Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1997)

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - VỊ LƯỠNG KHOA TIẾN SĨ TRẺ NHẤT CỦA HAI NƯỚC VIỆT - PHÁP

SỨC HỌC PHI THƯỜNG

Tháng 10/1927, sau khi tốt nghiệp tú tài triết học loại ưu ở Trường Albert Sarraut, chàng trai quê Từ Liêm (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Tường được cấp học bổng sang học tại ban Văn Trường Đại học Montpellier, một trong những trường có truyền thống lâu đời của nước Pháp. Tại đây, bằng sức học phi thường của mình, chỉ trong vòng 3 năm ông đã liên tiếp đỗ các bằng: Cao đẳng Văn chương, Cao đẳng Cổ văn Hy - La, cử nhân Văn khoa, cử nhân Luật khoa, Cao đẳng Ngôn ngữ và Văn tự cổ điển. Thành tích của Nguyễn Mạnh Tường đã khiến các thầy trò người Pháp phải vô cùng kinh ngạc. Đặc biệt, lễ bảo vệ luận án tiến sĩ Luật (đề tài “Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam, Tổng luận về luật nhà Lê”) diễn ra ngày 28/5/1932 của ông đã thu hút nhiều người và được đánh giá là một sự kiện làm rạng danh Trường đại học Montpellier. “Bài luận văn của ông vừa là một kiệt tác về luật học, vừa về văn học nữa... 23 tuổi đã đỗ Luật khoa tiến sĩ, lại sắp thi Văn khoa tiến sĩ, thật là cổ lai hãn hữu...”. Ông chánh chủ khảo, một giáo sư danh tiếng người Pháp, đã phải trầm trồ. Quả tình, từ trước cho tới bấy giờ (và cả đến tận năm 2001 này nữa) nước Pháp vẫn chưa có ai ở tuổi 23 giành được một lúc 2 bằng tiến sĩ như thế.

Tuy nhiên, song song với lời ngợi khen vô tư ấy, trên báo chí Pháp cũng đã xuất hiện lời “cảnh báo” của nhà bình luận Clement Vaulel: “Người Pháp nên cẩn thận, để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”.

Quả nhiên là không. Nếu như trước đây, vì lòng tự hào dân tộc, chàng trai Nguyễn Mạnh Tường đã không ngừng vươn lên trong học tập, thì bây giờ, với quan điểm “học cao không phải để lấy mảnh bằng về bóc lột nhân dân”, ông đã dứt khoát từ chối những thứ quyền chức mà chính quyền thực dân chèo kéo. Nguyện vọng của ông là muốn được đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

          Tháng 9/1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Chán nản vì thấy chính quyền thực dân không sắp xếp công việc cho mình như nguyện ước, ông lại bỏ sang Pháp. Từ đó, bằng tiền học bổng để đi nghiên cứu, suốt 3 năm liền Nguyễn Mạnh Tường ngao du khắp các xứ Âu, Phi. Dấu ấn lưu lại những tháng năm này là mấy cuốn sách ông viết bằng tiếng Pháp, trong đó có cuốn Sourire et larme d'une jeunesse (Nụ cười và giọt lệ của một tuổi thanh niên) nói lên nỗi tủi cực của thanh niên các nước thuộc địa trong bước học hành và một cuốn sách ca ngợi tình yêu được các nhà phê bình tên tuổi Pháp chú ý.

NHÀ SƯ PHẠM LỖI LẠC

          Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Chính quyền thực dân vẫn có ý canh dè ông. Bấy giờ, Pháp đang trù tính xây dựng một trường đại học Văn ở Việt Nam, nhưng vì thấy tất cả các giáo sư Pháp tại đây không ai được bằng tiến sĩ như Nguyễn Mạnh Tường, nên lại thôi. Thay vì việc đó, Nguyễn Mạnh Tường được bổ nhiệm về dạy Trường trung học bảo hộ (dân gian quen gọi là Trường Bưởi), ở lớp đào tạo các tú tài bản xứ.

Tôi đã được nghe rất nhiều lời ca tụng của các cựu học sinh Trường Bưởi (trong đó có nhiều người hiện là các giáo sư đầu ngành) về tài năng sư phạm của thầy Nguyễn Mạnh Tường. Giáo sư Trần Văn Hà, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi và Thú y nhớ lại: “Thật là diễm phúc được học thầy. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường hấp dẫn, cuốn hút chúng tôi trong tất cả các buổi truyền thụ kiến thức văn học Pháp, tư duy triết học Pháp, La Mã, Hy Lạp, đặc biệt là tính logic của tư duy triết học Montaigne, Rousseau. Điều lạ là suốt bao năm theo học thầy, tôi chưa bao giờ thấy thầy đến lớp mà mang theo giáo trình. Cứ vừa đi giữa hai hàng ghế, hai ngón tay cái móc vào túi áo gilê, thầy vừa đọc, giảng, rất ấn tượng”. Theo nhận xét của Giáo sư Hà thì về giảng dạy văn học Pháp ở Trường Bưởi, thế kỷ XX không ai giảng hay hơn thầy Tường. Và sang thế kỷ XXI cũng chưa dễ có ai “vượt qua” được.

Về việc “giảng bài không cần giấy tờ, trong một bài kể về thời kỳ ở Trường Bưởi, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường giải thích : “Tôi đã học được ở bên Pháp rằng muốn cho các thính giả giữ trật tự, diễn giả cần đưa mắt nhìn thẳng vào các thính giả. Nếu diễn giả lúc nào cũng cúi đầu nhìn tờ giấy mình mang đi để nhớ lại những điều mình cần nói thì các thính giả cũng khó giữ được trật tự. Do đó, khi vào lớp không bao giờ tôi mang theo giấy tờ”. Tất nhiên, nói là vậy, để thực hiện được như Giáo sư Tường phải là người có trí nhớ tuyệt vời và suy ngẫm rất thấu đáo về những điều mình nói.

Là một người thông minh, tài hoa, lại giàu lòng yêu nước, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đặc biệt tỏ ra chăm chút những học trò hội đủ các yếu tố ấy. Thậm chí, khi họ gặp hoạn nạn, cần đến bàn tay giúp đỡ, không bao giờ ông từ nan. Câu chuyện sau đây là một ví dụ: Trong số các học trò được thầy Tường chú ý, có một người sớm bộc lộ khả năng thiên phú về thơ văn và âm nhạc. Vậy mà một lần, người học trò này bị mật thám Pháp xộc vào bắt ngay tại lớp, trước mặt thầy Tường và tất cả chúng bạn. Trước hành động bạo ngược đó, thầy Tường rất phẫn nộ. Ông đã đích thân đi gặp Thống sử Châtel, yêu cầu thả người học trò của mình. Mặc dù viên Thống sứ giải thích với thầy Tường lý do anh học trò bị bắt vì có tham gia vào một tổ chức “âm mưu chống lại nước Mẹ Đại Pháp”, song vì “nể lời” ông, nên y đồng ý thả anh ra. Chuyện này rất ít người biết và bản thân Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cũng chưa hề kể với ai (và người học trò được tha năm ấy cũng không biết đến sự can thiệp của ông). Tuy nhiên, đối chiếu với các tình tiết mà những bạn đồng lớp với người học trò ấy cung cấp (trong cuốn Thầy trò Trường Bưởi - Chu Văn An), ta có thể xác định đó chính là nhà văn Nguyễn Đình Thi bây giờ.

Sự nghiệp dạy học của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường tạm thời “đứt đoạn” vào năm 1944, do ông mâu thuẫn với nhà trường thực dân vì không chịu tham gia tuyên truyền cho chính sách thu mua lúa giúp Nhật của họ. Để giữ được cốt cách ngay thẳng của mình, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường nộp đơn xin ra khỏi giáo giới và về nhà mở văn phòng luật sư.

KHI TIẾN SĨ LUẬT KHOA “VÀO CUỘC”

Cách mạng tháng Tám thành công. Ánh nắng vừa mới bừng lên thì đồng thời mây đen cũng ùn ùn kéo tới. Đã có lúc vận mệnh dân tộc ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc.

Một ngày đầu xuân 1946, Hồ Chủ tịch cho mời luật sư Nguyễn Mạnh Tường tới, đề nghị ông tham gia vào phái đoàn Chính phủ chuẩn bị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thưa với Người là ông sợ không kham nổi việc lớn đó. Bác nói: “Chúng tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều anh em. Anh em đều tán thành: Việc này thì phải nhờ luật sư Nguyễn Mạnh Tường”. Trở về nhà, ông Tường đem chuyện đó trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người bạn thân với ông từ thời bên Pháp. Ông Huyên cổ vũ: “Đây là lúc cần thực hiện chí hướng của chúng ta từ bao lâu nay”. Nghe lời bạn, ông Tường cho đóng cửa văn phòng luật sư, suốt hai tháng trời dốc sức sưu tầm, nghiên cứu các luật về chủ quyền quốc gia của các nước để chuẩn bị cho cuộc đàm phán.

Ai từng đọc hồi ký Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hẳn sẽ nhận thấy vai trò của từng cá nhân trong đoàn ta tại hội nghị này. Tuy nhiên, khách quan mà nói, được ghi lại đậm nhất là các hoạt động của đồng chí Võ Nguyên Giáp (Phó đoàn, Chủ tịch Uỷ ban quân sự) và luật sư Nguyễn Mạnh Tường (một trong số 24 thành viên của đoàn, Chủ tịch Uỷ ban văn hoá). Bấy giờ Pháp đang cậy thế mạnh quân sự muốn ép ta trên bàn hội nghị. Lý lẽ chúng đưa ra là lý lẽ “cá lớn nuốt cá bé”. Nhưng, với thái độ “găng mà không gãy” (lời Hồ Chủ tịch dặn đoàn trước khi đi), cộng với trí nhớ phi thường và khả năng lập luận sắc sảo, vị luật sư của nước Việt Nam mới đã khiến không ít đối thủ người Pháp phải rơi vào tình thế lúng túng, kinh ngạc bởi những viện dẫn chính xác của ông về những điều khoản đã được ghi trong luật quốc tế.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng toàn thể gia đình rời Hà Nội. Kể ra, với học vấn như ông, chỉ cần chấp nhận ở lại Hà Nội hoặc chuyển sang Pháp hành nghề là ông có thể có một cuộc sống đặc biệt sung túc. Song, người trí thức yêu nước đã dứt khoát gắn bó cuộc đời mình với cuộc sống chiến đấu của nhân dân. Bỏ lại bốn cơ ngơi, dinh thự trong thành phố tạm bị chiếm (3 trong 4 toà nhà đó sau này về tiếp quản ông đã hiến cho Chính phủ, trong đó có một biệt thự ở Hồ Tây, hiện là trụ sở của Ban Thanh tra Chính phủ), Nguyễn Mạnh Tường lăn mình vào khói lửa kháng chiến. Ông được đồng chí Bùi Lâm đón lên Việt Bắc tham gia công tác luật sư cho Chính phủ, mỗi tháng phải đi một tỉnh, tuỳ theo Toà án quân sự, Toà án nhân dân điều động. Tuy suốt thời gian công tác như vậy (đến năm 1951), ông không hề có lương vì bấy giờ ở ta chưa có biên chế cho luật sư, song qua những mẩu hồi ức của Nguyễn Mạnh Tường ta có thể thấy với ông, đó là những tháng ngày “lý thú” nhất. Với tài lập luận của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã gỡ tội cho nhiều người, đem lại sự công bằng và làm người dân thêm tin yêu chế độ…

Ngoài các hoạt động đơn lẻ ở một số tỉnh, thành trong nước, từ sau năm 1950, khi ta mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã được lựa chọn vào đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị Bảo vệ hoà bình thế giới ở Bắc Kinh năm 1952 và ở Viên năm 1953. Năm 1956, ông là Trưởng đoàn Luật gia Việt Nam đi dự Hội nghị Luật gia dân chủ thế giới họp ở Bruxelles (Bỉ).

CÒN ĐÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH...

Hoà bình lập lại trên miền Bắc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường được Chính phủ tín nhiệm giao phó một số công việc quản lý: Phó Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Luật Sư, Uỷ viên BCH Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới, Uỷ ban Đoàn kết Á Phi của Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đoàn kết. Tuy nhiên, như ước nguyện ở tuổi 20, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ mong sao được sống, hoạt động trong môi trường văn chương. Sau khi lần lượt rời bỏ các chức vụ kể trên, ông chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Giáo dục, sau đó làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài ở Viện khoa học giáo dục. Đến năm 1970 thì ông chính thức nghỉ hưu.

Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã cho xuất bản 18 đầu sách, có 4 cuốn bằng tiếng Việt. Trong đó, cuốn Lý luận giáo dục Châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII được các nhà lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá là “một công trình nghiên cứu đồ sộ lần đầu tiên giới thiệu ở nước là một cách có hệ thống các lý luận giáo dục điển hình của thời kỳ Phục hưng và thời kỳ “Ánh sáng”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời ngày 13/6/1997, hưởng thọ 88 tuổi. Đám tang của ông là một cuộc hội ngộ đầy xúc động của các thế hệ học trò ông, trong đó có rất nhiều người nay đã thành danh, được cả nước biết đến. Nguyên cố vấn Phạm Văn Đồng, mặc dù khi đó đã ngoài 90 tuổi, nhưng không quản ngại tuổi cao sức yếu vẫn nhờ người đưa tới viếng Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Thay mặt BCH Trung ương Đảng, các đồng chí Đỗ Mười (khi đó là Tổng Bí thư) và Nguyễn Đức Bình (khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị) đã đến viếng Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và xúc động viết vào sổ tang, khẳng định ông “là một trí thức yêu nước đã có nhiều công cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam”.

Phạm Khải

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags