Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum (1913 -1991)

MÁI TÓC - MÁI TRƯỜNG

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngụy Như Kontum là một tri thức lớn có nhiều công lao với đất nước trong đó có công lao đặc biệt đối với nền giáo dục đại học. Riêng với Đại học Sư Phạm Hà Nội, chính giáo sư là người có công đầu, từng là một thành viên của Ban phụ trách trường Sư phạm Cao cấp ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) từ năm 1951.

Giáo sư Ngụy Như Kontum sinh ngày 3 tháng 5 năm 1913 trong một gia đình viên chức. Chính quán tại xã Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Bố là chủ sự Bưu điện, mẹ là một phụ nữ hiền lành, phúc hậu, lúc trẻ gánh hàng đi bán. Vì gắn bó lâu năm với vùng Tây Nguyên, nên ông bà thường lấy tên nơi sinh đặt tên cho các con.

Tính tình cậu bé Kontum hiền lành, ít nói, thích sống bình dị, lặng im chăm chú học, ít bạn bè đùa cợt. Suốt thời thơ ấu, cậu làm bạn với núi rừng Tây Nguyên, với trẻ em người dân tộc mà đa số là trẻ em Êđê. Đến 11 tuổi chuyển về Huế học lớp nhì Tiểu học, cậu bé Kontum nói thạo tiếng Êđê hơn tiếng Việt. Tới năm 13 tuổi, bước vào năm đầu của bậc học Thành chung, cậu nói tiếng phổ thông vẫn còn chưa thạo lắm !

...Vốn thông minh và chăm chỉ, nên cậu bé Kontum sớm trở thành học sinh xuất sắc của trường Quốc Học Huế. Thầy giáo nào cũng quý mến, hết lòng giúp đỡ cậu. Riêng về môn Văn, do vốn liếng tiếng Việt của cậu còn nghèo, nên cậu học môn này khá là chật vật. Đó là môn cậu học kém nhất!

Một điều vô cùng may mắn đã đến với cậu. Đến năm thứ 4 thành chung cậu được học một ông thầy vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Nội về tập sự ở trường Quốc học Huế. Đó là thầy Đặng Thai Mai.

Từ khi được học thầy Mai, cậu Kontum dần dần tự hào về nền văn học Việt Nam, về tiếng Việt và đã tiến bộ rất nhanh, “không đến nỗi kém nữa”. Sau này, khi đã là một Giáo sư - thạc sĩ gặp lại thầy Mai, Giáo sư Kontum đã nhận mình là học trò cũ của thầy thời niên thiếu, được thầy khen bằng tiếng Pháp “Maintenant vous êtes la grande intelligence et non lapetite enfance” (bây giờ anh là một trí thức lớn, chứ không còn là tuổi nhỏ nữa) Giáo sư Kontum khiêm tốn thưa lại “Thầy quá khen vậy thôi!”.

Hồi đó trường Quốc học Huế chỉ dạy đến bậc Thành chung, nên đến năm 1930 sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc, cậu Kontum được cấp học bổng học tiếp Ban tú tài bản xứ ở Trường Bưởi.

Năm 1932 anh thanh niên Ngụy Như Kontum thi đậu cả 3 bằng tú tài vào hạng xuất sắc, đó là Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán, Tú tài Tây ban Triết.

Anh đúng là cậu Tú “Tam nguyên” ở tuổi 20.

Sau khi đậu 3 bằng tú tài, Ngụy Như Kontum sang Pháp du học và học ở Trường Đại học Paris để được tiếp thu khoa học tận nguồn; nhưng buồn thay, gia đình anh là một gia đình viên chức, chỉ tạm đủ ăn. Vì vậy, khi anh đỗ tú tài, bố mẹ khuyên anh nên đi làm để giúp đỡ bố mẹ nuôi các em. Gia đình anh làm sao có thể mỗi tháng cấp cho anh 100 đồng để ăn học ở bên Pháp. Một trăm đồng hồi đó là một món tiền rất lớn bằng lương tháng của một công chức bậc trung.

May mắn thay, anh đỗ đầu trường cả hai kì thi chọn học sinh để cấp học bổng của Triều đình Huế và của Chính phủ bảo hộ. Tiếng là hai nơi cấp, nhưng cộng lại chưa đủ một suất học bổng (1/3 cộng 1/2 suất). Vì vậy, ở Pháp anh phải tiết kiệm chi tiêu, phải vừa học, vừa dạy thêm để có đủ tiền ăn học và thỉnh thoảng có quà và sách báo gửi tặng bố mẹ và các em.

Qua kỳ thi tuyển rất khó anh đã được vào Trường Đại học Xocbon một Trường Đại học lâu đời và nổi tiếng của Pháp, được thành lập từ thế kỷ XIII ở Paris.

Với bản tính thông minh, lòng say mê học tập, ý chí quyết tâm đạt tới đỉnh cao khoa học, với hoài bão đem tài năng về phục vụ Tổ quốc, anh sinh viên Ngụy Như Kontum đã không khó khăn gì sau 3 năm học giành được bằng cử nhân khoa học và thêm 3 năm nữa bằng thạc sĩ Lý - Hoá vào hạng xuất sắc. Điều may mắn tiếp theo là anh được nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của nước Pháp là Giáo sư Giôliô Quyri giúp đỡ ở lại làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của ông. Rất tiếc là thời gian làm việc ở đây chỉ có 1 năm vì tiếp đó là chiến tranh thế giới lần thứ 2, phòng thí nghiệm của Giáo sư Giôliô Quyri bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Với lời lẽ chân tình, Nhà bác học Pháp khuyên anh :

“Nếu anh muốn tiếp tục ở lại thì phải có hai điều kiện: xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng. Tôi có thể giúp anh trong công việc này, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”.

Nghe lời khuyên của Giáo sư Giôliô Quyri “đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”, cuối năm 1937, anh đành bỏ ý định đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử, từ giã người thầy uyên bác và nhân hậu của mình để xuống tàu về nước.

Về nước, anh được bổ nhiệm về dạy ở Ban tú tài trường Satxơlup Luba (Sài Gòn cũ). Năm 1941, theo yêu cầu của Giáo sư, nhà đương cục dành chuyển Giáo sư về dạy ở trường Bưởi (cũ). Đây là một niềm an ủi lớn đối với Giáo sư, vì còn gì hạnh phúc bằng được dạy chính tại nơi mình đã từng học trong những năm tháng đầy mơ ước của đời mình?

Thời kỳ này, trường Bưởi đã có cả một đội ngũ giáo sư người Việt tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, như các Giáo sư Dương Quảng Hàm, Trần Văn Khang, Lê Thước... phụ trách giảng dạy tất cả các bộ môn ở bậc Cao đẳng tiểu học. Ở Ban Tú tài, những môn Văn học Pháp, Lịch sử Pháp, Toán học, Vật lý, Hoá học, trước kia người ta tưởng như chỉ có Giáo sư người Pháp mới dạy nổi, thì nay lần lượt các Giáo sư người Việt thay thế hẳn - đó là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Ngụy Như Kontum.

Cũng như một số giáo sư khác dạy ở Ban tú tài, Giáo sư Ngụy Như Kontum là người không chịu dạy theo sách giáo khoa soạn và in từ bên Tây gửi sang. Giáo sư tự biên soạn giáo trình riêng của mình, in thành nhiều bản, phân phát cho học sinh dùng.

Ngoài việc dạy học và phụ trách Đoàn Rồng, đoàn du lịch tham quan đầu tiên ở trường Bưởi, Giáo sư Ngụy Như Kontum còn hướng dẫn thực hành khoa học ở trường Cao đẳng khoa học Hà Nội. Năm 1942, tờ báo Khoa học đầu tiên của nước ta ra đời do Giáo sư Nguyễn Xiển làm chủ bút. Mục đích của tờ báo này là tuyên truyền khoa học bằng tiếng Việt. Ban biên tập gồm nhiều giáo sư, bác sĩ, kỹ sư có tên tuổi, như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là người đã biên soạn và xuất bản tập Danh từ khoa học (dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt). Giáo sư Ngụy Như Kontum biết ít chữ Hán đã dùng thuật ngữ Hán - Việt theo cuốn từ điển Đào Duy Anh viết bài đầu tiên bằng tiếng Việt về những chuyến bay của con người ra ngoài hành tinh của chúng ta trong tương lai.

Sau đêm Nhật đảo chính Pháp, các trường học đóng cửa, Giáo sư Ngụy Như Kontum chuyển làm Giám đốc Đông Dương học xá, một cư xá của các sinh viên Việt Nam xây dựng tại phía Nam thành phố Hà Nội (ngày nay mở rộng thành Trường Đại học Bách khoa).

Chính tại nơi đây, một sự kiện lịch sử đã diễn ra. Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại:

“Chiều 22-8-1945, sau cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội sinh viên và thanh niên học sinh tổ chức mít-tinh ở Đông Dương học xá có mời nhiều nhà trí thức trong đó có các anh Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Hồ Hữu Tường và tôi đến phát biểu ý kiến. Chúng tôi đều đồng thanh ủng hộ Việt Minh. Hôm sau, chúng tôi cùng ký tên gửi một bức điện đòi Bảo Đại thoái vị và giao quyền cho Việt Minh thành lập chính phủ. Cụ thân sinh anh Kontum tên là Ngụy Như Bích lúc ấy làm Chủ sự Phòng bưu điện Huế, đã đến trao tận tay bức điện cho Bảo Đại. Vì sự việc ấy, cho nên sau này có Nhà sử học Pháp viết về Cách mạng tháng Tám đã gọi nhóm chúng tôi - trong ấy có anh Ngụy Như Kontum, là nhóm “Những người đánh điện”.

Thiết nghĩ câu chuyện kể trên đã đủ để nói lên thái độ dứt khoát, kiên quyết của Giáo sư Ngụy Như Kontum từ bỏ vĩnh viễn chế độ xã hội thực dân phong kiến để đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, mang hết trí tuệ, tài năng của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Giáo sư Ngụy Như Kontum lên căn cứ địa Việt Bắc. Chính phủ đã cử Giáo sư làm Tổng Giám đốc trung học vụ đồng thời làm Đổng lí sự vụ Bộ Quốc gia Giáo dục suốt thời gian từ cuối năm 1946 đến hết năm 1950. Có thể nói đây là quãng thời gian mà Giáo sư đã dồn hết sức mình để xây dựng nên cấp Trung học trên quy mô cả nước.

Với cương vị là Tổng Giám đốc trung học vụ, Giáo sư Ngụy Như Kontum đã cố gắng xây dựng hệ thống các trường trung học ở khắp các tỉnh. Giáo sư đã vận động được nhiều thanh niên trí thức, trong đó nhiều người là học sinh cũ của Giáo sư cùng tham gia tổ chức các trường trung học ở khắp các địa bàn. Bằng phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp, Giáo sư đã đến hầu hết các tỉnh từ miền núi đến miền xuôi, leo đèo, lội suối, không quản khó khăn, nguy hiểm (Một lần Giáo sư đã suýt chết vì bom ở Chiêm Hoá, Phú Thọ. Một lần Giáo sư bị tai nạn phải đưa vào bệnh viện cấp cứu).

Trong quá trình hình thành mạng lưới các trường trung học, Giáo sư Ngụy Như Kontum đã dành nhiều thời gian để biên soạn bộ sách vật lý cho các trường. Bộ sách này được in tại Nhà in Báo “Vui sống” ở Phú Thọ.

Tuy phụ trách khối trường trung học là chính, nhưng Giáo sư còn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn Xiển hồi đó về danh nghĩa vẫn là Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Bộ, nhưng được Hồ Chủ tịch và Chính phủ cho phép tham gia công tác giáo dục. Giáo sư đã được Giáo sư Ngụy Như Kontum “làm hết sức mình” để tạo điều kiện mở lớp toán học hàm thụ, rồi lớp Toán học đại cương ở huyện Lập Thạch, làng Đại Điền, chân núi Tam Đảo và giúp Giáo sư Nguyễn Xiển hoàn thành bộ sách Toán học đại cương và Cơ học thuần lý, làm tài liệu giảng dạy đầu tiên cho lớp khoa học cơ bản ở Chiêm Hoá và tiếp sau đó cho Trường khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc).

Mùa thu năm 1951, chuẩn bị cán bộ khoa học cho đất nước sau ngày thắng lợi, Trung ương đã điều động Giáo sư Ngụy Như Kontum sang giảng dạy ở Khu học xá Trung ương đặt trên đất Trung Quốc.

Tại đây, Giáo sư Ngụy Như Kontum được giao nhiệm vụ trong ban phụ trách trường Sư phạm Cao cấp là Giáo sư vật lý Trường Khoa học cơ bản - cả hai trường này đã đào tạo được trên 300 giáo sư và cán bộ khoa học, biên soạn được nhiều giáo trình đại học.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại, Giáo sư Ngụy Như Kontum trở về Thủ đô Hà Nội dạy Vật lý ở Trường Đại học Sư phạm khoa học. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, Giáo sư được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường, liên tục giữ chức vụ đó cho tới khi Giáo sư về hưu (1982).

Hiếm có một Hiệu trưởng trường Đại học nào tham gia nhiều hoạt động xã hội như Giáo sư Ngụy Như Kontum. Là đại biểu quốc hội khoá 3 và khoá 4 (1964 - 1975), Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên đoàn, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam... Giáo sư luôn luôn có những ý kiến chân thành, xây dựng đối với việc dân, việc nước, nhất là đối với ngành Giáo dục, biểu thị tấm lòng yêu quý và trung thành đối với nghề Nhà giáo, luôn luôn nghĩ đến tương lai con cháu…

Dương Xuân Nghiên

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags