn học thực nghiệm nên thực hành có tầm quan trọng đặc biệt”. Qua thực hành, có thể bồi dưỡng và rèn luyện cho học sinh rất nhiều khả năng và đức tính, đặc biệt có thể “rèn luyện cho học sinh một số yếu tố của tư duy vật lí”. Theo Giáo sư, trước hết “đó là hiểu biết về cỡ lớn thực tế của các đại lượng vật lí và độ chính xác của các phép đo. Một học sinh giỏi Vật lí không thể trả lời trong báo cáo thí nghiệm rằng chiết suất của thủy tinh là 5,3 (điều này tương tự như nói vận tốc của người đi xe đạp là 530km/giờ) hoặc chiết suất của thuỷ tinh là 1,52754 (cỡ lớn đúng, nhưng với dụng cụ của phòng thí nghiệm trường phổ thông thì độ chính xác cao nhất cũng chỉ tới 1/100, ba chữ số cuối cùng là vô nghĩa)”…

Căn cứ vào tình hình nước ta, giáo sư đã thử đề xuất một lộ trình thực hiện phương hướng tích hợp cho các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học. Giáo sư còn cho rằng phương hướng tích hợp cũng “rất thuận lợi cho việc giáo dục nhân văn vì ngoài lĩnh vực chuyên môn của từng người ra thì các vấn đề mà con người phải giải quyết đều là những vấn đề tổng hợp: trong việc ăn ở, đi lại, giữ gìn sức khỏe v.v... có các khía cạnh của cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học nhân văn”.

Là một người có trách nhiệm quản lí chung về giáo dục, giáo sư không chỉ quan tâm những vấn đề của riêng môn Vật lí.

Trong những vấn đề chung đó, giáo sư đặc biệt quan tâm đến SGK. … giáo sư đã nêu lên hiện tượng quá tải, khuynh hướng nặng về lí thuyết, đã nhấn mạnh “quan điểm thiết thực”, đã đề xuất chủ trương ra những bài tập trắc nghiệm... Về câu hỏi “nên có mấy bộ SGK cho một chương trình”, giáo sư đã trả lời rất rõ ràng và dứt khoát: “Xin nói ngay ý kiến của tôi là cùng một chương trình có thể và nên có nhiều bộ SGK khác nhau. Đây là việc bình thường ở nhiều nước tiên tiến. Chỉ có chương trình do Bộ Giáo dục ban hành là cái chuẩn chính thức của học vấn mà Nhà nước yêu cầu nhà trường truyền đạt, căn cứ vào chuẩn đó mà tổ chức thi cử, cấp bằng”…

Về vấn đề phân ban, vấn đề trường chuyên lớp chọn, vấn đề bồi dưỡng và tổ chức thi học sinh giỏi..., đã từng xuất hiện những ý kiến khác nhau, song nay đọc lại những bài viết của giáo sư, ta luôn bắt gặp những quan điểm, ý kiến đúng đắn, cho đến nay vẫn còn ý nghĩa cập nhật. Theo giáo sư, những việc làm nói trên chỉ là những hình thức phân hoá trong giáo dục, cần tuỳ theo tình hình từng nơi từng lúc để vận dụng cho phù hợp. Giáo sư quan niệm rằng chính sách giáo dục trước hết phải “bảo đảm quyền bình đẳng trong học tập cho mọi người”, “nhưng mặt khác, rõ ràng là trong học tập không phải tất cả các trẻ em đều có khả năng như nhau”, “Trong một lớp bao giờ cũng có những em học giỏi và những em học yếu. Đặc biệt có một số nhỏ các em có năng khiếu về một môn nào đó... Nếu cứ để các em này học như các học sinh bình thường thì sự tiến bộ của các em sẽ bị hạn chế vì tốc độ chung của cả lớp. Cần có những biện pháp để bồi dưỡng cho các em có năng khiếu, tạo điều kiện cho các em tiến bộ nhanh, phát huy hết tiềm năng của mình”…Giáo sư đã đề xuất chủ trương dành 10% quỹ thời gian để dạy những nội dung “phản ánh các đặc điểm riêng của mỗi địa phương”, chủ trương tổ chức một số giờ học tự nguyện về một số môn, “những em yêu thích môn gì có thể dự các giờ tự nguyện về môn đó”. Rõ ràng quan điểm của giáo sư về việc bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh có năng khiếu là hoàn toàn xa lạ với cái gọi là “chủ nghĩa tinh hoa” (elitisme) chỉ quan tâm đến và làm lợi cho một thiểu số ưu tú nhất, bất chấp những thiệt thòi của các thành viên khác. Theo giáo sư, tổ chức thi học sinh giỏi không phải là hình thức để luyện và chọn gà nòi mà là “biện pháp để phát hiện tài năng trẻ và kích thích phong trào học tập”. Bởi vậy, “phải cố gắng lôi cuốn càng nhiều học sinh tham gia các cuộc thi này càng tốt”, tinh thần cuộc thi này phải “giống như tinh thần các đại hội Olympiad thể dục thể thao: thi đua hữu nghị, có người thắng nhưng không có người thua, có người được giải nhưng tất cả những người tham dự đều đáng khen”.

Đóng góp lớn nhất của Giáo sư Dương Trọng Bái đối với sự nghiệp giáo dục là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Trong những lớp sinh viên vật lí đầu tiên, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học và nhà giáo nổi tiếng như Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Thanh Khiết, Phạm Quý Tư, Vũ Quang, Nguyễn Đức Thâm... Với những cương vị: Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Vật lí Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm của miền núi đầu tiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường đầu tiên được chính thức giao nhiệm vụ xây dựng thành trường đại học sư phạm trọng điểm, phạm vi tác động và ảnh hưởng của giáo sư ngày càng rộng lớn. Tuy nhiên, phải đến năm 1980, khi giáo sư được điều lên làm Trưởng ban Nghiên cứu cải cách Sư phạm thì những suy nghĩ, nung nấu trong gần hai chục năm làm công tác quản lí ở các trường sư phạm mới được tổng kết, nâng dần lên thành những ý đồ có tính chiến lược, từ đó lần lượt hình thành những văn bản có tính chất pháp quy được ban bố trong cả nước. Rất tiếc là trong cuốn sách này vắng mặt những văn bản như thế do chính giáo sư chủ biên hoặc làm chủ nhiệm đề tài. Văn bản đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là Tờ trình về công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục đã được Hội đồng chính phủ ra quyết định chấp nhận ngày 24/9/1981. Quan trọng vì đó là cơ sở pháp lí để tiến hành cải cách ở tất cả mọi khâu khác, trước hết là CCSP theo yêu cầu của CCGD phổ thông và giáo dục mầm non. Văn bản có ý nghĩa thứ hai là bộ Chương trình Cao đẳng Sư phạm được ban hành năm 1988. Điểm mới mẻ ở bộ chương trình này là phương thức đào tạo linh hoạt theo yêu cầu sử dụng với hai loại chuyên môn diện hẹp và diện rộng, là hướng đào tạo theo hình thức học phần và chứng chỉ.

Giáo sư luôn tâm niệm rằng “muốn nâng cao số lượng và nhất là chất lượng giáo dục, phải có chiến lược đúng đắn xây dựng đội ngũ giáo viên” ; “Xây dựng đội ngũ giáo viên bao gồm sử dụng, bồi dưỡng và đào tạo giáo viên, chứ không phải chỉ là đào tạo” và “trong ba mặt này thì sử dụng quyết định bồi dưỡng và đào tạo”. Từ quan điểm thực tiễn ấy, Giáo sư đã đề xuất nhiều chủ trương có ý nghĩa khác như chủ trương “vẫn phải giải quyết vấn đề số lượng” bên cạnh “mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng”, đặc biệt đối với “các vùng giáo dục chậm phát triển” và đối với một số môn còn thiếu giáo viên; chủ trương “sử dụng giáo viên theo chiều sâu, nghĩa là khai thác tiềm năng sẵn có của đội ngũ”; chủ trương “địa phương hoá giáo viên kết hợp với chi viện”... Chủ trương, biện pháp đúng chưa đủ mà còn phải có điều kiện. Giáo sư cho rằng: “bất kì chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên nào cũng sẽ ít hiệu quả nếu vị trí xã hội của người giáo viên không được nâng cao, đời sống của họ không được cải thiện”. Một điều kiện quan trọng khác nữa được giáo sư lưu ý là “chất lượng tuyển sinh” ở các trường sư phạm.

Nghĩ về sự nghiệp của Giáo sư Dương Trọng Bái, không hiểu sao tôi cứ nhớ tới một câu nói của N. Hawthorne (1804 - 1864), nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng người Mĩ: “Một vị anh hùng chỉ có thể là một anh hùng trong một thế giới anh hùng”. Ngành Giáo dục hiện đang còn nhiều tồn tại lớn và đứng trước những thử thách khắc nghiệt song không vì thế mà có thể phủ nhận những thành tích và đóng góp lớn lao của nó đối với sự nghiệp cách mạng trong hơn nửa thế kỉ qua. Danh hiệu cao quý mà giáo sư được đón nhận là vinh dự chung của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam mà giáo sư là người đại diện. Đúng như tiến sĩ Nguyễn Như Ất nhận định, “Ở trường hợp Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái có thể nói là sự hội tụ cả lịch sử, truyền thống giáo dục Việt Nam bởi lẽ thầy đã đảm nhiệm gần như mọi lĩnh vực, mọi cương vị công tác trong ngành Giáo dục suốt chiều dài lịch sử của ngành từ ngày thành lập Nước tới nay”.

Gương mặt mọi anh hùng đều đẹp song mỗi gương mặt có dáng vẻ riêng; phẩm chất mọi anh hùng đều có sức cảm hoá, chinh phục song kiểu cảm hoá, chinh phục ở mỗi người một khác. Giáo sư không thích nói về mình, cũng không muốn ai nói về mình. Chính phẩm chất cao quý đó đã tác động một cách sâu sắc tới các bạn đồng nghiệp, đến các thế hệ học trò. Thánh thơ Đỗ Phủ từng viết hai câu thơ rất hay tả cảnh mưa đêm xuân: Tuỳ phong tiềm nhập dạ, Nhuận vật tế vô thanh (Theo gió kín đáo về trong đêm, Từng giọt nhỏ âm thầm thấm vào muôn vật). Đỗ Phủ (712 - 770) không thể ngờ rằng hơn một nghìn hai trăm năm sau, ở Trung Quốc, hai câu thơ đó đã được nâng lên thành một phương châm quan trọng trong việc cảm hoá, thuyết phục quần chúng! Đặc trưng phẩm chất anh hùng của Giáo sư Dương Trọng Bái thể hiện qua ba phần của cuốn sách này cũng như trong mọi ứng xử đời thường gợi cho tôi liên tưởng tới vẻ đẹp thầm lặng, sức lan toả nhẹ nhàng, sâu rộng của những giọt mưa đêm xuân mà nhà thơ lớn đời Đường đã khắc hoạ.

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Phi

(Nguồn: DƯƠNG TRỌNG BÁI - Cuộc đời và sự nghiệp giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội, 2006, trang 9 - 29)


Source: 
05-10-2021
Tags