HIỆU TRƯỞNG ĐINH QUANG BÁO (1997 - 2006)

GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐINH QUANG BÁO VỚI VIỆC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI  VÀ NGÀNH GIÁO DỤC

1. Những đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo cho việc xây dựng và phát triển khoa Sinh – KTNN đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên theo hướng chuẩn mực.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo sinh ngày 18/8/1948 tại xã Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Thời đi học phổ thông ông tham gia nhiều phong trào ở trường, là một học sinh tiêu biểu về học tập và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Vì vậy, ngay từ khi học cấp 3 ông đã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi tốt nghiệp THPT (năm 1966) ông vào học khoa Sinh học – ĐHSP Hà Nội. Bốn năm phấn đấu học tập và rèn luyện, tham gia nhiều công tác của khoa và trường, là một trong 4 sinh viên xuất sắc được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Sau một thời gian phấn đấu xây dựng bộ môn PPDH Sinh học, ông được cử đi học nghiên cứu sinh tại trường Sư phạm Lê nin. Bốn năm nghiên cứu miệt mài ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại hội đồng quốc gia. Về nước ông tiếp tục bắt tay xây dựng bộ môn PPDH Sinh học và được tín nhiệm làm Trưởng bộ môn (1986 – 1988). Với những kinh nghiệm đã có, cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp ông đã xây dựng bộ môn phát triển đảm đương được trách nhiệm nâng cao nghiệp vụ nghề cho sinh viên, đào tạo sau đại học thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. 

Năm 1988 – 1995 ông được khoa tín nhiệm bầu làm Trưởng khoa Sinh – KTNN. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao đặt lên vai ông. Đội ngũ cán bộ rất lớn, gần 145 người gồm 2 khoa gộp lại. Ông đã bàn bạc với đội ngũ lãnh đạo khoa và các trưởng bộ môn xây dựng chiến lược phát triển khoa và đề xuất kế hoạch thực hiện cụ thể qua từng giai đoạn, cụ thể là: kiện toàn lại nhân lực ở trong bộ môn, nâng cấp đội ngũ cán bộ giảng dạy nhanh chóng có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, rà soát xây dựng, bổ sung cập nhập lại chương trình, nội dung đào tạo hệ chính quy và tại chức, đăng kí thêm một số mã ngành về đào tạo sau đại học gắn với thực tế giáo dục phổ thông, liên kết đào tạo cán bộ bậc cao với một số viện (viện di truyền, viện sinh học, viện nông nghiệp...) để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tận dụng tối đa cơ sở vật chất và nhân lực của các cơ quan bạn; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên sinh học hàng năm, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, nhằm tập hợp đội ngũ các khoa thuộc các trường sư phạm để giải quyết những vấn đề lớn trong đào tạo giáo viên sinh học, xây dựng phát triển các hướng nghiên cứu về khoa học sinh học và khoa học sư phạm, lấy khoa học là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là những kết quả nổi bật có giá trị khẳng định vị thế của khoa trong khối các trường sư phạm được Bộ GD&ĐT khẳng định và đánh giá cao, thể hiện tầm nhìn của một Trưởng khoa trong trường sư phạm trọng điểm.

2. Những đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo trong chiến lược xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội trở thành trường sư phạm trọng điểm Quốc gia.

Sau một thời gian là thành viên của ĐHQG, Trường ĐHSP Hà Nội đã xuất hiện nhiều bất cập trong mô hình đào tạo giáo viên. Để thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm trường (1964) “Trường này “chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”, giáo sư đã cùng với các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ, cùng với hội đồng khoa học và đào tạo của trường xây dựng luận cứ khoa học trình Chính phủ tách trường ĐHSP ra khỏi ĐHQG để có điều kiện xây dựng trường thành trường ĐHSP trọng điểm trong hệ  thống sư phạm của Bộ GD-ĐT và đã được Chính phủ chấp nhận. Thời gian đầu trường gặp phải một số khó khăn: khuôn viên trường bị thu hẹp, một số cán bộ cốt cán được điều lên ĐHQG, thư viện bị sát nhập,... Là một hiệu trưởng trưởng thành từ cơ sở có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm đã cùng tập thể lãnh đạo trường, các nhà giáo, nhà khoa học lão thành  qua các thế hệ kể từ ngày đầu thành lập Trường ĐHSP Hà Nội đề xuất được các bước đi cụ thể để tiếp tục giữ trường là “máy cái” của ngành giáo dục, khuôn mẫu của hệ thống sư phạm của cả nước. Trong 2 nhiệm kỳ hiệu trưởng mà giáo sư đảm nhận đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

+ Hoàn thiện, bổ sung, nâng cấp các phòng thí nghiệm thực hành, nghiên cứu cho một số khoa bằng nguồn kinh phí tiết kiệm của trường và các dự án đầu tư của Bộ GD&ĐT, Bộ KHĐT, Bộ KHCN,... (phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ sinh học, phòng thí nghiệm hóa học, vật lý, hệ thống trắc nghiệm tâm lý, thiết bị cho khoa giáo dục đặc biệt,..) đảm bảo cho việc đào tạo giáo viên, cao học, nghiên cứu sinh.

+ Xây dựng hoàn thiện các giảng đường, hội trường có đủ phương tiện cho giảng viên, sinh viên học tập. Đặc biệt là đã xây dựng được 7 phòng học hiện đại cho việc thực hiện các bài giảng sư phạm chuẩn mực đến nay vẫn còn hoạt động.

+ Xây dựng hoàn thiện Trung tâm thư viện bề thế có đủ tài liệu, giáo trình trong và ngoài nước cho sinh viên, giảng viên tham khảo, cập nhập thông tin, có phần mềm tra cứu thuận lợi.

+ Hoàn thiện và nâng cấp đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các khoa có trình độ tiến sĩ bằng kế hoạch đào tạo trong nước, gửi đi đào tạo nước ngoài qua các dự án của Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN và hợp tác liên kết đào tạo với một số nước trong khu vực và quốc tế. Số cán bộ khoa học được đào tạo lên tới hàng trăm tiến sĩ kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho các khoa và các trường bạn. Có nhiều hợp tác liên kết đào tạo tiến sĩ giữa trường và các trường ở Châu Âu như: Pháp, Đức, Hà Lan,..Sau khi bảo vệ được cấp bằng tiến sĩ lưỡng quốc, đây là việc làm đầu tiên được Bộ ủng hộ tạo tiền đề cho hợp tác quốc tế.

+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, coi đây là động lực cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Hằng năm cán bộ giảng dạy phải có đề tài nghiên cứu ở cấp khoa, cấp trường và cấp Bộ. Nhà trường xây dựng kế hoạch tổng thể trong phê duyệt, tìm nguồn kinh phí để cung cấp, theo dõi, nghiệm thu đánh giá. Ngoài ra hàng năm cũng xây dựng các dự án, các chương trình nghiên cứu dài hạn để xin cấp kinh phí nghiên cứu. Nhờ có các đề tài, các chương trình nghiên cứu hàng năm nhà trường đã có nhiều chuyên đề bổ sung cho giảng dạy sau đại học, các bài báo đăng ở tạp chí trong và ngoài nước, nâng cấp được uy tín của trường, là một trong 3 trường đại học có nhiều bài báo quốc tế.

+ Hàng năm rà soát lại chương trình đào tạo cử nhân, sau đại học bổ sung loại bỏ những nội dung không phù hợp nhờ đó chất lượng đầu ra của các thế hệ đào tạo ngày càng được nâng cao. Sản phẩm đào tạo được xã hội chấp nhận và coi trọng.

+ Nghiên cứu phát triển hệ thống các giáo trình các môn học cốt lõi chất lượng cao do các tác giả là những nhà khoa học đầu đàn của trường và có uy tin trong và ngoài nước. Điểm mới nổi bật của các giáo trình này là: hiện đại cả về khoa học cơ bản, khoa học giáo dục; tích hợp chặt chẽ khoa học cơ bản và khoa học sư phạm; gắn với phổ thông; tạo điều kiện tổ chức tự học; cung cấp nguồn tài liệu tham khảo, tự bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, học viên hệ đào tạo tại chức, từ xa, những người nghiên cứu khoa học.

+ Xây dựng hệ thống các trường thực hành sư phạm để nâng cao chất lượng nghề: nhà trường đã xây dựng trường thực hành Nguyễn Tất Thành là nơi cho cán bộ triển khai các nghiên cứu giáo dục trước khi đưa vào giảng dạy và là nơi thực hành mẫu cho sinh viên. Bên cạnh đó, giáo sư còn cho xây dựng hệ thống các trường thực hành ở các trường phổ thông có dự án bổ sung trang thiết bị cho các trường này tạo ra sự liên kết trong đào tạo nghiệp vụ nghề cho sinh viên. Phòng Đào tạo có trách nhiệm thường xuyên liên hệ trao đổi với các trường theo hướng 2 bên  đều có lợi, nhờ đó mà chất lượng đào tạo giáo viên được nâng cao.

+ Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu đủ mạnh để giúp trường thực hiện các nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Thời đầu này đã thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả khoảng 30 trung tâm khoa học, 2 viện nghiên cứu. Một số trung tâm mang tầm cỡ quốc gia: Trung tâm Giáo dục dân số, trung tâm Rừng ngập mặn, trung tâm Nghiên cứu động vật đất, trung tâm Việt Nam học, trung tâm Giáo dục môi trường, viện Nghiên cứu sư phạm,…đi vào hoạt động có hiệu quả phục vụ cho các chiến lược phát triển của Trường. Một số trung tâm, viện nghiên cứu đã được giao đề tài, chương trình nghiên cứu hàng năm. Nhiều trung tâm và viện nghiên cứu đến nay vẫn hoạt động có hiệu quả.

+ Mở rộng hoàn thiện xây dựng thêm một số khoa mới, đảm nhận trách nhiệm “máy cái” cho ngành giáo dục như khoa Giáo dục đặc biệt, khoa Giáo dục thể chất, khoa Việt Nam học,...Thời điểm này đã có 20 khoa, 2 tổ trực thuộc, đến nay các khoa này vẫn tiếp tục phát triển giữ vững vị thế của mình trong nghiên cứu và đào tạo giáo viên. Mở rộng các nghành, khoa, các trung tâm nghiên cứu, các hệ đào tạo, các trình độ đào tạo là thực hiên chiến lược phát triển Trường ĐHSP Hà Nội thực hiện  chức năng  trọng điểm: đa dạng các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo; tích hợp giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.

+ Mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, bổ sung thêm chuyên ngành đào tạo thạc sĩ phổ thông. Thời điểm này giáo sư đã chỉ đạo cho mở 48 chuyên ngành đào tạo cao học và 40 chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh. Nhờ việc nâng cấp đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và hợp tác liên kết đào tạo với các chuyên gia nước ngoài. Hàng năm trường đã tuyển đầu vào hệ cao học khoảng 1000 – 1200 học viên, nghiên cứu sinh khoảng 100 – 150 học viên. Cứ sau một khóa đào tạo, giáo sư đã chỉ đạo các chuyên ngành rút kinh nghiệm về mục tiêu, nội dung, cách thức đào tạo cho sát với thực tiễn, đảm bảo tốt chất lượng đầu ra. Hai nhiệm kì giữ chức vụ hiệu trưởng, chất lượng đào tạo hệ cử nhân sư phạm, cử nhân ngoài sư phạm, hệ sau đại học đã được xã hội chấp nhận, đánh giá cao, được nhà nước tín nhiệm đầu tư thêm các dự án liên kết đào tạo với nước ngoài để tiếp tục gửi học viên đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, điều này đã làm cho chất lượng và uy tín của Trường được nâng cao. Có thể khẳng định rằng, giáo sư là người có tâm huyết, biết tạo sự đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng, biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, tập trung trí tuệ tập thể, khơi dậy được truyền thống của trường, biết tận dụng sức mạnh tập thể, có cách ngoại giao khéo léo vì sự phát triển của trường. Nhờ đó tạo được sự ủng hộ của cán bộ, sinh viên, học viên nhà trường; sự quan tâm của các cấp quản lí nhà nước từ Trung ương, các bộ, các ngành đến các trường trong hệ thống sư phạm, điều này đã giúp giáo sư thực hiện thành công các nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhà trường, tạo ra uy tín cao đối với hệ thống các trường sư phạm. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao đã quan tâm đến từng bước phát triển của Trường: Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thưLê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; các Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bộ KHCN, Bộ KHĐT....nhiều lần về thăm trường và có những chỉ đạo sát sao. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trường. Với thành tích nổi trội, Trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đầu tiên trong khối các trường đại học, Anh hùng lao động trong thời kỳ Đổi mới, và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân.

3. Những đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo cho khoa học giáo dục và công cuộc cải cách giáo dục.

 - Mặc dầu trong thời gian lãnh đạo trường bận nhiều công việc, giáo sư vẫn dành thời gian thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học để tạo ra thêm các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà trường và giáo dục các cấp học. Giáo sư đã biên soạn được 12 sách chuyên khảo, giáo trình, đăng tải được 55 công trình khoa học ở tạp chí trong nước và quốc tế, hoàn thành 20 đề tài nghiên cứu từ cấp trường đến cấp nhà nước gắn liền với chiến lược phát triển trường và góp phần năng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạođội ngũ giáo viên.

- Tham gia đào tạo nhiều cao học và hướng đến thành công 31 tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và PPDH bộ môn Sinh học và ngành Quản lý giáo dục; xây dựng và trực tiếp giảng dạy nhiều chuyên đề chuyên sâu cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của Trường ĐHSP Hà Nội và các trường sư phạm khác.

- Với tư cách là Ủy viên “Hội đồng Quốc gia giáo dục, chuyên gia về xây dựng chương trình giáo dục sau năm 2015, chủ biên chương trình môn sinh học, biên soạn chương trình GDPT tổng thể,...”, giáo sư đã có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho ngành Giáo dục.

Trải qua 51 năm công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, giáo sư là một lãnh đạo mẫu mực, khiêm tốn, biết lắng nghe ý kiến, xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong hàng ngũ lãnh đạo, tạo ra động lực thực hiện thành công các nhiệm vụ quan trọng, giữ vững Trường ĐHSP Hà nội là trường trọng điểm quốc gia, là máy cái của ngành giáo dục. Với những đóng góp cho ngành giáo dục, giáo sư đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba trong thời kì Đổi mới.

               Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Trung


Source: 
05-10-2021
Tags