NGƯỜI CỐNG HIẾN SUỐT ĐỜI CHO NGÀNH SINH HỌC VIỆT NAM (VIẾT VỀ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐÀO VĂN TIẾN)
Năm 1940, sau khi tốt nghiệp tú tài (trung học) theo lời khuyên bảo của GS Hoàng Xuân Hãn, ông đã đi vào trường Đại học Khoa học Đông Dương và đã tốt nghiệp cử nhân khoa học tự nhiên và cao học động vật học vào năm 1944. Cũng từ đây ông bước chân vào hoạt động khoa học trên lĩnh vực này.
Là người có chí nên ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường ông đã bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Boris Noyer phụ trách phòng thí nghiệm sinh học và y học thực nghiệm về thử nghiệm dược lý.
Sau khi tốt nghiệp cao học ông đã được ở lại trường làm phụ giảng. Chỉ một năm sau ông đã biên soạn và xuất bản cuốn "Danh từ Vạn vật học" (Vocabulaire Sientifque) - 1945. Mở đầu cuốn sách là lời giới thiệu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn "... Tác giả là ông Đào Văn Tiến, là một bạn trong đám thanh niên tốt nghiệp đầu tiên ở Đại học Hà Nội về môn vạn vật học.
… Những danh từ đặt ra ở đây có thể thông dụng được.
… Trong lúc gấp, cần dạy và phổ thông các môn khoa học bằng tiếng ta, tập Danh từ khoa học này góp với tập trước, sẽ giải quyết tạm được vấn đề danh từ về các khoa học đại cương".
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông đã rời Hà Nội khoác ba lô lên chiến khu Việt Bắc, khoác áo chiến sĩ, tham gia giảng dạy ở trường Quân Y. Năm 1951 ông được cử sang Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc giảng dạy tại trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp được chuyển từ Tuyên quang sang. Trong thời gian này ông cùng Giáo sư Lê Khả Kế đảm nhiệm các giáo trình sinh vật học. Nhiều người tốt nghiệp các khoá học ở đây đã trở thành các giáo sư, tiến sĩ và đảm nhận những chức vụ quan trọng trong các cơ quan khoa học của nhà nước như: Giáo sư Võ Quý, Giáo sư Hoàng Đức Nhuận …và nhiều người khác, công tác giảng dạy ở các Viện khoa học và các trường đại học.
Hoà bình lập lại trường Đại học Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp chuyển về Thủ đô Hà Nội. Ông đã trở thành giảng viên chính thức. Năm 1956 theo quyết định của Bộ Giáo dục, Trường Đại học Tổng hợp và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập. Ông được phân công về Trường Đại học Tổng hợp và trở thành Chủ nhiệm khoa Sinh học.
Ông đã đem đến cho sinh viên những bài giảng sinh động, những mẩu chuyện lý thú về thiên nhiên, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhiều thế hệ sinh viên. Ông không chỉ dạy sinh viên kiến thức khoa học mà còn chú ý đến tác phong đạo đức con người. Điều đó không chỉ thể hiện qua các buổi lên lớp, các chuyến đi thiên nhiên mà còn qua thực tế cuộc sống của chính bản thân ông. Ông luôn là một nhà sư phạm mẫu mực.
Với hy vọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học từ lớp thanh niên ông đã viết cuốn sách "Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc học tập" (NXB Thanh niên) với lời đề "Tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước".
Ngay từ đầu thập niên 60 ông đã định hướng cho ngành sinh vật học vào công việc thống kê nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, ông chú ý nhiều đến nguồn lợi động vật hoang dã. Cùng với GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp chỉ đạo thực hiện đề tài Điều tra động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền Bắc Việt Nam.
Ông đã trực tiếp tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực địa khu vực biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Lai Châu, nhiều huyện thuộc các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc đến các huyện miền núi của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ông đã phát hiện 10 dạng động vật mới cho Việt Nam. Đặc biệt ông là người đầu tiên mô tả hai loài phụ Voọc ăn lá: Voọc Hà Tĩnh Trachypithecus francoisi hatinhensis và Voọc mào Trachypithecus cristatus caudalis, lần đầu tiên phát hiện loài phụ vượn đen tuyền Hylobates concolor - hainanus ở giữa đồng bằng sông Hồng và biên giới Đông Bắc Trung Quốc.
Ông đã có hàng trăm công trình khoa học, các bài báo viết về nguồn động vật hoang dã, về sinh thái, sinh học, tập tính học. Ông đã lập ra các khoá tra cứu phân loại các loài ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu, chuột ở Việt Nam. Những tài liệu này được coi là cẩm nang của các nhà động vật học. Đặc biệt cuốn "Khảo sát thú ở miền Bắc Việt Nam" của ông, cùng với cuốn "Bước đầu xác định các loài thú ở Nam Việt Nam" (Preliminary Iden-tification Manual for Mam-Masl of South Việt Nam...) của Van Pênên được coi là cuốn sách quan trọng tối cần thiết cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu khu hệ thú ở Việt Nam. Ông là người quan tâm đến vấn đề môi trường rất sớm. Ông đã gửi báo cáo khoa học về "Một vấn đề lớn về môi trường đặt ra ở miền Nam Việt Nam" tham gia Hội thảo Quốc tế bảo vệ môi trường ở Hereeg Novi (tháng 4 - 1974) và hàng loạt bài báo về lĩnh vực này: Con người và thiên nhiên, Về một kế hoạch phát triển giáo dục môi trường ở Việt Nam, Thực hiện cho được giáo dục môi trường ngoài nhà trường, Về việc xây dựng các Vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên, Tuổi trẻ và Môi trường v.v... trên các tạp chí: Cộng sản, Lâm nghiệp, Tổ quốc, báo Khoa học và đời sống... Những bài viết của ông mang tính logic đầy thuyết phục.
Ông đã tạo ra nhiều thế hệ các nhà sinh vật học Việt Nam.
Công lao to lớn của ông đã được xã hội ghi nhận. Đó là: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1977. Nhà nước phong Giáo sư 1980. Năm 1983 ông được Chính phủ tặng thưởng huân chương lao động hạng 3. Một vinh dự to lớn nữa đến với ông là Hội đồng Nhà nước năm 1989 tặng ông danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - Danh hiệu cao quý nhất của người thầy giáo……
Giáo sư Colin Groves trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia viết trên tạp chí Phòng thí nghiệm khỉ hầu (Laboratoty Primate newsletter) tập 34 số 3 tháng 7 năm 1995: "Những chỉ bảo của ông, những công trình khoa học của ông đối với sinh viên là vô cùng quan trọng và hầu như không có giới hạn. Chắc chắn tất cả những nhà sinh vật học lâu năm ở miền Bắc Việt Nam đều kính trọng gọi Giáo sư Đào Văn Tiến là thầy của họ. Thật khó mà đánh giá được tầm quan trọng của con người lịch thiệp và chín chắn trong lịch sử khoa học Việt Nam. Ông mất đi là một tổn thất lớn đối với chúng ta. Mặc dù ông đã rời khỏi thế giới này nhưng ông đã để lại một tài sản to lớn về những công trình nghiên cứu về sinh học ở Việt Nam và truyền thống uyên bác để các thế hệ sau học tập và theo bước chân ông".
Giáo sư Đào Văn Tiến là người đã cống hiến trọn đời cho khoa học sinh vật học Việt Nam.
Hà Đình Đức
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)