CẢ CUỘC ĐỜI GẮN BÓ VỚI NGHỀ DẠY HỌC
Giáo sư Nguyễn Thúc Hào bắt đầu dạy toán tại Trường Quốc học Huế từ năm học 1935 - 1936. Từ đấy đến nay, hơn 62 năm đã trôi qua, hơn 62 năm đầy biến động trong lịch sử dân tộc, trong cuộc sống mỗi nhà cũng như trong vận mệnh mỗi người. Qua biết bao biến thiên đến chóng mặt suốt mấy chục năm ròng rã, thử hỏi mấy ai có thể yên tâm chỉ làm một việc, thuỷ chung như nhất chỉ gắn bó với một nghề, nhất là khi nghề ấy ít mang lại lợi danh.
Một tấm gương trong giữ vẹn tròn
Sá bao công lội suối trèo non
Tay dù trắng, đẹp trời trong nắng
Lòng vẫn son, bền chí sắt son
Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn
Giờ vui mây nước, mảnh tình con
Đời còn sương bụi bao mờ tỏ
Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.
Đó là bài Mừng Thầy của Giáo sư, Tiến sĩ toán học Phan Đình Diệu, một người học trò cũ của thầy Hào, sáng tác tặng thầy nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của thầy.
Giáo sư Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại làng Xuân Liễu (nay là xã Nam Xuân), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một danh gia xứ Nghệ. Ông nội là Cử nhân Nguyễn Thúc Kiều, một người thầy nổi tiếng đã đào luyện nên nhiều học trò xuất chúng, trong đó có Phan Văn San (tức Phan Bội Châu) đỗ thủ khoa kỳ thi hương ở trường Nghệ năm Canh tý, thường được gọi là ông Giải San.
Thân phụ Giáo sư Nguyễn Thúc Hào là cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, từng làm phủ doãn Thừa Thiên, rồi tuần phủ Phú Yên, khi về hưu được thăng hàm thượng thư. Bất đắc dĩ lạc lối vào chốn quan trường nhiễu nhương thời thuộc Pháp, cụ hằng mong các con cụ về sau không ai sa chân vào hoạn lộ, mà chọn lấy một nghề tự do thanh bạch như nghề thầy thuốc, thầy giáo...
Năm học lớp nhất ở trường tiểu học Nha Trang, cậu thiếu niên Nguyễn Thúc Hào cùng trọ một nhà với thầy Hà Huy Tập lúc đó đang dạy lớp nhì tại trường này. Hai thầy trò là đồng hương xứ Nghệ.
Năm học 1925 - 1926, Nguyễn Thúc Hào dự thi tuyển sinh vào Trường Albert Sarraut (Hà Nội) và trường Quốc học Huế. Trúng tuyển cả hai trường, nhưng do nhận được giấy báo của trường Quốc học Huế sớm hơn nên anh vào học trường này. Ở lớp đệ nhất trung học, anh luôn luôn xếp thứ nhì, chỉ sau anh Võ Nguyên Giáo, người Quảng Bình.
Từ năm học 1926 - 1929, anh Hào ra Hà Nội học trường Albert Sarraut. Mấy năm sau, anh sang Pháp, vào Trường trung học Aix-en-vence ở miền Nam, không xa thành phố Marseille. Sau khi đỗ tú tài toán học dự bị đại học ở trường Saint Louis (Paris) để chuẩn bị thi vào các trường lớn của Pháp. Bệnh yếu phổi khiến anh phải từ giã Paris băng giá, trở lại miền Nam, ghi tên theo học trường Đại học Khoa học Marseille bên bờ Địa Trung Hải chói chang ánh nắng mặt trời. Trong vòng bốn năm, từ 1931 đến 1935, anh chăm chỉ học tập, thi lấy sáu chứng chỉ về: Toán đại cương, giải tích toán học, cơ học thuần lý, vật lý đại cương, cơ học chất lỏng và thiên văn học (chỉ cần ba chứng chỉ là xong bằng cử nhân). Ngoài ra, anh còn viết luận án cao học về một đề tài có liên quan đến hình học và cơ học.
23 tuổi, trở về nước, anh bắt đầu dạy toán ở trường Quốc học Huế Lúc bấy giờ, trong toàn cõi Đông Dương, số trường trung học chuyên khoa quốc lập ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào là những người thầy dạy toán đầu tiên ở nước ta. Đặc biệt, do suốt đời gắn bó với nghề dạy học, nên giáo sư Nguyễn Thúc Hào có số học trò đông nhất. Hầu hết các nhà toán học, vật lý, cơ học, kỹ thuật có tiếng ở nước ta hiện nay đều đã có thời gian theo học Giáo sư Nguyễn Thúc Hào.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được cử giữ chức Giám đốc Vụ Trung học Trung Bộ, đồng thời tham gia Hội đồng cố vấn học chính của Bộ Quốc gia Giáo dục.
Tháng 8/1946, giáo sư chuyển hắn ra Thủ đô, nhận chức Quyền Giám đốc kiêm Tổng thư ký trường Đại học Khoa học Hà Nội, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.
Với trọng trách Quyền Giám đốc, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào phải lo toan rất nhiều việc sắp xếp lại tổ chức, ổn định tư tưởng cho sinh viên, vạch ra thời khoá biểu, mời thầy dạy các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng nhận lời mời. Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kontum dạy vật lý, Hoàng Xuân Hãn dạy toán...
Nhờ Giáo sư Bửu giới thiệu, Giáo sư Hào được Bác sĩ Trần Duy Hưng hỏi thuê cho một căn gác ở giữa phố Đoàn Trần Nghiệp bây giờ.
Đêm 19/12/1946, đèn Hà Nội vụt tắt. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nhận chỉ thị của Bộ Quốc gia Giáo dục, Giáo sư Hào tạm lãnh về quê, kết hợp đi kiểm tra các trường trung học ở Bắc Trung Bộ.
Đầu năm 1947, Bộ gửi công văn đề nghị giáo sư mở ngay lớp Toán đại cương ở Nam Đàn. Khoá I khai giảng trong nhà thờ họ Nguyễn Thạc (dòng họ Giáo sư Nguyễn Thạc Cát) gần chợ Liễu. Số sinh viên chỉ có năm người.
Đến các khoá 2, 3, 4, lớp Toán đại cương chuyển về gần Bến Gành, bên làng Đan Nhiễm (quê hương Phan Bội Châu), học trong nhà thờ ông Chắt Cử. Các anh sinh viên hầu hết là những “tú tài kháng chiến” từ xa đến Nam Đàn trọ học.
Nhiều sinh viên lớp Toán đại cương ở Nam Đàn thời chống Pháp, về sau, đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội có tiếng như Nguyễn Đình Tứ, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng Phương, Lê Hải Châu, Đinh Ngọc Lân, Lê Nguyên Sóc, Lê Thạc Cán, Nguyễn Mậu Tùng, Hà Văn Mão,...
Đúng như người xưa đã nói: “Quý ở chỗ tinh, chứ không quý ở chỗ nhiều”. Tuy gian khổ, những năm dạy lớp Toán đại cương là những năm đắc ý của thầy Hào.
Từ năm 1951 đến 1954, trường Dự bị đại học rồi trường Sư phạm cao cấp mở ở vùng tự do Liên khu Bốn, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được Bộ cử tham gia Ban giám đốc cùng với Giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường. Giảng dạy ở trường còn có các ông: Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Phó Đức Tố, Hồ Đắc Liên, Tôn Thất Chiêm Tế,...
Hoà bình trở lại trên miền Bắc. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào trở về Hà Nội, cùng Giáo sư Lê Văn Thiêm dạy toán ở bậc đại học. Ít lâu sau ông được cử giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Huy Thông. Các anh Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Văn Như Cương, Đoàn Quỳnh... học toán thầy Hào vào dạo ấy.
Năm 1959, Giáo sư được điều vào làm Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Vinh, trường đại học đầu tiên ở một “tỉnh lẻ” miền Bắc. Trường sở lúc ban đầu chẳng có gì ngoài hai dãy nhà dòng hoang vắng, hư nát, cán bộ giảng dạy chỉ có 17 người, sinh viên 159. Nhưng chỉ sau năm năm, cơ ngơi đã khác hẳn: bốn ngôi nhà bốn tầng, 140 cán bộ giảng dạy, 15 phòng thí nghiệm, một thư viện với sáu vạn cuốn sách. Qua ba khoá sinh viên tốt nghiệp, trường đã cung cấp 1085 giáo viên cấp ba cho các tỉnh Liên khu Bốn cũ...
Thế rồi cuộc chiến tranh phá hoại ấp tới. Cái cơ ngơi khấm khá kia phút chốc bị san bằng. Chỉ còn trơ lại một bãi hoang đầy hố bom, lau sậy, sim mua, mồ mả!
Trường phải sơ tán đến Nghi Lộc, Thanh Chương, rồi từ đất Nghệ An chuyển hẳn ra Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hoá), bảo đảm an toàn cho hàng nghìn con người, kể cả mấy trăm cháu bé, mang theo hàng vạn cuốn sách, hàng trăm tấn máy móc, thiết bị...
Trên dải đất rừng Thạch Thành, thầy và trò sống hoà mình với đồng bào các dân tộc thiểu số, vào rừng đẵn gỗ, chặt nứa và dựng lán ở, lán học, thư viện, phòng thí nghiệm. Ngày nay, ngồi ôn lại những năm tháng gian nan vất vả đến cùng cực ấy, nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh vị giáo sư hiệu trưởng quần xắn cao, trèo đèo lội suối, đi về các khoa cách xa nhau hàng chục kilômét, cùng các cán bộ khoa lo toan cái hầm tránh máy bay sao cho an toàn, cái lán học, thư viện, tập giáo trình sao cho bảo đảm chất lượng. Giáo sư không quên ghé thăm nhà bếp, hỏi han chị em cấp dưỡng từng cân gạo, mớ rau, con cá, quả cà... Tuy bận rộn công việc quản lý, ông vẫn dành thời gian dạy toán cho cán bộ, khuyến khích anh chị em nghiên cứu khoa học.
Ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, bột mì, lội bùn tới lớp, giáo sư sống kham khổ như mọi người. Thế nhưng, giữa đêm rừng thanh vắng, dưới ánh trăng vằng vặc, người ta vẫn nghe vang lên từ gian nhà lá của thầy Hiệu trưởng tiếng đàn vi-ô-lông trầm bổng chơi bản Xô-nát Ánh trăng của Bethoven...
Năm 1976, sau khi đất nước đã hoà bình, thống nhất, giáo sư mới về hưu. Dù được nghỉ ngơi, ông vẫn tận tụy với nghề, âm thầm dịch 14 cuốn sách và tài liệu toán học từ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp ra tiếng Việt, tuy chẳng tìm được chỗ in! Ở độ tuổi ngoài 70, ông còn hai lần sang Phnôm Pênh giảng hình học cao cấp. Ông đọc chuyên đề bồi dưỡng cán bộ trẻ ở trường Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Vinh, làm Chủ tịch Hội đồng sơ duyệt sách toán cải cách bậc phổ thông,…
Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên ở nước ta được Nhà nước công nhận chức vụ Giáo sư đại học. Hai ông cũng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam mấy nhiệm kỳ đầu.
Năm 1966, Nhà xuất bản Nghệ An in cuốn sách Nhà giáo danh tiếng đất Lam Hồng. Tên tuổi của Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được nhắc đến bên cạnh tên tuổi các bậc danh sư như La Sơn phụ tử, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Thức Tự, Phan Bội Châu, Lê Thước, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm,...
Mang trong mình “cốt tính xứ Nghệ”, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào ưa thích sống “một đời thanh bạch chẳng vàng son” theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hàm Châu
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)