Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 - 1997)

THẦY NGUYỄN XIỂN

Giáo sư Nguyễn Xiển, sinh năm 1907 trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Vinh - Nghệ An. Bản thân Thầy sau 3 năm học chữ Nho, rồi mới bắt đầu học chữ Quốc ngữ.

Hồi trẻ Thầy là một học sinh, sinh viên học giỏi toàn diện, đặc biệt xuất sắc về môn Toán.

Năm 1925, học xong bậc Thành chung ở Vinh, Thầy Xiển ra Hà Nội học ở trường Bưởi, được học bổng toàn phần - nội trú (bao gồm tiền học phí, ăn ở, chữa bệnh). Ngày 26/3/1926 Thầy trốn ra khỏi trường đi tham gia Lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, rồi bị đuổi học và như vậy là không được tiếp tục học để dự thi “Tú tài bản xứ”. Hoàn cảnh nhà nghèo buộc Thầy phải tìm cách có học bổng để tiếp tục ăn học, lòng ham hiểu biết đã thúc đẩy Thầy có sáng kiến thi vào trường Cao đẳng Công chính. Thầy đã đậu vào đó, được học bổng và vừa học trường Cao đẳng Công chính vừa tự nghiên cứu, quyết tâm thi “Tú tài Tây” (vì thi Tú tài Tây có chế độ thí sinh tự do). Kết quả bất ngờ là kỳ thi Tú tài Tây năm 1928, Thầy đậu thủ khoa. Về môn Toán, Thầy đã giải bài toán cơ học mà những thí sinh lúc đó không ai giải được trọn vẹn, được Hội đồng Giám khảo cho điểm cao nhất…

Năm 1930 Thầy đã đỗ ba bằng cử nhân: Toán vi phân và tích phân, Toán đại cương và Cơ học thuần lý. Sau đó Thầy đạt thêm bằng cử nhân hạng tối ưu về Vật lý. Thầy đã kể lại rằng: Trong kỳ thi này, bài thi phải diễn đạt qua các thí nghiệm. Thầy đã đề nghị Hội đồng Giám khảo cho phép được diễn đạt bằng ngôn ngữ phương trình. Thầy đã giải quyết vấn đề một cách xuất sắc, được Hội đồng giám khảo nhiệt tình khen ngợi, được Mention: Félicitations du Jury, cao hơn Mention trèsbien “Mức kỷ lục mà từ trước đến nay chưa ai trong trường này đạt được”, theo lời của các giáo sư trường này.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, Thầy Xiển được nhà trường giới thiệu lên học ở Viện Toán học H. Poincaré, Trung tâm Toán học số 1 của nước Pháp. Tại đây, tấm bằng Tiến sĩ Toán học chắc chắn đã ở tầm tay của Thầy như nhận xét của các giáo sư người Pháp hồi đó. Tiếc thay, năm 1932 Thầy buộc phải ngừng làm luận án Tiến sĩ để về nước. Người anh trai do tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bị bắt rồi bị bệnh mất, tình cảnh gia đình rất khó khăn.

Về nước, Thầy dạy học ở trường Bưởi, trường Thăng Long mấy năm, rồi từ năm 1937 làm Giám đốc đài “Thiên văn khí tượng” tại Phủ Liễn - Kiến An, Thầy là Giám đốc Việt Nam đầu tiên, vì từ trước chỉ có người Pháp làm.

Từ Cách mạng tháng Tám và những năm đầu kháng chiến, Thầy Xiển làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ. Trong thời gian này Thầy còn sáng lập ra Ban Toán học thực nghiệm do Thầy trực tiếp phụ trách. Thầy đã dành thì giờ soạn viết hai bộ giáo trình Toán học Đại cương và Cơ học thuần lý. Để có tư liệu Thầy đã sử dụng vốn liếng kiến thức vững chắc và phong phú của mình và còn được một số bạn bè ở Hà Nội tạm bị chiếm bí mật gửi cho sách chuyên môn bằng tiếng Pháp. Năm 1949, hai bộ giáo trình bậc Đại học đầu tiên bằng tiếng Việt ở nước ta được hoàn tất và in bằng litô. Thầy đã gửi biếu Bác Hồ, rồi nhận được thư của Bác: “Thân gửi chú Xiển, đã nhận được hai bộ giáo trình của chú. Thế là tốt, là tiến bộ, mong cố gắng nữa. Gửi lời thăm thím và các cháu. Chào thân ái và quyết thắng. Bác Hồ”.

Thầy còn tổ chức học hàm thụ Toán học Đại cương cho những người đã đậu Tú tài thời Pháp thuộc hoặc Trung học chuyên khoa trong kháng chiến. Người học được Thầy gửi cho giáo trình và bài tập, làm bài xong gửi Thầy chữa, cho nhận xét và gửi lại cho. Thời đó giao thông bưu điện của ta trong kháng chiến phải trải qua bao chặng đường gian nan vất vả, có khi nguy hiểm mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thật là kỳ diệu.

Hè 1949, một số giáo viên cấp 2, khoảng 11, 12 người đã được gọi về tập trung thành 1 lớp nghe thầy trực tiếp giảng bài, trong số đó có người đã dạy lâu năm như anh Đỗ Trọng Cảnh đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương khóa cuối cùng, có cả 2 người mới vào ngành. Lớp học đặt tại làng Chanh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, nơi cơ quan Ủy ban hành chính Bắc Bộ đóng. Tháng 8/1949, giặc Pháp nhảy dù vùng đó, lớp học giải thể, ai về trường nấy chuẩn bị năm học mới. Ngoài số giáo viên, còn có những người không dạy học như anh Phạm Sĩ Liêm, năm 1950 cũng theo học hàm thụ Toán học Đại cương với Thầy Xiển.

Cơ quan Thầy phải di chuyển nhiều lần, dần dần lên tận Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Anh Nguyễn Toán, con trai Thầy còn nhớ có lần 16 máy bay địch “quần” trên vùng gần Ghềnh Quýt, Tuyên Quang. Thầy Xiển vừa chỉ huy cơ quan sơ tán, vừa tay ôm chặt hai bộ giáo trình mới được hoàn thành bằng trí tuệ và tâm huyết của Thầy. Mấy năm sau, đó là 2 bộ sách được dùng giảng dạy đầu tiên cho hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp.

Năm 1951, Thầy Nguyễn Xiển được Chính phủ biệt phái sang Bộ Giáo dục, cùng Thầy Lê Văn Thiêm chuẩn bị thành lập hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp. Theo Nghị định của Bộ Giáo dục hồi đó ngành Sư phạm có 3 loại trường Sư phạm sơ cấp, Sư phạm trung cấp, Sư phạm Cao cấp còn trường Khoa học cơ bản nhằm đào tạo sinh viên sau này đi vào các ngành khoa học kỹ thuật. Đây là một biểu hiện cụ thể tầm nhìn xa của Bác Hồ và Trung ương, trong chiến tranh ác liệt đã nghĩ đến việc đào tạo giáo viên cấp 3 và cán bộ khoa học kỹ thuật, trình độ đại học để phục vụ kháng chiến và kiến quốc.

Thầy Xiển đã từng cùng Thầy Thiêm đi xe đạp vào khu IV để tuyển sinh và tìm thầy. Tại đây hai Thầy đã tìm được Giáo sư Hoàng Ngọc Cang dạy Hóa, Giáo sư Lê Khả Kế dạy Sinh vật, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào dạy Toán. Tiếc rằng vì lý do riêng Giáo sư Nguyễn Thúc Hào không ra được Việt Bắc trong chuyến ấy. Cũng trong chuyến đi chiêu mộ này, hai Thầy đã tuyển được một số học sinh xuất sắc sau này thành tài như Nguyễn Đình Tứ, Hà Học Trạc, Đinh Ngọc Lân v.v… Tại Việt Bắc, Thầy Xiển đã gặp Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Giáo sư Dương Trọng Bái…

Tháng 10/1951 Khu học xá Trung ương được thành lập với các trường Khoa học cơ bản, Trung Văn, Phổ thông và ba trường Sư phạm ba cấp học. Trong hai năm đầu các trường tạm thời đặt ở xã Tâm Hư, Nam Ninh, Trung Quốc trước khi chuyển ra khu trường mới xây dựng ở thành phố Nam Ninh, nay là trường Đại học Quảng Tây. Hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp ở một thôn người dân tộc Choang, không có giếng, chỉ có một cái hồ rộng cách nơi ở chừng 400m - 500m, thầy trò phải ra hồ lấy nước về dùng. Các Thầy cũng vui vẻ đi lấy nước, lúc đầu phải khiêng, nhìn Thầy Xiển cao lớn khiêng cùng Thầy Thiêm bé nhỏ, trông thật ngộ nghĩnh mà cũng thật xúc động. Về sau, Thầy Xiển gánh được hai thùng gỗ đầy tràn nước đi phăng phăng, trước còn phải nghỉ giữa chừng, sau đi một mạch.

Khóa I trường Sư phạm cao cấp có 27 sinh viên nguyên là giáo viên cấp 2 được quyết định của cấp trên cử đi học. Anh chị em chia làm 3 ban học các môn khoa học tự nhiên. Ban Toán có 7 người, trong đó có 2 người đã học thầy Xiển ở làng Chanh. Chúng tôi rất vui mừng được gặp lại Thầy và càng mừng hơn lại được học Thầy. Thầy dạy chúng tôi Giải tích và Lý thuyết xác suất. Chúng tôi không thể quên phong cách giảng dạy mẫu mực của Thầy với cách trình bày bảng thật đẹp, giọng nói ấm áp chậm rãi, nội dung khúc chiết rõ ràng, lý lẽ đầy sức thuyết phục. Trước khi vào mỗi chương, bao giờ thầy cũng giới thiệu khái quát những vấn đề đặt ra, trình tự giải quyết các vấn đề, sau mỗi chương thầy lại tổng kết, nêu phương hướng phát triển của chương sau, và chúng tôi lại thấy nhận thức được nâng lên một bước. Lý thuyết Xác suất là bộ môn mới tinh, chúng tôi còn nhớ Thầy tổ chức buổi nói chuyện toàn trường, nói về lịch sử hình thành bộ môn này, sự ứng dụng vào khoa học kỹ thuật và đời sống. Thầy đã vận dụng lý thuyết giải tích vào giảng dạy môn Xác suất, để nâng bộ môn lên trình độ đại học, mỗi tiết giảng thật lý thú và bổ ích.

Sau giờ lên lớp, Thầy lại chuyện trò thân mật cởi mở với sinh viên. Và trên một bãi đất rộng ở xã Tâm Hư, Thầy Xiển thường cùng với Thầy Cang say mê đá bóng với sinh viên, quan hệ thầy trò thật chan hòa vui vẻ…

Năm 1954, hòa bình lập lại, Thầy Xiển về nước. Thầy lại dành nhiều tâm huyết vào việc xây dựng nền khoa học kỹ thuật nước nhà. Thầy đã có công đầu gây dựng ngành Khí tượng - Thủy văn - Thiên văn và gắn bó với ngành này gần nửa thế kỷ. Thầy là Phó Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Khoa học Nhà nước do Phó Thủ tướng Trường Chinh làm Chủ nhiệm. Thầy là Hội trưởng đầu tiên của Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm đầu tiên của tờ báo Khoa học thường thức, mỗi số ra 10 vạn bản. Thầy đã tâm đắc với việc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật - rộng rãi trong cộng đồng từ trước Cách mạng tháng Tám, bằng việc sáng lập tờ báo Khoa học, từ năm 1942 với nhiều nhà trí thức tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Công Tiểu…

Thầy Xiển đã tích cực tham gia nhiều hoạt động chính trị: Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, trong đó có 6 khóa liền là Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều năm liền là Ủy viên Đoàn Chủ tịch rồi Ủy viên danh dự Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Đảng Xã hội Việt Nam 42 năm liền.

Thầy Xiển đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Khoa học và Công nghệ” đợt đầu tiên, là một trong số ít người vinh dự được hai phần thưởng mang tên Bác.

Giữ nhiều trọng trách khác nhau, có nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng Thầy vẫn dành thì giờ và tình cảm cho những học trò cũ ở Khu học xá. Thầy vẫn đến dự đều đặn các cuộc họp mặt hằng năm của sinh viên hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp. Năm 1996, mặc dù tuổi già sức yếu Thầy vẫn đến dự kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và còn đến cả với khoa Toán.

Chúng tôi thường đến nhà thăm Thầy khi khỏe mạnh, vào bệnh viện thăm Thầy lúc yếu đau, tình cảm thầy trò thật gần gũi thân thiết… Trong lòng chúng tôi còn ghi đậm những ấn tượng sâu sắc về Thầy Nguyễn Xiển, Thầy dạy Đại học đầu tiên của chúng tôi, và là một trong số ít các Thầy đặt nền móng cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của chúng ta.

Nghiêm Chưởng Châu

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags