Giáo sư Lê Khả Kế (1918 - 2000)

GIÁO SƯ LÊ KHẢ KẾ - NHÀ SƯ PHẠM MẪU MỰC TẬN TỤY, NHÀ KHOA HỌC TÀI NĂNG, NHÂN HẬU

Giáo sư Lê Khả Kế sinh ngày 15 - 6 - 1918 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Giáo sư Lê Khả Kế tốt nghiệp kỹ sư canh nông từ trước năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, Thầy dã tham gia tích cực phong trào cách mạng và kháng chiến ở địa phương. Năm 1946, được Nhà nước ta mời dạy học tại trường Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Thầy đã hiệt thành tận tụy đem hiểu biết của mình truyền thụ và hướng dẫn cho lớp thanh niên của chế độ mới trở thành những kỹ sư nông học đầu tiên của trường Đại học Nông nghiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau ngày 19 - 12 - 1946, toàn quốc kháng chiến, Thầy được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Trung cấp.

Năm học 1949 - 1950 Thầy được điều động trở về Hà Tĩnh, quê hương Hồng Lĩnh của mình làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp III Phan Đình Phùng. Thầy là vị Hiệu trưởng thứ 5 của trường Phan Đình Phùng và là hiệu trưởng đầu tiên khi trường có các lớp học sinh cấp III.

Năm 1951 - 1955 Thầy được Bộ Giáo dục điều động ra Ban Tu thư của Bộ ở Việt Bắc, tham gia biên soạn sách giáo khoa. Trong thời gian này, Thầy còn được mời sang Khu Học xá Nam Ninh (Trung Quốc) dạy các môn khoa học cơ bản. Từ năm 1955 đến 1963, Thầy là Phó Chủ nhiệm khoa Hóa - Sinh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng ta.

Năm 1963 đến 1966 Thầy là Tổ trưởng Tổ Thuật ngữ Từ điển Khoa học của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

Từ 1968 đến khi về hưu, thầy là chuyên viên nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

Giáo sư Lê Khả Kế là nhà sư phạm mẫu mực tận tụy, nhà khoa học nhiều tài năng và nhân hậu.

Thầy là tác giả và đồng tác giả, là chủ biên của trên 30 công trình tác phẩm khoa học kỹ thuật đã được công bố và xuất bản, trong đó nổi bật là các bộ Từ điển Thuật ngữ Chuyên ngành Nông Lâm, Sinh học, đặc biệt là các Từ điển Thuật ngữ đối chiếu Anh Việt và Pháp Việt.

Trong những năm tôi dạy ở trường cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, Ủy Ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, Ty Giáo dục Hà Tĩnh, Hội đồng giáo viên trường cấp III Phan Đình Phùng thường nêu gương và nhắc đến tên Thầy như một biểu trưng đẹp đẽ, đáng kính, tự hào về một vị Hiệu trưởng tinh thông nhiều lĩnh vực khoa học, có bản lĩnh tự học, tự nghiên cứu và quán xuyến mọi công việc chuyên môn, quản lý, lãnh đạo nhà trường cấp III vào loại lớn nhất của Liên khu IV. Nhân dân, bà con xã Sơn Bằng và huyện Hương Sơn cũng cảm thấy vinh sự cho địa phương mình có một thầy giáo tài cao, đức trọng, tác phong khiêm tốn, giản dị, gần gũi nhân dân, thuơng yêu học sinh như con cháu mình.

Năm 1962 đến 1965, tôi lại được làm giảng viên môn Tâm lý học, Giáo dục học ở ĐHSP Hà Nội và ĐHSP Vinh. Chúng tôi vô cùng kính phục gương mô phạm của Thầy trong giảng dạy các môn khoa học và phong cách ứng xử gần gũi, nhân hậu đối với sinh viên, bạn đồng nghiệp và nhân dân.

Sau này, nhiều lần tổ chức ngày hội trường tại trường PTTH Phan Đình Phùng thuộc Thị xã Hà Tĩnh hoặc những lần họp mặt các giáo viên cũ của tỉnh Hà Tĩnh nay còn công tác ở Hà Nội, chúng tôi gặp Thầy. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng Thầy vẫn ân cần thăm hỏi và trò chuyện với từng người về tình hình trường Phan Đình Phùng xưa và nay, về các Thầy giáo cũ nay ai còn, ai mất…

Trong đôi mắt trầm tư của mình, hình như Thầy đang hồi tưởng về những ngày sôi nổi trước đây, thầy trò dạy và học nơi sơ tán dưới làn bom đạn địch, những ngày vất vả gian truân vừa chống chiến tranh giặc Pháp và giặc Mỹ vừa quyết tâm đào tạo - giáo dục những học trò để sau này trở thành các cán bộ Khoa học - Kỹ thuật - những nhà Sư phạm xây dựng và bảo vệ đất nước.

Năm 1980, Thầy được Nhà nước phong học hàm Giáo sư.

Ngày 24 - 11 - 1994, Thầy đã góp những đồng tiền nhuận bút các tác phẩm khoa học và từ điển được in ấn của mình, tặng 50 triệu đồng cho trường PTTH Phan Đình Phùng để làm quỹ học bổng giúp các học sinh nghèo học giỏi.

Trước nghĩa cử cao đẹp của Thầy, thể theo ý nguyện của các Thầy giáo và học sinh, được sự đồng ý của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh, trường Phan Đình Phùng đã chính thức thành lập Quỹ Học bổng Khuyến học của Trường mang tên Giáo sư Lê Khả Kế.

Suốt cuộc đời Thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Khi về hưu, tuổi già, sức yếu Thầy vẫn nghĩ đến việc tiếp tục hỗ trợ về trí tuệ và tiền của nhằm động viên, giúp đỡ các học sinh nghèo.

Ôi! Tấm lòng nhân hậu, bác ái, vị tha và tinh thần tận tụy với “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” của vị Giáo sư già sao mà cao đẹp vậy!

Nguyễn Như An

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags