Giáo sư Nguyễn Đình Huề (1920 - 1990)

GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH HUỀ

Thường thì thời gian làm lãng quên những biến cố, làm nhạt nhòa đi hình ảnh của nhiều con người. Nhưng điều đó không phải là một chân lý tuyệt đối. Có, dù thật hiếm hoi, những người mà lúc sinh thời đã sống với số phận khiêm tốn, khuất lấp đằng sau những mũ áo, danh hiệu, bằng sắc, chức vụ và quyền lực, nhưng rồi năm tháng lại tô đậm dần những dấu ấn của họ...

Giáo sư Nguyễn Đình Huề nằm trong những số phận hiếm hoi ấy.

Hơn 40 năm ông viết sách, mà viết thật nhiều, thật sâu, gần như trở thành tác giả độc tôn trong chuyên ngành khó nhất của Hóa học, ngành Hóa - Lý. Không chỉ viết sách, là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đi vào Hóa - Lý, ông còn phải đặt ra ngôn ngữ cho chuyên ngành này. Thế hệ của ông được thừa hưởng từ một người Việt Nam vĩ đại khác, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một Bộ Danh từ khoa học rất quý báu, nhưng là không nhiều, không đủ. Là người đầu tiên và cũng là duy nhất đảm nhiệm cương vị Trưởng Tiểu ban Hóa - Lý của UBKHNNVN, chịu trách nhiệm về phần các thuật ngữ Hóa - Lý trong cuốn Từ điển Danh từ Hóa học Nga - Anh - Việt, chính Giáo sư Nguyễn Đình Huề đã đưa vào tiếng Việt phần lớn các thuật ngữ liên quan đến ngành học này, mà những người hậu học như chúng tôi nhiều khi vô tâm cứ tưởng những chữ nghĩa ấy tự nhiên đã vốn có.

Thế hệ của ông thật sự đúng với nghĩa mở đường, nghĩa là vừa phải dọn dẹp khai phá, lại vừa phải đi thật xa, đi thật lực, và tổ chức, hướng dẫn mọi người đi theo mình. Con đường mà ông dọn dẹp cho chúng tôi thật rộng. Chính bộ Giáo trình ông viết đi suốt từ Cấu tạo vật chất đến Nhiệt động lực học cơ sở, Nhiệt động lực học dung dịch, Động hóa học, bao gồm gần toàn bộ các lĩnh vực chủ yếu của Hóa - Lý. Sách ông viết, bao giờ cũng là những công trình sáng tạo sư phạm đích thực. Có lẽ chính vì thế mà các giáo trình của ông thường rất khó tìm được trong các hiệu sách hoặc thư viện, dù đã được tái bản nhiều lần. Có lần một cán bộ nghiên cứu biết tôi là học trò gần gũi của thầy Huề, đã nhờ tôi kiếm cho một cuốn Nhiệt động lực hóa học do thầy Huề viết, rồi phàn nàn về chuyện xuất bản theo kiểu cò con của ta. Nhưng khi lật trang bìa cuối và biết rằng cuốn sách đã được in hai mươi ngàn bản thì cả hai đều im lặng. Nhiều nhà Hóa học Việt Nam, khi đi học, làm công tác nghiên cứu ở nước ngoài, nơi các thư viện thường rất phong phú, vẫn chịu khó đặt vào chỗ 20 cân hành lý ít ỏi của chuyến bay mấy cuốn sách của thầy Huề. Vì rất nhiều kiến giải cho những vấn đề khó hiểu, thường bị lẩn tránh trong các sách được viết ở nhiều nước, thường luôn được trình bày một cách thật cặn kẽ trong sách của ông.

Có lần một Nhà Hóa học đã quá cố thuộc lớp đàn anh của chúng tôi, Tiến sĩ Lê Viết Lân, tác giả thực sự của chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước 50B về nhiên liệu và vật liệu hạt nhân, từng gây ấn tượng rất mạnh mẽ một thời, đã giải thích cho tôi nghe, vì sao các chuyên gia Hóa học được đào tạo ở nước ngoài, như các anh, những người chưa bao giờ học Giáo sư Nguyễn Đình Huề, vẫn thành kính gọi ông bằng Thầy. Theo cách giải thích của anh: “Trong những năm sáu mươi, bảy mươi và có lẽ cả bây giờ nữa, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Hóa học Việt Nam đã tìm thấy trong các giáo trình Hóa - Lý sâu sắc của thầy Huề, những lời giải đáp thấu đáo cho những thắc mắc về nhiều vấn đề cơ sở lý thuyết của hóa học, những điều mà họ chưa học được trong những năm du học hoặc trong nhiều cuốn sách nổi tiếng trên thế giới”.

Người duy nhất không hài lòng với các cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đình Huề là chính bản thân ông. Hai bộ sách đồ sộ về cấu tạo vật chất (Cấu tạo nguyên tử, Cấu tạo phân tử và Liên kết Hóa học) ra đời chưa được bao lâu. Chúng tôi còn chưa hết vui mừng, vì nhờ đó những người dạy Hóa học ở bậc đại học có được hai bộ giáo trình thật quan trọng và tin cậy, thì chính tác giả đã cảm thấy chúng cần được viết lại. Và chỉ vài năm sau, giáo trình “Cấu tạo chất” thực chất là giáo trình Hóa học lượng tử hiện đại đã ra đời. Đọc, suy ngẫm đến tận cùng của lý lẽ rồi viết; rồi lại đọc, suy ngẫm và muốn thay đổi, là cái chu kì nghiệt ngã của đời ông, con người đã không có được cái hạnh phúc của sự bằng lòng và niềm vui của sự nghỉ ngơi... Tôi không tin rằng sau Giáo sư Nguyễn Đình Huề sẽ có một ai đóng lại cái vai trò đặc biệt ấy, vai trò của người thầy, của người anh cả, người mở đường trong một ngành khoa học quan trọng và khó khăn như vậy. Có thể lịch sử vốn là không lặp lại, nhưng cũng có thể không phải là dễ dàng mà có lại một tài năng và nhân cách lớn như vậy.

Chỉ vài câu chuyện nhỏ cũng đã làm ta hiểu được cái nhân cách ấy. Một buổi trưa hè, hình như vào năm 1975, hai nữ sinh năm thứ tư hốt hoảng đến tìm tôi để báo tin rằng có một người đàn ông đứng tuổi đứng ở hành lang phòng thí nghiệm Hóa - Lý. Khi các cô yêu cầu ông ra ngoài để khóa cửa phòng thí nghiệm thì ông mỉm cười một cách hiền lành: “Vâng các cô cứ khóa lại rồi tôi lại mở ra để vào vậy”. Tôi nói để các cô yên lòng, đó là thầy Huề. Họ không tin. Họ không thể tin rằng vị Giáo sư nổi tiếng đến thế lại phản ứng một cách hiền lành đến thế... Nhưng hiền hậu và độ lượng như thế, chính là thầy Huề…

Điều làm người ta ngạc nhiên nhất là con người tưởng như chìm đắm trong sách vở, chữ nghĩa ấy, lại rất chu đáo với mọi người. Có lần giáo sư dẫn đầu đoàn đại diện của khoa Hóa đi hỏi vợ cho một cán bộ giảng dạy người tỉnh xa. Thuở ấy, nguồn cung cấp thuốc lá và kẹo bánh duy nhất mà người ta có được là cuốn sổ căng tin... Biết được khó khăn đó, giáo sư đã dành trọn tiêu chuẩn công nghệ phẩm cả tháng của ông để làm món quà ăn hỏi sang trọng, bất ngờ đối với cả gia đình cô dâu và chú rể…

… Hơn 40 năm viết sách, dịch thuật, hiệu đính và tu chỉnh các thuật ngữ Hóa học, cũng ngần ấy năm giảng dạy, lãnh đạo bộ môn Hóa - Lý của trường ĐHVN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tiểu ban Hóa - Lý của UBKHNNVN, ông đã nhận lại trong đời rất nhiều tấm lòng biết ơn và khâm phục. Những sách ông viết, NXB Giáo dục lại quyết định tái bản với số lượng rất lớn. Và khi chúng tôi gặp lại nhau, những điều nói về thầy Huề bao giờ cũng có thật nhiều.

Đỗ Quý Sơn

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags