Giáo sư Cao Xuân Huy (1900 - 1983)

SỰ IM LẶNG CỦA NÚI (BÀI VIẾT VỀ HỌC GIẢ CAO XUÂN HUY, GIÁO SƯ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI TỪ 1951-1960 - GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH)

Tôi có cái may mắn được sinh ra trên đất Nghệ cùng quê với học giả Cao Xuân Huy. Cụ người Diễn Châu, tôi người Nghi Lộc, hai huyện liền nhau và hai nhà cách nhau chỉ chưa đầy hai chục cây số. Tôi lại con một nhà Nho có dính bảng tú tài vào khoa Giáp Ngọ (1894), cùng khoa với Tú Xương) nên ngay từ lúc bắt đầu học chữ Hán, tập tô mấy chữ “Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng” trên bảng gỗ, tôi đã được nghe cha kể về gia thế cụ Thượng Cao (tức là Cao Xuân Dục, ông nội của học giả Cao Xuân Huy) quê Diễn Châu, với tất cả sự kính nể, tôn sùng. Điều này dĩ nhiên đã chi phối cách nghĩ của tôi sau này về học giả Cao Xuân Huy và con trai cụ, anh bạn Cao Xuân Hạo. Riêng về cụ Huy, thì ngay khi bắt đầu đi học trường Pháp - Việt, tôi cũng đã được nghe các thầy giáo cũng với thái độ sùng kính kể cho nghe nhiều chuyện. Nào là cụ Huy cùng với Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Hoài Thanh, Nguyễn Đức Bính... là mấy nhà văn hoá, khoa học giỏi nhất tỉnh Nghệ thời Tây. Cụ Huy đã từng tranh luận và thắng cuộc về triết học với một người Pháp hồi ở Huế. Cụ Huy am hiểu, say mê và đặc biệt là sống theo triết lý Lão - Trang là “vô vi” đã bị hiểu theo kiểu nôm na, dung tục và dĩ nhiên là không đúng, tức là: không làm gì cả, cái gì cũng chẳng coi là gì cả. Ví như: đi đường gặp mưa, người ta thì mau chân rảo bước, tìm nơi ẩn náu, còn cụ thì cứ từng bước mà đi. Đang ngồi đọc sách, kẻ trộm vào lấy quần áo phơi ở sân, trông thấy, cũng mặc. Hôm sau kẻ trộm lại đến lấy, lại trông thấy, thì chỉ hỏi nhẹ: mấy thứ hôm qua lấy chưa đủ mặc à. Nhiều chuyện được kể về cụ Huy như vậy, chẳng hay chính xác tới đâu, nhưng đã để lại trong tuổi thơ của tôi, ấn tượng về một bậc siêu nhân, khác lạ giữa trần gian là Cao Xuân Huy.

Năm 1951, trường Dự bị đại học mở ở hai địa điểm là Nghệ An và Thanh Hóa sau đó mới quy về một nơi là Thanh Hóa. Nhân dịp giáo sư Trần Văn Giàu mà bấy giờ dư luận coi là người có tài hùng biện, có tài diễn thuyết hay nhất nước Nam, vừa từ Việt Bắc vào Thanh dạy Dự bị đại học và có sang dạy cho phân hiệu Nghệ An. Tôi đi nghe và đây là lần đầu tiên tôi được nhìn bác siêu nhân Cao Xuân Huy với gương mặt thanh tú, có cặp mắt tinh anh hiền từ, trên miệng như lúc nào cũng đang sắp cười mà không cười, tay cầm đèn dầu hoả (vì lớp học phải học ban đêm), tay cầm chiếc ghế xếp, đến ngồi ngoài sân đình nghe Giáo sư Giàu giảng về triết học. Kế đó, từ năm 1954 đến 1957 là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi chính thức được làm học trò giáo sư Cao Xuân Huy về hai môn là Tâm lý học và Logic học. Phải nói là lúc này, Giáo sư Cao Xuân Huy đối với số đông thuộc thế hệ sinh viên chúng tôi chưa phải là vị thầy có tiếng tăm lừng lẫy. Lý do là vì Giáo sư Cao Xuân Huy viết quá ít. Vả chăng lại chưa được dạy đúng vào chỗ giỏi nhất, cao siêu nhất của mình. Bấy giờ triết học phương Đông cổ truyền đâu đã có chỗ đứng trong nền giáo dục, kể cả giáo dục đại học. Từ năm 1957 đến 1960, với tư cách trợ lý, tôi lại được trường đại học sắp xếp cho ở chung nhà với Giáo sư Cao Xuân Huy và cả với các giáo sư khác: Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Nhị tại ngôi nhà 16Đ ngõ Hai, Hàng Chuối. Do đó, tôi lại biết thêm về cụ. Biết cụ, té ra ở thời thanh niên cũng từng tham gia phong trào ái quốc sôi nổi bị chính quyền thực dân bắt giam và sau đó đuổi không cho dạy học ở trường công phải ra dạy trường tư và đọc trên Đông Pháp thời báo xuất bản ở Sài Gòn tôi thấy đăng một bức thư của một số trí thức trong đó có Trần Phú (sau đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) và Cao Xuân Huy gửi vào Huế bày tỏ niềm ngưỡng mộ cụ Phan Bội Châu, lúc này vừa mới bị đưa về giam lỏng tại Bến Ngự. Ở gần cụ Huy suốt ba năm, tôi thấy cụ rất ít nói mặc dù cặp mắt lúc nào cũng vui và miệng lúc nào cũng như sắp cười mà không cười như ngày đầu tôi đã thấy. Ngày ấy có dư luận cụ Huy là người mê Lão - Trang không nhập thân được vào chủ nghĩa Mác trong khi mọi trí thức Hà Nội hầu như đã hướng hẳn vào con đường độc đạo là chủ nghĩa Mác. Từ năm 1961 trở đi, tôi chuyển chỗ ở. Cụ Huy cũng chuyển công tác từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về Viện Văn học. Tuy vậy thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp cụ ở Viện Văn học, ở nhà người con rể, anh bạn Văn Tâm. Cứ mỗi lần gặp là mỗi lần vui sướng vì được gần gũi một nhân cách cao thượng, một hình ảnh hấp dẫn về trí tuệ, về học vấn mặc dù trước sau cụ vẫn là người ít nói. Tôi gặp cụ Huy theo kiểu “đối diện đàm tâm” không như gặp cụ Mai thì trò chuyện hết điều này điều khác và thường phải sợ thầy hỏi lục vấn như là kiểm tra chuyện đọc sách vở của mình. Giáo sư Cao Xuân Huy sau 1975 vào Sài Gòn sống với con trai là anh Cao Xuân Hạo. Mấy lần vào Sài Gòn tôi có đến thăm cụ và vẫn là theo kiểu “đối diện đàm tâm” nhưng trong lòng tôi thì vẫn vui vô cùng. Ngày cụ qua đời có người mách với tôi: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho người đến tìm con gái cụ là chị Cao Thị Cam (vợ anh Văn Tâm) sống ở Hà Nội hỏi địa chỉ trong Sài Gòn để gửi vòng hoa tới viếng. Kế đó lại có tin tại Thành phố Hồ Chí Minh có đường đặt tên Cao Xuân Huy. Tôi thầm nghĩ: đáng khen cho ai đó đã có con mắt xanh trong khi làm mưu sĩ cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ở Sài Gòn, có đường phố Cao Xuân Huy là đẹp thêm thành phố rất nhiều. Học giả Cao Xuân Huy đã sống, đã đi qua giữa cõi đời như thế và người đời đã đối xử với cụ như thế, thiết tưởng cũng đã là thỏa đáng rồi, nhưng chuyện lại không chỉ dừng ở đây. Sau 13 năm cụ đã hóa thân vào ĐẠO, vào vũ trụ, hôm nay trước mắt chúng ta lại bỗng nhiên có cuốn sách: Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu mà tác giả là Cao Xuân Huy. Thú thật, đối với tôi đây là một hiện tượng gây xúc động lớn. Tôi biết sức mình chưa thể hiểu hết, cũng chưa dám nói là hiểu đúng, để nhận xét đúng giá trị của cuốn sách dày 790 trang in này. Nhưng trong sự cảm nhận bồng bột ban đầu, tôi vẫn muốn coi nó là một hiện tượng đột khởi trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tính từ xa xưa tới nay, với một số ý nghĩ cũng là ban đầu về nó như  sau:

1. Trước hết nó là sản phẩm của một đời im lặng mà là một thứ im lặng đặc biệt. Ở đây cần nói thêm về cái im lặng này. Bởi nó là sự im lặng không chỉ là do cá tính thông thường là đã quen gặp, mà còn là có liên quan đến cả một truyền thống triết học xưa cũ của phương Đông. Tôi muốn cho rằng truyền thống triết học mang tính hướng nội nhiều hơn là hướng ngoại của phương Đông, trong đó có quan niệm “thuật nhi bất tác”, “dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai” (ta không muốn nói đâu, bốn mùa đi lại, vạn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu) của Khổng Tử, chủ trương “vô ngôn thông”, “bất lập văn tự”, “ngôn ngữ loạn đạo” của Phật giáo và cả lý thuyết “Bất ngôn chi giáo”,” “Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri” của Lão Tử... Chắc chắn là có ảnh hưởng sâu sắc đến sự ít nói, ít viết của học giả Cao Xuân Huy. Và tôi muốn nói đây là sự im lặng của núi. Núi của tri thức. Núi của trí tuệ. Núi của sự suy tư, của sự nghiền ngẫm. Cuốn sách Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu của học giả Cao Xuân Huy trong cảm nghĩ ban đầu của tôi hiện tại trước hết là như thế. Tôi nói điều này là ít nhiều có sự so sánh với người này, người khác từng có nhiều công trình về triết học phương Đông mà tôi cũng ít nhiều đã và vẫn kính phục. Nhân đây xin được nhắc lại câu chuyện được nghe kể về một nhà Đông phương học nổi tiếng, cỡ lớn của Liên Xô cũ đầu những năm 70 đến Hà Nội sau khi gặp cụ Huy đã bái phục tôn lên bậc thầy và cho là người hiếm hoi của thế giới hiện thời. Nếu chuyện kể này là đúng sự thật thì hẳn là hỗ trợ cho cái điều tôi vừa nói.

2. Sức hấp dẫn của cuốn sách với tôi cũng là sức hấp dẫn của một tư thế và một khả năng tư duy triết học. Vốn là một người từng được phân công làm trợ lý lịch sử triết học cho Giáo sư Trần Đức Thảo nhưng rồi sự bất thành, phải quay lại nghiệp văn chương song tôi vẫn tìm đọc được ít nhiều các sách triết học thì thấy một tình trạng là: có tác giả chuyên sâu, thậm chí là rất sâu kiến thức triết học phương Tây nhưng với triết học phương Đông cổ đại thì hầu như không biết gì. Ngược lại có những người chuyên viết về triết học phương Đông trung đại thì với triết học phương Tây cũng chỉ là lảo thảo. Riêng với công trình Tư tưởng phương Đông của cụ Huy tuy nội dung chính là nói về triết học phương Đông nhưng tầm nhìn, thế nhìn lại là bao trùm cả Đông Tây, lại là mang tính vĩ mô nhân loại lịch sử, vĩ mô toàn thế giới. Đúng là thế! Học giả Cao Xuân Huy đã tỏ ra là người cùng một lúc, am hiểu khá sâu, khá kỹ lịch sử triết học phương Đông lẫn lịch sử triết học phương Tây theo tinh thần phán đoán, nhận xét một cách có chủ kiến và bằng một năng lực tư duy triết học vốn mang đặc trưng trừu tượng cao siêu để từ đó tạo ra hệ thống tư tưởng triết học riêng của mình.

Đọc cuốn sách Tư tưởng phương Đông tôi có cảm tưởng nó là tư tưởng phương Đông nhưng cũng là tư tưởng Cao Xuân Huy, nhất là xét ở cấp độ hệ thống, ở phương diện tổng kết và đề xuất. Từ lâu, dư luận vẫn cho rằng cụ Huy là nhà Đạo học, nghĩa là theo triết học Lão - Trang nhưng đọc vào công trình này dễ thường có cảm tưởng nói như thế chưa chắc đã đúng hẳn, bởi học giả Cao Xuân Huy là hiện tượng còn rộng hơn cả Đạo học. Trong Tư tưởng phương Đông của học giả Cao Xuân Huy, cái phần để được người đọc chú ý nhiều nhất và cũng là phần tác giả có nhiều trí tuệ nhất có lẽ là phần đầu nói về chủ toàn và chủ biệt hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây. Trong đó cái chủ toàn quả thật là nét đặc trưng bản chất nhất của triết học phương Đông cổ đại mà học giả Cao Xuân Huy đã giúp người đọc hiểu rõ hơn đâu hết. Nhưng ở đây rõ ràng cũng không chỉ là một sự tường thuật, một sự miêu tả đơn thuần mà còn là một sự phân tích, một sự đánh giá, một hệ thống lý giải mới trên cơ sở so sánh vĩ mô mang đậm dấu ấn sáng tạo của bản thân học giả họ Cao.

Để thấy rõ hơn nữa bản lĩnh triết học của học giả Cao Xuân Huy, tôi muốn trở lại với tình hình giao lưu văn hoá - tư tưởng Đông - Tây trong khoảng hai thế kỷ qua trên xứ sở phương Đông. Như mọi người đã biết, trong thời cổ đại, nhân loại có ba nền văn minh lớn thì trong đó hai là thuộc phương Đông. Đó là văn minh cổ đại Ấn Độ và văn minh cổ đại Trung Hoa. Trong khi phương Tây chỉ có một là nền văn minh Cổ đại Hy - La. Nhưng qua thời trung đại thì do những điều kiện khác nhau, phương Tây đã bứt lên, tạo ra một nền văn minh vật chất và văn minh tinh thần phong phú, bề thế, trong khi đó thì phương Đông đã tỏ ra là chậm phát triển. Bởi thế mà từ giữa thế kỷ XIX đã phải chịu sự tấn công, áp đào toàn diện của phương Tây. Ở đây quy luật của sự áp đảo là quy luật giữa cái mạnh và cái yếu: do mạnh mà áp đảo được; do yếu mà bị áp đảo. Nhưng chuyện không chỉ thế. Bởi kẻ mạnh không phải cái gì cũng hay. Ngược lại kẻ yếu không phải cái gì cũng dở. Có điều, một khi đã có sự áp đảo thì cái dở của kẻ mạnh cũng thành chiến thắng và cái hay của kẻ yếu cũng thành chiến bại. Quy luật vừa nói đây đã thể hiện khá rõ trong tình hình giao lưu văn hóa, tinh thần Đông Tây tại nhiều nước phương Đông trong hai thế kỷ qua. Trong cuộc giao lưu văn hóa này, sự nâng đỡ của văn hóa tinh thần phương Tây đối với phương Đông quả là rất lớn nhưng sự áp đảo của nó đối với phương Đông cũng không nhỏ. Một bi kịch đã diễn ra đối với phương Đông là nhiều giá trị tinh thần trong đó có truyền thống triết học rất mực cao siêu (dĩ nhiên cao siêu nhưng vẫn có hạn chế) đã từng có vị trí, có tác dụng to lớn trong đời sống xã hội phương Đông nay bị hạ bệ, bị mai một. Sự thật đau xót là chính không ít người phương Đông đã tham gia tích cực vào sự hạ bệ này, mặc dù cũng chính họ là người rất mực yêu quý phương Đông. Và quả thật tôi đã từ những suy nghĩ đó, mà đến với cuốn sách Tư tưởng phương Đông của học giả Cao Xuân Huy, và có thể nói tôi đã không thể giấu nổi sự thần phục cái tư thế triết học, cái tư thế học thuật của học giả siêu nhân họ Cao. Tôi muốn nói như thế này được chăng: Cụ Huy đã không chịu bất cứ sự áp đảo nào mà đứng vững, đứng trên, đứng ngoài tất cả để suy nghiệm, để tìm tòi, để tạo ra ít ra là một giả thuyết khoa học có tầm vóc nhân loại, để nhân loại tuỳ ý mà phán xét mà đồng tình hay không đồng tình nhưng hẳn là không dễ dãi gì bác bỏ với ai đó là người biết rõ thế nào là sự tìm tòi vất vả đối với chân lý khoa học ở tầm cỡ lớn.

3. Cuốn sách Tư tưởng phương Đông của học giả Cao Xuân Huy thực ra chưa phải đã bao gồm hết mọi vấn đề của lịch sử tư tưởng đã có ở phương Đông. Ngay phần nói về tư tưởng Việt Nam trong cái gọi là tư tưởng phương Đông này thì quả thật là còn ít ỏi chưa đủ độ bề thế so với phần nói về tư tưởng Trung Hoa. Nhưng những gì cụ Huy đã phát biểu về tư tưởng Việt Nam vẫn là thể hiện cách nghĩ hết sức độc đáo của cụ, một học giả lớn. Luận điểm của cụ về cá tính Việt Nam là “nước” đành là có dấu vết của tư tưởng triết học Lão Tử nhưng vẫn là một luận điểm đáng cho chúng ta suy ngẫm mặc dù tác giả chỉ mới nói qua. Rồi quan điểm của cụ về tư tưởng triết học và văn hoá của Tự Đức nói riêng, của Triều Nguyễn nói chung, rõ ràng cũng để lộ bản lĩnh riêng của cụ mà có thể có người đồng tình, có người không hẳn đã đồng tình. Riêng tôi thì đồng tình bởi từ lâu tôi đã không muốn nghĩ về triều Nguyễn, về Tự Đức một cách quá đơn giản như đó đây từng bắt gặp.

Trong một bài viết về Giáo sư Trần Đức Thảo trong dịp qua đời, Giáo sư Trần Văn Giàu có nói: nếu Việt Nam có một người đáng gọi là triết gia thì đó là Giáo sư Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là giáo sư dạy triết học. Tôi rất mong rằng hôm nay đọc xong Tư tưởng phương Đông của Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Trần Văn Giàu sẽ nói bổ sung cho, mặc dù tự tôi cũng có thể làm việc bổ sung đó.

Nguyễn Đình Chú

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)


Source: 
03-10-2021
Tags